III. GIẢI PHÁP NHẰM MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG ĐÀ NẴNG
9. Công tác thu thập thông ti n:
Để quyết định cho vay hay từ chối khoản vay thì cán bộ tín dụng phải thực hiện công tác thẩm định. Để công tác thẩm định đạt kết quả cao nhất thì việc điều tra, thu thập, tổng hợp các nguồn thông tin về khách hàng là không thể thiếu. Một số nguồn thông tin quan trọng mà cần phải điều tra như sau:
+ Phỏng vấn trực tiếp người vay: Thông qua phỏng vấn có thể kiểm tra tính trung thực của người vay, phát hiện những vấn đề không nhất quán hoặc không trung thực giữa hồ sơ vay vốn và nội dung trả lời phỏng vấn. Trong quá trình phỏng vấn, cán bộ tín dụng có thể yêu cầu cung cấp những thông tin cần thiết như tình hình tài chính, bản hợp đồng lao động nếu khách hàng là lao động theo hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,.... Cán bộ tín dụng có thể chuẩn bị sẵn nội dung phỏng vấn cũng như cách đặt câu hỏi cho phù hợp để lấy được thông tin bổ ích từ khách hàng. Ngoài ra, nghệ thuật nói chuyện, tạo bầu không khí thoải mái, khuyến khích khách hàng nói chuyện cũng quan trọng không kém.
+ Nguồn thông tin từ cơ quan, đoàn thể nơi khách hàng công tác: Cán bộ tín dụng đến xin xác nhận của thủ trưởng đơn vị về bảng lương của người đi vay đồng thời tìm hiểu về đời sống, tư cách, năng lực làm việc, thời gian làm việc tại đơn vị
của người vay. Ngân hàng cũng cần tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị trong trường hợp người vay vốn công tác tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
+ Thu thập thông tin thông qua những người lân cận: Với mục đích để được ngân hàng chấp nhận cho vay, những lời khai của người vay sẽ chứa đựng nhiều yếu tố thiếu chính xác. Cán bộ tín dụng có thể thăm dò khách hàng mình thông qua những người thân, những người sống gần họ để kiểm chứng những lời khai trước đó có mâu thuẫn hay sai lệch hay không. Mặc khác, có những thông tin có tính chất cá nhân không thể hỏi trực tiếp khách hàng mà phải thông qua những người thân cận ( trình độ học vấn, cuộc sống gia đình, lối sống của họ...) Ngoài ra, nguồn thông tin từ những khách hàng công tác cùng đơn vị với người vay, có quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng cũng là cơ sở để đánh giá người vay.
+ Thu thập thông tin từ hồ sơ lưu trữ của ngân hàng: Qua hồ sơ lưu trữ có thể xem xét trước đó khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng hay chưa? Nếu có, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của họ ra sao? có tình trạng gia hạn nợ, chậm trả nợ hay không, mức độ ra sao? Đây là một cách để ngân hàng hạn chế cho vay những khách hàng có ý thức trả nợ kém và những khoản vay kém hiệu quả. Hiện nay, ngân hàng đã bước đầu thực hiện công tác này nhưng vẫn còn hạn chế về nguồn thông tin và chi phí thực hiện. Ngân hàng cần phải khai thác tối đa những kênh thông tin khác nhau, tận dụng những cơ hội tìm hiểu khách hàng. Thông tin thu thập được chính xác, kịp thời sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tình trạng phát sinh nợ quá hạn, góp phần giảm rủi ro cho ngân hàng và nâng cao dần chất lượng cho vay tiêu dùng.
Công tác thu thập thông tin nếu thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho công tác thẩm định chính xác hơn, đảm bảo an toàn vốn vay cho ngân hàng.
Bên cạnh các việc thu thập, xử lí thông tin thì không thể không quan tâm đến vai trò của cán bộ làm công tác tín dụng trong việc nâng chất lượng hoạt động cho vay.