Đây là phương pháp được giới thiệu đầu tiên vào năm 1948 bởi Arnold Kegel, một bác sĩ sản khoa người Mỹ. Mục đích là tập cơ vùng đáy chậu để tăng cường trương lực và chức năng các cơ vùng đáy chậu, để sửa lại những rối loạn tĩnh học vùng đáy chậu bằng cách thực hiện những bài tập hằng ngày.
+ Chỉ định:
- Phương pháp tập cơ đáy chậu là bước điều trị đầu tiên cho bệnh lý tiểu không kiểm soát [54].
- Có thể được chỉ định điều trị phụ trợ cho các phương pháp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật [54].
Các phương pháp tập cơ đáy chậu nhằm tăng cường trương lực và chức năng của các cơ vùng đáy chậu. Hiệu quả của việc tập cơ đáy chậu không chỉ cho dạng bệnh TKKSKGS, mà còn có hiệu quả trên dạng bệnh tiểu gấp không kiểm soát, nhờ ức chế sự co thắt cơ chóp bàng quang [34].
+ Các phương pháp: - Tập cơ đáy chậu:
Theo Ferguson, hiệu quả của phương pháp này là 56 -95% [52]. Gồm các phương pháp:
- Kỹ thuật bằng tay: Đây là một trong những phương pháp đầu tiên được áp dụng. Phương pháp này bao gồm hàng loạt các động tác co thắt rồi thư giãn cân cơ vùng đáy chậu trong lúc bệnh nhân đưa hai ngón vào trong âm đạo. Bệnh nhân nằm tư thế ngửa thoải mái, đầu cao 20 độ, chống hai chân (như thế sản khoa). Bệnh nhân co thắt rồi giữ (cố gắng đến khi giữ được 10 giây), sau đó thư giãn 15 giây. Làm hàng loạt các động tác như trên, khoảng 10 - 20 lần cho mỗi buổi tập. Tập nhiều lần trong một ngày. Những buổi tập
đầu tiên nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, sau đó bệnh nhân có thể tự tập ở nhà và nên tập tối thiểu 5 lần trong ngày [52].
- Tập ngưng dòng tiểu lúc khởi đầu đi tiểu (stop-test): Đây là những bài tập đầu tiên. Bệnh nhân co thắt vùng tầng sinh môn để kìm giữ nước tiểu và thông qua bài tập này bệnh nhân có thể đánh giá được diễn tiến quá trình tập.
- Tập cơ vùng đáy chậu với thanh kim loại:
Gần đây người ta đưa ra một phương pháp khác để tập vùng đáy chậu bằng cách dùng một thanh kim loại đặt vào trong âm đạo. Âm đạo phải co giữ được tại chỗ thanh kim loại này bằng cách co thắt cơ mu-cụt trong 15 phút. Mỗi ngày tập 2 lần. Độ nặng của thanh kim loại được tăng dần từ từ (20 đến 100 g) sau hai lần tập thành công.
- Vật lý trị liệu tư thế:
Ở người mãn kinh, thường khung chậu hướng ra phía trước, bị gù lưng, tật ưỡn cột sống do giãn các cơ của cột sống và thành bụng làm thay đổi tĩnh học vùng lưng-chậu. Sự thay đổi này làm ảnh hướng đến sự phân phối lực trong ổ bụng và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành bệnh lý sa sàn chậu và TKKSKGS.
Tập tăng cường các cơ cột sống cho phép làm giảm sự biến dạng này. Các bài tập này thực hiện ở tư thế nằm và đứng dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
- Kích thích điện:
Phương pháp này nhằm mục đích tăng cường co thắt cơ vùng đáy chậu và cơ thắt niệu đạo và cũng tỏ ra có hiệu quả trong điều trị bàng quang không ổn định.
Tùy theo cường độ điện, sự kích thích là một bên hay hai bên thần kinh thẹn sẽ cho những đáp ứng khác nhau. Kích thích điện cũng có tác dụng ức
chế cơ bàng quang qua trung gian phản xạ đáy chậu-cơ bàng quang và cũng có hiệu quả giảm đau vùng chậu.
Tần số tối ưu để đạt được mục tiêu là làm đóng cơ thắt người ta dùng giữa 20 và 50 Hz. Để ức chế cơ bàng quang, người ta dùng 5 – 10 Hz.
Thông thường, điện cực được đặt trong âm đạo. Trong những trường hợp chống chỉ định như: Bé gái, phụ nữ lớn tuổi hoặc có nhiễm trùng tại chỗ, hoặc vừa mới mổ vùng âm đạo...thì đặt điện cực ở hậu môn.
Đối với bệnh lý TKKSKGS, kích thích điện có hiệu quả trên: - Cải thiện lực co thắt của cơ nâng hậu môn.
- Cải thiện được chiều dài chức năng của niệu đạo. - Cải thiện được sự vận chuyển áp lực.
- Phản hồi sinh học (Biofeed-back):
Đây là một phương pháp nhằm tập luyện cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu cơ chế kiểm soát bàng quang và các cơ thắt của mình nhờ qua hệ thống máy kiểm soát ngược, bằng cách thể hiện chúng dưới dạng biểu đồ.
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy kết quả từ 54- 87% [113].
Theo tác giả Burgio, có thể dùng phương pháp này để điều trị cho cả 2 dạng TKKSKGS và tiểu gấp [35].