Ở Mỹ, các chế định pháp lý về quản trị công ty được hình thành từ hệ thống pháp luật liên bang và hệ thống pháp luật của tiểu bang. Trong đó luật của công ty là luật của tiểu bang điều hành các vấn đề có liên quan đến tổ chức quản lý nội bộ công ty, là cốt lõi cuả quản trị công ty. Luật liên bang có hai đạo luật là luật chứng khoán và luật mua bán chứng khoán. Luật mua bán chứng khoán trong đó cũng chứa đựng một số nôị dung, điều chỉnh một số quan hệ nội bộ công ty [13,tr.207]. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tôi chỉ đề cập đến những vấn đề về quản trị công ty cổ phần, những vấn đề pháp lý được quy định trong luật công ty.
Luật công ty ở Mỹ chia làm hai loại hình công ty, công ty mở và công ty đóng. Công ty đóng (Closely held corporation) là loại hình công ty không bán cổ phần ra công chúng. Theo định nghĩa của luật công ty bang Delaware thì số lượng cổ đông không nhiều, thông thường thì từ 3 trở xuống. Bộ máy quản trị công ty không mang tính tập trung và chuyên nghiệp như ở công ty thông thường, các thành viên cuả công ty có thể tham gia trực tiếp vào công
việc quản trị công ty. Nhìn chung loại hình công ty này gần giống loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn trong hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law).
Công ty mở (Publicly held Corporation) đây là loại hình công ty có đặc điểm giống công ty cổ phần trong hệ thống pháp luật Civil law. Ngoài những đặc điểm như: tư cách pháp lý độc lập của công ty, tính chịu trách nhiệm hữu hạn của cổ đông thì công ty mở có những đặc điểm quan trọng đó là có quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn. Cổ phiếu của công ty mở có thể được chuyển nhượng và lưu thông trê thị trường như một loại hàng hoá. Tính có thể chuyển nhượng được của cổ phiếu trong công ty mở đem lại tính năng động về vốn, đồng thời lại không làm mất đi tính ổn định về tài sản của công ty. Chính vì lý do đó mà công ty mở tuy ra đời sau nhưng đã nhanh chóng được các nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt là ở Mỹ.
Về cơ cấu tổ chức, công ty mở thực hiện theo cơ chế đơn lớp. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, cơ quan chức năng chỉ có Hội đồng quản trị. Đại hội đồng cổ đông bao gồm các cổ đông của công ty, tổ chức hàng năm hoặc họp bất thường để bàn bạc và thông qua những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho cổ đông và quyền lực của công ty thuộc về họ. Tất cả các quyền lực trong công ty đều phải được thi hành bởi Hội đồng quản trị hay theo sự uỷ quyền của cơ quan này. Hoạt động kinh doanh và công việc nội bộ của công ty được quản lý theo sự hướng dẫn hay điều hành của Hội đồng quản trị. chính vì vậy, hiện nay có những công ty ở Mỹ gọi đây là “Trung tâm của tinh hoa” [13,tr.277, tr.215]. Trong Hội đồng quản trị có các Uỷ ban chuyên trách. Tuỳ vào mỗi công ty mà các uỷ ban do hội đồng lập ra nhiều hay ít. Thường thì có các uỷ ban chính sau: Uỷ
ban chấp hành (Excutive comittee), Uỷ ban ấn định thù lao (Compensation Comittee), Uỷ ban đề cử (Normination Comittee); Uỷ ban kiểm toán (Audit Committee).
Uỷ ban chấp hành: giống như Ban giám đốc trong hệ thống Civil law, có nhiệm vụ thực hiện nhiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị, thực hiện nhiệm vụ thường nhật đứng đầu là Tổng giám đốc.
Uỷ ban kiểm toán: chức năng của cơ quan này là giám sát tổng quát thể thức báo cáo tài chính và kiểm tra nội bộ công ty; giám sát hoạt động của Uỷ ban chấp hành; thông qua các hoạt động, kiểm soát tài chính và đánh giá kết quả kiểm toán. Uỷ ban kiểm toán thường có từ 3-5 thành viên, tất cả đều là người không kiêm nhiệm, phải độc lập không tham gia vào điều hành công ty.
Uỷ ban ấn định thù lao: uỷ ban này xem xét các vấn đề có liên quan đến thù lao, lương thưởng của Tổng giám đốc và viên chức quản lý công ty khác để đảm bảo răng thực sự có sự tương xứng giữa thù lao được trả với công việc và khả năng của Tổng giám đốc và các viên chức quản lý khác. Thành phần của uỷ ban này cũng bao gồm các thành viên không kiêm nhiệm.
Uỷ ban đề cử: có nhiệm vụ xem xét những tiêu chuẩn nhất định để đề nghị lên Hội đồng quản trị những ứng viên cho thành viên hội đồng, người làm Tổng Giám đốc và thành viên cho uỷ ban khác. Uỷ ban này cũng chỉ bao gồm những thành viên không kiêm nhiệm.
Hội đồng quản trị họp định kỳ với sự tham gia của các thành viên, để thông qua quyết định. Tuỳ từng công ty có những vấn đề được quyết định ở cấp uỷ ban rồi được báo cáo lên toàn thể hội đồng hay chỉ do toàn thể hội đồng quyết định.
Theo pháp luật hiện hành, các loại hình doanh nghiệp cơ bản ở Đức bao gồm: doanh nghiệp cá thể, công ty thương mại mở, công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản, công ty trách nhiệm hữu hạn, và công ty cổ phần [76,tr.2]. Đối với công ty cổ phần thì cơ cấu quản trị công ty được phân thành ba cấp riêng biệt nhau [76,tr.10].
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất của một công ty có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất trong đầu tư kinh doanh như quyết định chiến lược phát triển, thay đổi ngành nghề, sáp nhập, giải thể, phân chia lợi nhuận, sửa đôỉ điều lệ, bầu thành viên Hội đồng giám sát; uỷ nhiệm kiểm toán viên độc lập.
Hội đồng giám sát (Aufsichtsrat): bao gồm các thành viên do đại hội đồng bầu ra, trong số các thành viên hội đồng này, thì 1/3 thành viên (đối với những công ty có từ 500 đến 2000 người lao động) đến 1/2 thành viên (đối với những công ty có từ 2000 người lao động trở lên) phải lựa chọn trong đại diện của người làm công trong công ty. Quy định như vậy xuất phát từ quyền tham quyết hay quyền tham gia của giới lao động trong các hoạt động của công ty ở Đức. Tuy nhiên khi biểu quyết để ra các Nghị quyết của hội đồng thì phiếu biểu quyết của thành viên đại diện cho giới chủ có giá trị bằng hai phiếu của thành viên đại diện cho người làm công. Hội đồng giám sát chỉ thực hiện chức năng giám sát chứ không thực hiện chức năng điều hành. Đứng đầu Hội đồng giám sát là Chủ tịch hội đồng. Theo quy định của Luật tham quyết, thì Chủ tịch hội đồng là đại diện cho giới chủ. Trong việc ra quyết định của Hội đồng giám sát nếu có số lá phiếu thuận và chống ngang nhau thì phiếu biểu quyết của Chủ tịch là quyết định [76,tr.12].
Hội đồng điều hành (Vorstand) bao gồm các giám đốc chức năng hay phụ trách các bộ phận công ty. Hội đồng điều hành có trách nhiệm điều hành
các hoạt động kinh doanh hàng ngày theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và của Hội đồng giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng giám sát, do Hội đồng giám sát cử và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng điều hành không được là thành viên Hội đồng giám sát [76].
Tóm lại, mô hình quản trị công ty của Đức theo mô hình hai cấp, trong đó vai trò của người lao động và quản trị công ty là khá lớn. Trong những năm gần đây, đã có nhiều sửa đổi đáng kể vì luật công ty ở Đức trong đó tập trung vào mô hình quản trị công ty công ty cổ phần như tăng cường kiểm soát nội bộ trong công ty bằng cách tăng cường cho Hội đồng giám sát (ví dụ như giao cho Hội đồng giám sát quyền thuê kiểm toán để xem xét tình hình tài chính của công ty); luật hoá các yêu cầu về minh bạch; buộc công khai thông tin; cải cách hiệu quả hoạt động của Hội đồng giám sát và việc hợp tác trong kiểm toán thuộc Hội đồng giám sát và việc hợp tác trong kiểm toán nội bộ với kiểm toán độc lập.
1.4.3 Các khuyến nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về quản trị công ty (OECD) về quản trị công ty
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế – OECD là một tổ chức quốc tế với hơn 30 thành viên chính thức là các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, do được đẩy mạnh bởi quá trình toàn cầu hoá hiện tại OECD còn bao gồm 75 đến 100 quốc gia trong phạm vi của các hội nghị và các sáng kiến, cùng hướng tới cách tiếp cận phối hợp và hợp tác với nhau để chỉ ra các vấn đề toàn cầu mà các quốc gia không thể tự mình giải quyết. Trong đó, vấn đề quản trị công ty dẫn đầu trong việc hướng tới một OECD tổng thể và rộng lớn hơn. Các nguyên tắc quản trị công ty của OECD được thông qua năm 1999 và được bổ sung năm 2004 sau khi tham khảo các Chính phủ và những nhà đầu tư từ các
quốc gia trong và ngoài OECD. Các nguyên tắc này nhanh chóng được thừa nhận rộng rãi như là một chuẩn mực ở các quốc gia trong và ngoài OECD. Theo đó, các nguyên tắc quản trị công ty OECD 2004 bao gồm:
Thứ nhất:Đảm bảo những yêu cầu cơ bản để khung quản trị công ty có hiệu quả. Điều đó có nghĩa là, khung quản trị công ty cần phải hướng tới phát triển thị trường minh bạch và hiệu quả, phù hợp với những nguyên tắc chung của pháp luật, thể hiện sự phân chia rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, lập pháp và hành pháp. chế định quản trị công ty nên được phát triển theo hướng cân nhắc ảnh hưởng của nó đến hiệu quả kinh tế tổng thể, tính trong sạch của thị trường và việc thúc đẩy thị trường minh bạch, có hiệu quả. Bên cạnh đó, các quy định quản trị công ty cũng cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, rõ ràng và khả thi của pháp luật, phù hợp với truyền thống pháp lý, văn hoá kinh doanh của quốc gia. để làm được điều này, cần thiết phải xây dựng một nền tảng thể chế phù hợp bao gồm cả việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan chính quyền của một quốc gia cần phải rõ ràng và phải đảm bảo lợi ích công. Các cơ quan giám sát, lập pháp và hành pháp có quyền lực đủ mạnh, sự chính trực và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ một cách khách quan và chuyên nghiệp. Hơn nữa các luật lệ mà họ đưa ra cần phải kịp thời, rõ ràng và có cơ sở.
Thứ hai, Đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản. Các quy định về quản trị công ty cần bảo vệ và tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền cổ đông. Cụ thể các khuyến nghị sau:
- Các cổ đông cần được thông tin đầy đủ và tham gia quyết định vấn đề liên quan đến những thay đổi cơ bản của công ty như: sửa đổi điều lệ hoặc tài liệu tương tự, cho phép phát hành thêm cổ phần, các giao dịch đặc biệt bao
gồm việc chuyển nhượng tất cả hoặc phần lớn tài sản mà dẫn đến việc bán công ty.
- Cổ đông cần tạo điều kiện tham gia một cách có hiệu quả vào các quyết định quan trọng về quản trị công ty như: đề cử và bầu chọn thành viên HĐQT, góp ý và phê chuẩn chính sách lương thưởng cho thành viên HĐQT và các chức danh quản lý quan trọng.
- Cổ đông cần được tạo điều kiện để chất vấn HĐQT, bao gồm những chất vấn có liên quan đến việc kiểm toán bên ngoài hằng năm, kiến nghị nội dung cho chương trình họp và nghị quyết cuộc họp.
- Cổ đông có thể trực tiếp hoặc bỏ phiếu vắng mặt nhưng phải đảm bảo hiệu lực như nhau giữa hai hình thức bỏ phiếu.
- Cần công khai hoá cơ cấu vốn mà có thể tạo điều kiện cho một số cổ đông thâu tóm được quyền kiểm soát không tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ.
- Các quy định và thủ tục thâu tóm quyền kiểm soát công ty trên thị trường vốn và các giao dịch đặc biệt như sáp nhập và bán phần lớn tài sản của công ty cần được quy định rõ ràng và phải công khai hoá để các nhà đầu tư có thể hiểu được các quyền của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Các giao dịch cần phải minh bạch về giá và công bằng để có thể bảo vệ quyền lợi của tất cả các loại cổ đông. Không được dùng biện pháp ngăn ngừa việc thôn tính công ty để các cơ quan quản lý và HĐQT tránh khỏi các trách nhiệm.
- Cổ đông, bao gồm cả các tổ chức, cần được cho phép tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của cổ đông như đã được quy định trong các nguyên tắc, trừ một số ngoại lệ để tránh sự lạm dụng.
Thứ ba, Đảm bảo đối xử công bằng đối với cổ đông. Quy định về quản trị công ty phải đảm bảo sự đối xử công bằng đối với tất cả các cổ đông, bao gèm các cổ đông thiểu số và cổ đông là người nước ngoài. Tất cả các cổ đông phải được tạo điều kiện để có thể được đền bù cho những vi phạm quyền lợi của họ. Cụ thể là các khuyến nghị sau:
- Đối xử công bằng đối với tất cả các cổ đông:
1. Tất cả cổ đông cùng loại phải có các quyền như nhau. Tất cả các nhà đầu tư nên được cung cấp thông tin về các quyền đối với từng loại cổ phần trước khi quyết định mua. Bất cứ sự thay đổi nào về quyền bỏ phiếu cần phải có sự đồng ý của các cổ đông nắm giữ cổ phần mà bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự thay đổi đó.
2. Các cổ đông thiểu số cần được bảo vệ khỏi sự lạm dụng của các cổ đông nắm quyền kiểm soát một cách gián tiếp hay trực tiếp; đồng thời, cần có cơ chế đền bù thiệt hại hiệu quả.
3. Việc bỏ phiếu bởi người đại diện hay được bổ nhiệm phải theo cách thoả thuận với chủ sở hữu phần vốn đó.
4. Những cản trở đối với việc bỏ phiếu qua biên giới nên được xoá bỏ. 5. Các trình tự và quy trình cho họp Đại hội đồng cổ đông cần thể hiện sự công bằng với tất cả các cổ đông. Những thủ tục trong công ty không nên làm việc bỏ phiếu trở lên khó khăn hay tốn kém.
- Những giao dịch nội gián hay tư lợi nên cấm.
- Thành viên HĐQT và các chức danh quản lý quan trọng phải thông báo cho HĐQT về việc họ có lợi ích liên quan đến các giao dịch của công ty hoặc vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công ty.
Thứ tư: Đảm bảo vai trò của người có quyền lợi liên quan trong việc quản trị công ty. Quy định quản trị công ty nên thừa nhận các quyền của người có quyền lợi liên quan đã được quy định trong luật hay những thoả ước chung, đồng thời khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và công ty vì mục tiêu lợi nhuận, tạo công ăn việc làm và phát triển bền vững của công ty. Cơ chế nâng cao hiệu quả sự tham gia của người lao động cũng vì thế cần được tạo điều kiện để phát triển. Quy định quản trị công ty cần được hỗ trợ bởi các quy định có hiệu quả về phá sản cũng như cơ chế thực hiện hiệu quả các quyền chủ nợ. Những người