Như đã phân tích một trong những đặc trưng của công ty cổ phần đó là khả năng phát hành cổ phần ra công chúng để có thể huy động được nguồn vốn rộng rãi trong dân cư. Khi tham gia mua cổ phiếu của công ty, các nhà đầu tư thực chất đã bỏ tiền ra để mua niềm tin. Các nhà đầu tư đã trao tiền, trao tài sản thuộc sở hữu của mình cho công ty quản lý, để công ty kinh doanh và đem lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên khi đó sẽ luôn luôn có một mối nguy hiểm là những người quản lý công ty sẽ hành động cho quyền lợi cho riêng họ chứ không phải cho cổ đông của công ty. Chính vì vậy, khái niệm “quản trị công ty” được biết đến như là một tập hợp các cơ chế có liên quan quan đến việc điều hành và kiểm soát công ty nhằm bảo vệ quyền lợi thích đáng của nhà đầu tư. Hay nói cách khác, “Quản trị công ty chỉ được quan tâm khi doanh nghiệp dựa vào nguồn vốn của chủ sở hữu bên ngoài, tức là nguồn vốn chủ sở hữu được cung cấp bởi các tổ chức, cá nhân không trực tiếp tham gia vào quản lý” [33,tr.3]. Như vậy trong các công ty cổ phần hiện đại vấn đề quản trị công ty luôn gắn liền với sự tách biệt giữa quyền quản lý và quyền sở hữu.
Tiêu chí về sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý phụ thuộc nhiều vào điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường cũng như mức độ hoàn thiện của các khuôn khổ pháp lý, trong đó có vai trò rất quan trọng của luật về tổ chức công ty. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại hình công ty và các yếu tố nêu trên mà cơ cấu, hình thức quản trị cũng như sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý, điều hành ở mỗi công ty là khác nhau.
Đối với những công ty không mua bán cổ phần ra bên ngoài (có thể là công ty hợp danh, Công ty TNHH, các công ty cổ phần tư nhân có quy mô nhỏ) được đặc trưng bởi sự cân xứng về quyền, lợi ích giữa Cổ đông (chủ sở hữu) và Ban giám đốc. Những công ty này thường có xu hướng là những doanh nghiệp gia đình, trong đó các thành viên của gia đình, những người thân quen là những cổ đông làm việc cho công ty, và thường nắm giữ các vị
trí quản lý trong công ty. Trong những công ty này, tương đối có ít sự mâu thuẫn giữa quyền lợi của cổ đông, thành viên và Giám đốc, hay nói cách khác công ty được quản lý và điều hành bởi chính chủ sở hữu. Ở đó, không có sự phân lập về quyền lực và sự tách biệt về lợi ích, quyền sở hữu và quyền quản lý được nhất thể hoá và đều bắt nguồn từ chủ sở hữu của công ty. Sự tham gia tích cực của chủ sở hữu là chìa khoá của quản trị doanh nghiệp gia đình hiệu quả. Nếu như quản trị các công ty thông thường thường tập trung vào việc thiết lập ranh giới và phân chia quyền ra quyết định thì quản trị của các công ty gia đình lại thường tập trung vào việc hình thành mối liên kết về thủ tục và hiệu quả trong toàn hệ thống. Trên thực tế đây là những công ty có quy mô nhỏ, phạm vi kinh doanh hẹp, việc quản lý chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và ý chí của chủ sở hữu, đáp lại nó thường nhanh nhạy trong việc ra quyết sách và linh hoạt đối với thị trường.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, việc hàng hoá các quyền tài sản, nhu cầu huy động vốn ngày càng tăng cao, cách thức quản trị trong các doanh nghiệp gia đình ngày càng xuất hiện các bất cập, mà một trong những bất cập đó là làm giảm khả năng tiếp cận được với những nguồn vốn đầu tư mới. Bên cạnh đó, nhu cầu về đa dạng hoá, mở rộng cơ cấu sở hữu trong công ty; nhu cầu tự do chuyển dịch quyền tài sản và hình thành các quan hệ kinh doanh mới đã thôi thúc hình thành mô hình tổ chức kinh doanh mới, mô hình quản trị hiện đại và chuyên nghiệp. Ở đó, chủ sở hữu chỉ tham gia góp vốn, được tự do chuyển nhượng phần vốn góp và thu được những lợi ích đáng kể từ sự đầu tư vốn của mình còn hoạt động quản lý, điều hành công ty được trao cho những nhà quản trị chuyên nghiệp. Hay nói một cách khác, sự tách rời một số quyền quản lý ra khỏi chức năng sở hữu là tiền đề cho sự ra đời mô hình quản trị công ty hiện đại, mà đại diện là công ty cổ phần cùng với mô hình quản trị của nó.
Đối với công ty cổ phần, những ưu việt của nó được thể hiện ở sự tự do chuyển nhượng cổ phần, tính chịu trách nhiệm hữu hạn của các nhà đầu tư và khả năng huy động vốn rộng rãi nhờ khả năng phát hành cổ phần tạo điều kiện cho công ty dễ dàng kết nạp được hàng triệu cổ đông khác nhau. Do số lượng cổ đông của công ty lớn và thay đổi một cách liên tục như vậy, nên công ty khó có thể quản lý và điều hành hiệu quả các hoạt động kinh doanh nếu như các cổ đông (chủ sở hữu) cùng tham gia vào quản lý. Vì vậy, hoạt động quản lý công ty cần phải được tách ra khỏi quyền sở hữu và trao cho cơ quan chuyên nghiệp đó là Hội đồng quản trị. Cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị, trao cho họ quyền lực nhất định đồng thời ràng buộc cơ quan này bằng cơ chế chịu trách nhiệm và yêu cầu nơi này chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty để công ty lúc nào cũng tạo ra lợi nhuận [40,tr.6]. Như vậy, sự tách bạch này sẽ giúp tiết kiệm chi phí của việc ra quyết định, tránh được nhu cầu thông báo cho chủ sở hữu và được sự ưng thuận của họ cho gần như toàn bộ các quyết định cơ bản có liên quan đến công ty. Ngoài ra, Hội đồng quản trị được thành lập một cách tách biệt còn có thể giúp kiểm tra những hành vi cơ hội chủ nghĩa của các cổ đông kiểm soát, của các cổ đông khác hoặc của đối tác có liên quan đến công ty (người lao động, chủ nợ). Cũng như thế, Hội đồng quản trị có thể mang đến cho cổ đông thiểu số và những thành phần khác một phương tiện tiếp cận thông tin đáng tin cậy hay tham gia vào việc ra các quyết định của công ty.
Còn đối với cổ đông khi mà quyền sở hữu đối với tài sản đã chuyển thành quyền cổ đông thì cổ đông không thể tham gia vào việc quản lý công ty và chỉ còn được cung cấp những công cụ để bảo vệ nguồn vốn đầu tư của mình. Quyền của cổ đông chỉ gói gọn lại ở quyền chọn lựa và bãi miễn Hội đồng quản trị và quyền phê chuẩn một số hoạt động quan trọng của công ty. Chính quyền lực bị hạn chế như vậy lại phù hợp với công ty có quy mô lớn và
tạo điều kiện mở rộng kinh doanh chừng nào công ty còn làm cho nhà đầu tư tin tưởng vào nó [13,tr.214].
Như vậy từ sự phân tích trên có thể thấy sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý là một dấu hiệu đặc trưng của công ty cổ phần hiện đại [50,tr.67], là tiền đề của quản trị công ty hiện đại.