Để đưa ra được chỉ định đúng, trước tiên cần phải có chẩn đoán chính xác bệnh lý TKKSKGS. Có nhiều bệnh lý gây ra TKKS, vì vậy cần phải thăm khám kỹ, xác định và chọn ra bệnh lý TKKSKGS. Ngoài ra, những bệnh nhân này cần được làm nghiệm pháp Bonney. Nghiệm pháp Bonney không nhằm vào việc chẩn đoán TKKSKGS, mà cho biết tiên lượng thành công của cuộc mổ. Nghiệm pháp âm tính, điều đó cho biết rằng việc nâng đỡ niệu đạo không có hiệu quả trong việc kìm giữ nước tiểu khi có gắng sức. Vì thế khi áp dụng phương pháp điều trị dùng giá đỡ niệu đạo sẽ không cho kết quả tốt.
Khi thực hiện phương pháp giá đỡ niệu đạo, không nên chọn lựa cho những bệnh nhân có tình trạng tiểu khó, tồn đọng nước tiểu, và xem như đây là một tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân có biểu hiện tiểu khó trên lâm sàng, nước tiểu tồn lưu trên 100ml hoặc qua xét nghiệm niệu động học cho thấy khả năng tống xuất bàng quang kém.
Ngoài ra, để đánh giá một cách chính xác hơn và khách quan hơn về phương pháp phẫu thuật này, nghiên cứu này được đưa ra một số tiêu chuẩn loại trừ (Những yếu tố này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả):
- Bệnh nhân đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến chức năng co bóp của bàng quang: Vì nếu bệnh nhân dùng thuốc này có thể gây ra tiểu khó. Như vậy sẽ không đánh giá được biến chứng tiểu khó là do phẫu thuật gây ra hay do thuốc.
- Xạ trị vùng chậu hoặc có tiền căn nhiễm trùng vùng chậu nặng: Xạ trị hoặc có tiền căn nhiễm trùng vùng chậu nặng có thể sẽ làm cho vùng chậu viêm dính nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật. như vậy sẽ khó đánh giá chính xác hiệu quả của phương pháp này.
- Đã có tiền căn phẫu thuật vùng chậu gần đây.
- Có bệnh lý đi kèm về tim mạch, phổi, bệnh huyết học...không thể thực hiện được cuộc mổ (chống chỉ định phẫu thuật).
Tất cả những tiêu chuẩn loại trừ vừa nêu trên, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến phương pháp phẫu thuật hoặc ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu quả của phẫu thuật.
Về chỉ định phẫu thuật, phương pháp giá nâng đỡ niệu đạo bằng cân cơ tự thận được chỉ định cho tất cả các dạng của tiểu không kiểm soát khi gắng sức [29], [36], [53], [57], [123]. Trong loạt nghiên cứu này cũng cho thấy phẫu thuật dùng cân cơ thẳng bụng tự thân cho kết quả tốt trên cả dạng niệu đạo di động và dạng không di động. Ngoài ra phương pháp này còn được khuyên dùng khi các phương pháp khác như TVT,TOT không thể thực hiện được như: bệnh nhân có rò niệu đạo-âm đạo, bị bào mòn niệu đạo, tổn thương niệu đạo trong lúc mổ, túi thừa niệu đạo [79], đặc biệt là đối với những trường hợp tái phát và có biến chứng [22]. Năm 2013, nhiều tác giả đã đề cập đến vấn đề biến chứng của mảnh ghép nhân tạo và khuyên dùng cân cơ tự thân cho những bệnh nhân này [67], [109]. Trong nghiên cứu này, không có bệnh nhân nào được phẫu thuật do bị tái phát của các cuộc mổ trước đó, bị rò niệu đạo-âm đạo, túi thừa niệu đạo... Tuy nhiên, trong tương lai, sẽ áp dụng phương pháp này cho những bệnh nhân có chỉ định vừa nêu trên.
Phương pháp dùng giá nâng đỡ niệu đạo được chỉ định cho tất cả các type của TKKSKGS (type I, II, III) [74]. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ nên đặt ra sau khi điều trị nội thất bại [74]. Vì vây, trong nghiên cứu này hầu như chỉ chọn lựa phẫu thuật cho những bệnh nhân sau khi đã điều trị nội khoa thất bại. Đặc biệt, trong những năm gần đây (Từ 2010 đến nay), bệnh viện Bình Dân có trang bị những phương tiện cho tập cơ đáy chậu, nên hầu
như bệnh nhân TKKSKGS được chọn tập sàn chậu trước. Khi thất bại mới đặt ra chỉ định phẫu thuật.
Qua nghiên cứu này, cho thấy kết quả phẫu thuật không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: dạng niệu đạo di động hay dạng không di động, độ nặng của bệnh, thời gian mắc bệnh.