4.3.1. Về cơ chế chính sách
- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách, chế độ về thuế nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế trong các cơ sở kinh doanh ăn uống. Hỗ trợ về thuế và thực hiện các chính sách miễn giảm, hỗ trợ kinh phí để mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Cắt giảm các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho các cá nhân, chủ thể đăng ký loại hình kinh doanh này.
39
- Tăng cường việc quản lý hệ thống các quán ăn lề đường để đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn cảnh quan đô thị. Tạo mọi điều kiện cho các hàng quán lề đường có nơi kinh doanh được ổn định góp phần làm tăng mỹ quan đô thị.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hàng xây dựng thương hiệu để thu hút và phục vụ du khách tốt hơn.
- Duy trì và mở rộng về quy mô của các cơ sở kinh doanh hay nhà hàng hiện có trên địa bàn thành phố. Khuyến khích tinh thần sáng tạo kinh doanh và đầu tư vào các cơ sở vật chất.
- Mở các khóa tập huấn, đào tạo ngắn cho đội ngũ quản lý nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố nhằm cập nhật thông tin về lĩnh vực này. Xúc tiến thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Tăng cường hỗ trợ về vốn cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mở rộng quy mô hoạt động; đầu tư vào các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
- Khuyến khích các ngân hàng thương mại chủ động tìm kiếm các dự án cho vay khả thi, nâng cao năng lực thẩm định, mở rộng cho vay có bảo đảm, vay tín chấp và các hình thức cho vay khác. Đồng thời tăng cường công tác cung cấp thông tin cho các cơ sở kinh doanh, đưa ra nhiều dịch vụ phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng, thường xuyên đào tạo cập nhật kiến thức cho các cán bộ làm công việc này.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức cá nhân trong xã hội. Tạo chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực ẩm thực.
4.3.2. Về vệ sinh an toàn thực phẩm
- Tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã được Sở KH&ĐT thành phố Đà Nẵng cấp giấy phép kinh doanh.
- Tổ chức phổ biến sâu rộng yêu cầu về các quy trình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc chuyên ngành, phân bón hóa học để
40
đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra quy trình lưu trữ, bảo quản các loại thực phẩm tươi sống, các loại thủy hải sản đông lạnh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, đảm bảo nguyên liệu chế biến thực phẩm phải tươi, sạch, an toàn, không dùng các loại hóa chất bảo quản không được phép sử dụng theo quy định của các cơ quan chức năng và không được sử dụng các nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm ôi thiu…
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Kiểm tra và xử lý nghiêm khắc đối với các các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
4.3.3. Về công tác quảng bá hình ảnh
- Duy trì và nâng cao chất lượng các món ăn, thái độ phục vụ… thông qua đó để quảng bá hình ảnh của con người Đà Nẵng đến với các vùng miền của đất nước và thế giới.
- Tiếp tục quảng cáo về các giá trị và hình ảnh tốt đẹp của địa phương thông qua các chương trình lễ hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Làm các bộ phim tư liệu giới thiệu về thành phố, nếp sống hay văn hóa ăn uống của người dân nơi đây.
- Marketing trên internet là hình thức khá phổ biến trên thế giới hiện nay thông qua xây dựng trang web của Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng. Thực hiện marketing thông qua internet mang hiệu quả cao hơn so với các phương tiện truyền bá như báo chí, đài phát thanh, tivi mà lại giảm thiểu được chi phí quảng bá cũng như khắc phục được nhiều hạn chế của các phương tiện quảng cáo hiện nay.
- Xây dựng thương hiệu cho các đặc sản ẩm thực của Đà Nẵng, không chỉ về thương hiệu về chất lượng món ăn mà còn về những đặc trưng văn hóa trong thưởng thức món ăn và thương hiệu về chất
41
lượng phục vụ. Đầu tư và phát triển các món ăn lạ, độc đáo tạo nên nét riêng biệt của thành phố.
- Cải thiện thái độ phục vụ và nâng cao chất lượng các món ăn cũng như cơ sở vật chất tại cơ sở kinh doanh ăn uống cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng với du khách. Du khách sẽ biết đến Đà Nẵng là một thành phố năng động, mến khách và thân thiện.
4.3.4. Về nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tuyên truyền ý thức tích cực cho các hộ kinh doanh ẩm thực về việc đảm bảo chất lượng các món ăn, sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch để chế biến các món ăn.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn các kỹ năng nấu ăn, trình bày món ăn.
- Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn văn minh thương mại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, tránh tình trạng chèo kéo, chặt chém khách.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực phải thường xuyên giáo dục nhân viên, người phục vụ về tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ khách hàng. Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong kinh doanh giữa khách hàng và người phục vụ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, phức tạp.
4.3.5. Về tổ chức thực hiện
- Huy động toàn dân và các sở, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là Sở VH, TT & DL Đà Nẵng và Sở Công thương Đà Nẵng tham
gia vào các chương trình quảng bá Ẩm thực Đà Nẵng.
- Thành phố Đà Nẵng nên đầu tư hoặc tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực đầu tư xây dựng các khu ẩm thực tập trung để phục vụ đối tượng là thực khách và du khách có mức chi tiêu trung bình. Theo chúng tôi có những địa điểm có thể xây dựng các khu ẩm thực tập trung này là: khu vực xung quanh Công viên Biển Đông; bãi biển Mỹ Khê - Non Nước (gần Dana Beach Club) và bãi biển Xuân Thiều; trên một số tuyến đường dọc theo đôi
42
bờ sông Hàn như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng (và các đường nhánh vuông góc với hai tuyến đường này); và khu du lịch Bà Nà Hill.
- Tổ chức các lễ hội ẩm thực, các sự kiện ẩm thực gắn liền với các sự kiện chính trị văn hóa, nghệ thuật ở địa phương.
- Triển khai nhiều loại hình kinh doanh ẩm thực để phục vụ du khách như: ẩm thực đường phố, ẩm thực nhà hàng, ẩm thực trong các trung tâm thương mại, siêu thị… để phục vụ nhiều đối tượng du khách/thực khách, đáp ứng như cầu ẩm thực đa dạng của họ. Theo đó, thành phố nên cho phép và khuyến khích người dân và các doanh nghiệp mở những quầy bán đồ ăn thức uống lưu động trên những chiếc xe (có trọng tải từ 1 đến 1,5 tấn). Những chiếc xe này được phép dừng đổ dọc các tuyến đường đã được quy hoạch làm phố ẩm thực đêm; được phép căng bạt, bố trí bàn ghế xung quanh điểm đổ xe để bán các món đặc sản, đồ ăn nhanh và đồ uống nhẹ, phục vụ du khách đi dạo phố đêm và được kinh doanh cho đến 12g đêm. Hết giờ phục vụ, những chiếc xe này sẽ rời đi, dọn dẹp vệ sinh và trả lại mặt bằng như cũ vào trước khi trời sáng.
Để làm được việc này, chính quyền thành phố nên lập sơ đồ quy hoạch điểm đổ xe bán hàng; quy định mật độ xe bán hàng trên
từng tuyến phố đêm; bố trí hệ thống đèn chiếu sáng, thùng thu gom
rác và các nhà vệ sinh lưu động ở những nơi thích hợp; bố trí lực lượng thu gom rác và dọn dẹp nhà vệ sinh hàng đêm sau khi phố ẩm thực đêm ngừng phục vụ.
43
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ A. Kết luận
1. Ẩm thực đang ngày càng trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch. Ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế các chương trình phát triển và quảng bá du lịch. Ẩm thực được xem là một công cụ hữu ích tạo nên sự phát triển cho một điểm đến và giúp đáp ứng được những mong đợi của du khách đối với điểm đến đó. Điều này xuất phát từ một nguyên nhân rất cơ bản, du khách dù đến từ vùng miền nào cũng đều có chung sở thích và nguồn cảm hứng mạnh mẽ với ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực địa phương.
Ẩm thực được coi như một phương tiện quan trọng góp phần thu hút khách du lịch bởi nó hội đủ các yếu tố tạo nên sự độc đáo, đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, hợp khẩu vị và thể hiện được bản sắc văn hóa của một quốc gia hoặc một địa phương thông qua việc sử dụng nguyên vật liệu, cách thức chế biến cho đến việc trình bày, trang trí, cách thức thưởng thức các món ăn. Trên một phương diện khác, ẩm thực còn giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, bởi lẽ, du lịch không chỉ là sự dịch chuyển khỏi nơi cư trú thường xuyên để khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của những vùng đất mới, mà còn là dịp để thưởng thức các món ăn khác lạ, để thấu hiểu nền văn hóa độc đáo ở những vùng đất ấy.
2. Với quan điểm đó, chúng tôi đã lựa chọn đề tài Nghiên cứu
đặc sản ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở thành phố Đà Nẵng để
triển khai nghiên cứu, với mục đích sử dụng ẩm thực như một phương tiện hiệu quả trong việc quảng bá cho du lịch Đà Nẵng.
Từ kết quả thu được thông qua cuộc khảo sát bằng phiếu điều tra và được thể hiện trong nội dung nghiên cứu của 12 chuyên đề trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi rút ra những kết luận sau:
2.1. Đà Nẵng có một di sản ẩm thực phong phú, tinh hoa với những đặc trưng riêng. Di sản này là sự tinh tuyển, kế thừa từ văn hóa ẩm thực của xứ Quảng, có sự tiếp nhận, cải biên từ các nền văn hóa ẩm thực khác, như ẩm thực Huế, ẩm thực các vùng miền khác
44
của Việt Nam, thậm chí cả ẩm thực Pháp. Điều này phản ánh vị thế đặc biệt của Đà Nẵng trong diễn trình lịch sử của Việt Nam. Đó là một vùng đất mở, là nơi giao thoa và hội tụ của nhiều nền văn hóa, là đầu cầu của quá trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiếp nhận “không tự nguyện” nền văn minh phương Tây. Bối cảnh lịch sử này ghi dấu rõ nét trong văn hóa ẩm thực của Đà Nẵng với các thuộc tính: ẩm thực lưu dân, ẩm thực bản địa và ẩm thực ngoại lai như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực đã đúc kết.
2.2. Tuy là một di sản phong phú và giá trị nhưng ẩm thực Đà
Nẵng vẫn chưa được biết đến nhiều, chưa trở thành một thế mạnh để khai thác, quảng bá, phục vụ phát triển du lịch của thành phố. Chính vì thế, việc nghiên cứu đặc sản ẩm thực của Đà Nẵng để xây dựng các thực đơn phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách đến thăm Đà
Nẵng và để quảng bá cho thương hiệu Ẩm thực Đà Nẵng là hết sức
cần thiết.
2.3. Có một vị thế đắc địa, Đà Nẵng là một thành phố mở, là nơi giao thoa của các nền văn hóa Bắc - Nam và Đông - Tây trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, chắc chắn Đà Nẵng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì thế, mở rộng thực đơn ẩm thực phục vụ du lịch ở Đà Nẵng bằng cách bổ sung các đặc sản ẩm thực của các vùng miền khác ở Việt Nam và các đặc sản ẩm thực nổi tiếng của quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách là việc nên làm. Kết quả khảo sát của đề tài cũng cho thấy đây là một “nguyện vọng chính đáng” của du khách/thực khách, các chuyên gia ẩm thực và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực trên địa bàn thành phố.
3. Sau 18 tháng triển khai nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả cụ thể như sau:
3.1. Đã phác họa được diện mạo tổng quát về văn hóa ẩm thực
Đà Nẵng, từ lịch sử, nguồn gốc, đặc trưng… cho đến việc kiểm đếm số lượng và giới thiệu các giá trị, tinh hoa của di sản ẩm thực Đà Nẵng.
45
3.2. Đã xác lập được một danh mục các đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Đà Nẵng (và xứ Quảng), gồm tên gọi, nguyên liệu hợp thành, cách chế biến, bày biện và cách thức thưởng thức các đặc sản ẩm thực này. Đồng thời tiến hành phân tích hàm lượng dinh dưỡng và calories của 6 món đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Đà Nẵng để tư vấn cho thực khách lựa chọn món ăn phù hợp với sức khỏe của họ và để những người chế biến đặc sản gia giảm nguyên liệu và gia vị cho phù hợp với nhu cầu của thực khách.
3.3. Đã xác lập được 3 danh mục các nhà hàng, quán ăn nổi tiếng ở Đà Nẵng chuyên kinh doanh các đặc sản ẩm thực của địa phương từ kết quả lựa chọn thông qua khảo sát bằng phiếu điều tra của 3 nhóm đối tượng: du khách/thực khách; chuyên gia về ẩm thực và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng. Đáng chú ý là kết quả lựa chọn các món ăn và các nhà hàng, quán ăn tiêu biểu của 3 nhóm đối tượng này là tương đối đồng nhất. Điều này phản ánh tính khách quan và nghiêm túc trong sự lựa chọn, đánh giá của những người tham gia khảo sát.
3.4. Đã đề xuất 3 danh mục đặc sản ẩm thực của 3 miền Bắc -
Trung - Nam của Việt Nam và 1 danh mục các đặc sản ẩm thực của 6 quốc gia/khu vực trên thế giới là: châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc để xây dựng thành 7 thực đơn ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Đà Nẵng. Các thực đơn này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát nói trên và dựa trên sự phân tích nguồn du khách đến Đà Nẵng trong những năm quan và nguồn khách tiềm năng. Từ đó xác định thói quen, sở thích ẩm thực của từng nhóm đối tượng du khách để xây dựng những thực đơn thích hợp và có khả năng áp dụng thực tiễn cao.
3.5. Đã đề xuất các ý kiến về việc xây dựng nguồn thực phẩm
sạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn nhằm bảo đảm VSATTP trong việc chế biến, kinh doanh