BLDS có quy định về 12 loại hợp đồng dân sự cụ thể đó là: Hợp đồng mua bán tài sản; hợp đồng trao đổi tài sản; hợp đồng vay tài sản; hợp đồng thuê tài sản; hợp đồng mượn tài sản; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng vận chuyển;
hợp đồng gia công; hợp đồng gửi giữ tài sản; hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng ủy quyền.
Như vậy, các bên trong quan hệ hợp đồng có quyền giao kết một trong số 12 loại hợp đồng đã được BLDS ghi nhận nêu trên, nhưng các bên cũng có thể giao kết với nhau bất kỳ loại hợp đồng nào mà không phụ thuộc vào việc hợp đồng đó có được quy định trong BLDS hay không vì khi có sự thỏa thuận trong hợp đồng thì sự thỏa thuận đó sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên và thỏa thuận đó phải là hợp đồng dân sự. Ví dụ: Hợp đồng môi giới, có thể nói: “Khó xác định hợp đồng môi giới thuộc loại hợp đồng nào theo cách phân loại của BLDS, mặc dù nó có những đặc điểm như hợp đồng dân sự” [18]. Điều 8 luật kinh doanh bất động sản năm 2006 quy định buộc cá nhân kinh doanh môi giới bất động sản độc lập phải đăng ký kinh doanh và có chứng chỉ môi giới bất động sản. Như vậy, nếu cá nhân tham gia môi giới bất động sản mà không có đăng ký kinh doanh thì khi có tranh chấp được xác định là quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự cũng phát sinh các hoạt động môi giới và nó mang nhiều đặc điểm của hoạt động dịch vụ, trong khi đó BLDS lại chưa có quy định về hợp đồng môi giới.
Quyền tự do lựa chọn loại hợp đồng giao kết còn được thể hiện thể hiện ở việc các bên được giao kết những hợp đồng mà trong đó tích hợp đồng thời các yếu tố của nhiều loại hợp đồng khác nhau (hợp đồng hỗn hợp), ví dụ: hợp đồng du lịch, trong hợp đồng du lịch có thể tích hợp các yếu tố của nhiều hợp đồng khác nhau như: Hợp đồng vận chuyển hành khách (đưa khách đến địa điểm du lịch), hợp đồng thuê nhà ở (bố trí khách sạn cho khách du lịch), hợp đồng bảo hiểm (bảo hiểm sức khoẻ cho khách du lịch), hợp đồng mua bán (đồ ăn, vé tham quan,…), hợp đồng dịch vụ (hướng dẫn, thuyết minh du lịch,…),… Khi phát sinh tranh chấp giữa Công ty du lịch với người du lịch thi Toà án sẽ xem xét nội dung tranh chấp liên quan đến loại hợp đồng cơ bản
nào để quyết định áp dụng các quy định của hợp đồng đó để giải quyết tranh chấp (ví dụ như các bên tranh chấp về điều kiện chỗ ở không đảm bảo thì có thể áp dụng các quy định của hợp đồng thuê nhà ở để giải quyết).
Trong thực tế các bên có thể thoả thuận bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng mà có thể không đặt tên cho hợp đồng đó, ví dụ: Trong quan hệ mua bán hàng hóa, các bên thỏa thuận mua bán một số hàng hóa nhất định (hàng hóa này không bị pháp luật cấm, hạn chế mua bán) và việc mua bán này được lập thành văn bản (không ghi tên hợp đồng), văn bản này vẫn được pháp luật công nhận là hợp đồng vì nó được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên,…