Biện pháp thực tiễn

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp Đề tài Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong luật hình sự VIệt Nam thực trạng và giải pháp trên địa bàn huyện mộ đức tỉnh quảng ngãi (Trang 32 - 41)

5. Một số giải pháp thực tiễn trong đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm quy

5.2 Biện pháp thực tiễn

Để giải quyết vấn nạn về giao thông không phải là chuyện một sớm một chiều. Việc bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ phải được thực hiện đồng bộ cả về mặt kỹ thuật và an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, ý thức pháp luật của người tham gia giao thông và các biện pháp khác. Để thực hiện định hướng này trước hết cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

5.2.1 Củng cố và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các nhà chức trách, chính quyền các cấp

Cấp ủy, chính quyền địa phương cần xem công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị; là trọng tâm công tác, trách nhiệm trước tính mạng, tài sản của nhân dân, để đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông gia tăng như hiện nay thì cả hệ thống chính trị phải tham gia, phải vào cuộc. Theo Điều 69 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì “Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ và có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương”. Như vậy, có thể nói vai trò của chính quyền địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông rất lớn.

Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các nhà chức trách, chính quyền các cấp thì phải thực hiện một số vấn đề sau:

- Xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội địa phương trong đó chú ý đúng mức đến vấn đề phát triển giao thông đường bộ và an toàn giao thông.

- Tổ chức hệ thống làm công tác an toàn giao thông từ tỉnh, huyện đến phường, xã sao cho phù hợp.

- Quản lý tốt các đoạn đường mà địa phương mình phụ trách. Cấm lấn chiếm vỉa hè, lề đường, hành lang bảo vệ công trình giao thông.

- Quản lý chặt chẽ hơn nữa các trung tâm đào tạo lái xe, cấp bằng lái xe máy, xe ô tô. Phải giải quyết triệt để tình trạng mua bằng. Xử lý thật nghiêm người sử dụng và người làm bằng giả để họ không dám đùa giỡn với tính mạng người khác nữa. Hiện nay

nhiều tài xế còn quá trẻ, có người mới 20-22 tuổi đã có bằng lái dấu E. Nhà nước cũng cần có qui định về việc sử dụng lao động đối với chủ xe. Chủ xe phải có trách nhiệm tuyển chọn tài xế có sức khỏe, giỏi về kỹ năng và có đủ kinh nghiệm. Ví dụ nhà cung cấp xe Daewoo khi quảng cáo xe khách 70 chỗ đã khuyến cáo chọn tài xế phải trên 30 tuổi, đang là trụ cột nuôi sống cả gia đình... để nâng cao tinh thần trách nhiệm của tài xế.

- Phải nâng cao năng lực của đội ngũ Cảnh sát giao thông. Vì một cảnh sát giao thông phát huy tốt năng lực sẽ góp phần kìm hãm tai nạn giao thông trong khi nhiều nơi Cảnh sát giao thông gồng mình làm việc ngày đêm nhưng cũng không ít Cảnh sát giao thông không thể hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình. Hiện nay, việc xử phạt chưa đủ răn đe, chỉ cần một lần chạy quá tốc độ thì vĩnh viễn không cho chạy xe khách nữa. Nếu chủ xe vi phạm sẽ bị phạt không cho xe chạy trên tất cả các tuyến đường. Cần phải có chế tài thật nặng và dứt khoát đối với các tài xế vi phạm lỗi phóng nhanh vượt ẩu.

Nâng cao năng lực của cảnh sát giao thông

- Cảnh sát giao thông thực hiện thật nghiêm khắc các quy định của luật giao thông. Xử phạt công minh và không khoan nhượng. Riêng việc này, nếu làm tốt thì có thể cải thiện đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Tiền thu được từ phạt vi phạm giao thông có thể dùng vào quỹ an toàn giao thông. Các thông tin này được thống kê và công bố định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần phải có chế tài thật nặng và dứt khoát đối với các tài xế vi phạm lỗi phóng nhanh vượt ẩu, chỉ bấm lỗ giấy phép lái xe thôi thì chưa đủ răn đe.

. Xử phạt vi phạm luật giao thông phải thật nghiêm minh và công bằng

Các cơ quan nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm giao thông của học sinh phổ thông, cũng như những người dung túng, tiếp tay cho các em vi phạm. Trong trường hợp người vi phạm không có tài sản riêng, cha mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm nộp phạt theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng. Chỉ khi nào các hành vi vi phạm bị xử lý công bằng và nghiêm minh thì người dân mới tuân thủ các quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ thông báo các trường hợp vi phạm tới nhà trường nơi đang học tập hoặc địa phương nơi đang cư trú.

5.2.2 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Để pháp luật đi vào cuộc sống thì trước hết phải làm cho mọi người hiểu luật và tôn trọng pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi của mình theo pháp luật. Để đạt được điều này cần tiến hành đồng bộ các giải pháp trong đó có tuyên truyền, giáo dục là giải pháp cơ bản quan trọng nhất. Trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng vậy, tuyên truyền giáo dục pháp luật để mọi người có cơ sở lựa chọn hành vi nào mình nên làm, hành vi nào không được làm, hành động nào phải làm…

Phải làm sao để tự mỗi cá nhân phải biết tôn trọng mình trước hết, nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông. Vì sự nghênh ngang, thói quen coi thường luật giao thông trong cách tham gia giao thông đã ngấm sâu vào người dân Việt Nam từ thành thị tới nông thôn và ở mọi lứa tuổi hiện nay không hiếm. Giải pháp trước mắt và lâu dài là công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của báo chí được đặt lên hàng đầu, đồng thời dành nhiều thời lượng cho các chuyên đề về trật tự an toàn giao thông thông qua các nội dung biểu dương người tốt việc tốt; phê phán các việc làm sai... Tăng cường các đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Thiếu niên; Nhi đồng... trong công tác tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông.

Nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng an toàn giao thông và các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và các ảnh hưởng tiêu cực của nó (chết người,

bị thương,…); thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tăng cường sự phối, kết hợp giữa các nhà hoạch định chính sách và những cán bộ chủ chốt tham gia bảo đảm an toàn giao thông đứng ở góc độ văn hóa giao thông.

Giới thiệu thông tin liên quan tới khái niệm an toàn và văn hóa như là một nhân tố quyết định để hiểu hành vi của con người đang ảnh hưởng tới an toàn giao thông ở mức độ toàn xã hội và cộng đồng; tạo ra cơ chế trao đổi thông tin và đưa vấn đề ảnh hưởng của văn hóa tới hành vi con người trong an toàn giao thông tới các thành viên có liên quan.

Đối với nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh nội dung môn giáo dục công dân, mà một trong những nội dung trọng tâm là phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu giáo dục trước mắt. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Hàng năm, nếu điều kiện cho phép, các trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi. Ngoài ra cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học. Cần đưa kết quả giáo dục ý thức pháp luật thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá kết quả dạy và học của các trường, các lớp và của giáo viên. Không tôn vinh những trường, lớp hoặc giáo viên phụ trách trường, lớp có nhiều học sinh vi phạm giao thông đường bộ.

Các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái, không mua xe mô tô cho con hoặc không cho phép con đi xe mô tô đến trường. Nhà nước cũng cần quy định biện pháp xử lý nghiêm minh với các bậc cha mẹ không quan tâm hoặc dung túng cho các em vi phạm. Cơ quan, đơn vị công tác cũng cần có hình thức xử lý thỏa đáng đối với các bậc cha mẹ là đảng viên, cán bộ, công chức dung túng hoặc tiếp tay cho con cái vi phạm giao thông như: không nâng bậc lương, không xét thi đua, không bổ vào chức vụ lãnh đạo cao hơn…

Bởi lẽ, gia đình là cái nôi đầu tiên và vững chắc nhất để xây dựng nhân cách của một con người, đừng chờ đợi (hay phó mặc) nhà trường hay xã hội làm điều này thế bạn. Mỗi người phải dùng chính bản thân mình làm tấm gương sáng để xây dựng cho con cái chúng ta lòng tự trọng, những thái độ hành vi có văn hóa từ những điều nhỏ nhặt nhất như không vứt rác bừa bãi ngoài đường, tôn trọng luật lệ giao thông, sẵn sàng giúp đỡ những người khách nước ngoài trên đường phố khi họ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Tuy nhiên, biện pháp “tự giáo dục” trên cũng chỉ có thể thực hiện được đối với những người có ý thức, còn đối với những người vô ý thức – tác giả cho rằng chỉ có biện pháp chế tài mạnh và nghiêm thì mới "trị" được họ. Không nên để xảy ra hậu quả chết người rồi mới có hình phạt nặng mà phải bắt đầu phạt nặng ngay từ những vi phạm nhỏ nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Tạo một tổng thể thống nhất các biện pháp chiến lược bảo đảm an toàn giao thông; thay đổi hành vi tham gia giao thông theo hướng tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ ở Việt Nam .

5.2.3 Xây dựng hoàn thiện huy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển giao thông vận tải.

Chấn chỉnh trật tự đô thị và lập lại trật tự hè đường. Trong đó phải giải phóng các hành lang an toàn giao thông và phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ, không để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe ở trong vỉa hè, đặc biệt ở nội thành; đẩy nhanh các công trình về giao thông ở trong nội ô cũng như các đường kết nối vốn được thi hành đang được thực hiện rất chậm chạp. Đề xuất giải pháp nghiên cứu xây dựng những cơ chế đóng góp của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng. Ví dụ như:

- Thu và quản lý tiền bảo hiểm nhân mạng và phương tiện tham gia giao thông vào một đầu mối, không để tình trạng mua bán thẻ bảo hiểm tràn lan như hiện nay vì đây là một nguồn thu khá lớn.

- Thu từ xử phạt hành chính là nguồn thu lớn, nếu tính bình quân mỗi tuần thu 6 tỷ đồng mỗi năm 52 tuần x 6 tỷ = 312 tỷ đồng nếu thu tốt không bị thất thoát thì có đến nghìn tỷ đồng cho mỗi năm.

- Phải thu các phí như bảo vệ môi trường, phí giao thông đô thị, tăng phí trước bạ, phí bảo hiểm bắt buộc, phí sử dụng điểm đỗ xe và sử dụng vỉa hè. Nguồn thu đó đó dùng để cải thiện môi trường và đầu tư vào giao thông công cộng, đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Qua đó có thể giảm phương tiện cá nhân.

Tất cả các nguồn thu này được tập trung vào một đầu mối nhằm quản lý có hiệu quả trong việc tăng lương, thưởng, trang bị thiết bị... phục vụ cho quản lý giám sát nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Hệ thống đường xá, cầu cống, tín hiệu giao thông: cần thiết kế khoa học, xây dựng đạt yêu cầu chất lượng. Có những đoạn đường rất nguy hiểm là do khi thiết kế không tính đến lưu lượng giao thông, không khoa học, vô hình chung tạo ra các đoạn có tầm nhìn bị hạn chế hoặc vòng cua quá gấp nên khi mọi người tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Ở một số nước như Hàn quốc, họ thường làm hệ thống đèn báo hiệu giao thông từ khoảng cách khá xa và phân làn xe rất rõ ràng. Hệ thống tín hiệu giao thông cần đặt tại những điểm thoáng, dễ nhìn thấy. Có những đoạn đường biển báo nằm thấp và khuất sau lùm cây, đang lái xe trên đường đông đúc thì chẳng có cách gì nhìn thấy được thì làm sao tránh khỏi việc vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Tổ chức thí điểm ở một số làn, nhưng sắp tới phải nhân lên nhiều cho các phân làn xe 4 bánh, 2 bánh. Phải tổ chức giao thông cho người đi bộ, bằng cách tạo vỉa hè, tạo đường hầm, tạo cầu vượt, quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ Việt Nam, xây dựng chương trình hành động an toàn giao thông đường bộ trong thời gian tới.

Việc thi công và tái lập mặt đường hiện nay vẫn còn tồn tại một số đơn vị thi công không đáp ứng yêu cầu của ngành giao thông nên đề nghị Sở giao thông công chính và Thanh tra giao thông công chính phải kiên quyết xử phạt đối với các đơn vị vi phạm, đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần đề nghị Sở kiến nghị không cho đơn vị trên tham gia thi công trên địa bàn đó nữa.

Nhà nước và Chính phủ cần sớm có quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cho thuê một cách hợp lý phù hợp với nơi làm việc, với phương châm hạn chế tối đa việc đi lại đan xen của người dân, từ đó mà giảm mật độ giao thông.

KẾT LUẬN

Việt Nam, một đất nước có hệ thống chính trị ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới, là một nước chỉ có duy nhất một Đảng Chính trị lãnh đạo, tình trạng khủng bố hầu như không có. Thế nhưng, tình trạng thiệt mạng do tai nạn giao thông thì lại quá nhiều, bình quân mỗi năm có 9000 đến 13000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, thiệt hại kinh tế ước tính đến cả tỷ USD/năm bằng cả trị giá xuất khẩu lúa gạo (Việt Nam có sản lượng xuất khẩu lúa gạo đứng thứ 2 trên Thế giới). Không chết vì khủng bố thì chết vì tai nạn giao thông. Nhìn số người chết và thiệt hại về kinh tế mà thấy sự lảng phí

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp Đề tài Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong luật hình sự VIệt Nam thực trạng và giải pháp trên địa bàn huyện mộ đức tỉnh quảng ngãi (Trang 32 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w