MỘT SỐ BÀI TẬP LUYỆN TẬP

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 33 - 40)

Sau đây là một số câu hỏi, bài tập luyện tập giúp học sinh phân biệt sự khác biệt về phương thức phản ánh của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực

Câu 1.

Áo em trắng quá nhìn không ra (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử) - Một câu thơ được viết theo khuynh hướng lãng mạn?

Gợi ý

Câu thơ được viết theo khuynh hướng lãng mạn vì:

- Dấu ấn chủ quan trong miêu tả hiện thực khá rõ: Sắc áo trắng được miêu tả bằng ấn tượng nhiều hơn là con mắt “nghiên cứu hiện thực”. Vì thế, cái thực đã mờ nhoè, nếu không muốn nói là siêu thực, không còn cụ thể.

- Cảm hứng chủ đạo: Hoan hỉ, say mê theo đuổi tụng ca cái đẹp nhưng ngay lập tức đã buồn, bất lực, bi kịch (trắng quá nhìn không ra).

- Thẩm mĩ: Hướng tới cái đẹp tột đỉnh, tuyệt mĩ tới mức hư ảo như sương khói. - Ngôn từ: Đầy xúc cảm, có thể lên đến cực cảm: trắng quá

Tương phản, đối lập như là một thủ pháp đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn.

Điều đó được thể hiện như thế nào qua hai truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân?

Gợi ý

1. Giải thích

- Tương phản được hiểu như một thủ pháp nghệ thuật. Đó là nghệ thuật tạo dựng hai yếu tố đối lập cùng làm nổi bật nhau.

- Chủ nghĩa lãng mạn hay dùng nghệ thuật tương phản, hay nói khác đi thủ pháp tương phản đối lập như một nét đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn vì: Chủ nghĩa lãng mạn có xu hướng tô đậm làm nổi bật đến mức độc đáo, độc tôn, thích cái phi thường, quá cỡ. Tương phản, đối lập đem lại hiệu quả thể hiện đó.

2. Chứng minh qua “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ” 2.1. Nghệ thuật tương phản, đối lập trong “Chữ người tử tù”

2.1.1. Tương phản giữa nhân vật với nhân vật

- Biểu hiện: Huấn Cao và quản ngục (vị thế xã hội, tính cách, trong nhiều cử chỉ, hành động…). Ta luôn thấy hình ảnh Huấn Cao hiện lên lồng lộng, đối lập với đó là một Quản ngục khiêm nhường, nhỏ bé…

- Ý nghĩa:

+ Tạo tình huống gặp gỡ oái oăm, éo le …

+ Làm nổi bật hai nhân vật: Huấn cao cao khiết, có bản lĩnh cốt cách của một đấng anh hùng, một bậc quân tử, không để cái xấu vấy bẩn tâm hồn. Quản ngục khiêm nhường, biết giá người …

2.1.2. Tương phản đối lập ngay trong bản thân nhân vật

- Biểu hiện qua nhân vật Quản ngục: Tương đối lập giữa bên trong và bên ngoài, con người của chức phận tầm thường của buổi phong kiến suy tàn đối lập con người mang phẩm cách cá nhân cao đẹp (Làm quan coi ngục nhưng đam mê chữ nghĩa, có sở nguyện cao quý, biết yêu đẹp mến tài, biết đối xử đầy văn hoá với cái đẹp)

- Ý nghĩa: Hình ảnh nhân vật Quản ngục hiện lên độc đáo mang bản lĩnh nghệ thuật và quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân (một thanh âm trong trẻo chen giữa một bản đàn mà tất cả nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ)

- Biểu hiện: Quản ngục là người biết say mê chữ nghĩa, biết yêu đẹp, mến tài được ví như một thanh âm trong trẻo, một người có tâm điền tốt nhưng lại bị đầy vào giữa một đống cặn bã. Nghịch cảnh này làm cho quản ngục bị cầm tù ngay trong chức phận của mình …Huấn Cao – con người của ý chí tung hoành thì lại hiện ra với thân phận tử tù, đối mặt với gông cùm. Xin chữ, cho chữ là thú vui tao nhã, một nét văn hoá thường diễn ra nơi thanh sạch cao quý thì nay diễn ra trong nhà tù. Xét đến cùng cả Huấn cao và quản ngục đều là những người đối lập với xã hội. Cái đẹp cô đơn giữa thời buổi xã hội đương thời…

- Ý nghĩa: Làm nổi tính cách các nhân vật và chủ đề của truyện

2.1.4. Tương phản giữa ánh sáng và bóng tối (chủ yếu trong cảnh cho chữ) - Biểu hiện: Ánh sáng được miêu tả với nhiều biến thể (ánh sáng từ ngọn đuốc, ánh sáng từ vuông lụa bạch trắng tinh còn nguyên lần hồ cộng hưởng với mùi thơm của chậu mực…). Đối lập với đó là cái chật hẹp, ẩm ướt của một buồng giam tử tù… - Ý nghĩa:

+ Tạo một không khí đặc biệt: không khí thiêng liêng vượt lên trên hiện thực, không khí của một buổi thụ giáo…

+ Khẳng định sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, cái thiện, cái đẹp với cái xấu, cái ác…

2.2. Nghệ thuật tương phản đối lập trong “Hai đứa trẻ”

2.2.1. Tương phản giữa ánh sáng và bóng tối

- Biểu hiện: Ánh sáng được nhắc tới nhiều lần. Có thứ ánh sáng của thiên nhiên, có thứ ánh sáng của cuộc sống sinh hoạt, có thứ ánh sáng thuộc về quá khứ chỉ còn trở về trong tâm tưởng (…). Ánh sáng hiện lên rất nhỏ bé, thưa thớt và lụi tàn dần. Nếu có ánh sáng rực rỡ, lung linh thì lại thuộc về quá khứ hoặc trên bầu trời xa xôi. Đối lập với ánh sáng ấy là hình ảnh bóng tối, bóng tối ngập đầy dần, ôm trùm lên tất cả, tất cả chìm vào trong bóng tối…Trong sự tương phản, ánh sáng xuát hiện chỉ tô đậm hơn bóng tối…

- Ý nghĩa:

+ Cho người đọc những cảm nhận đầy cảm xúc về bước đi của thời gian + Tô đậm cuộc sống tàn lụi, héo mòn, nhạt nhẽo, tù túng của con người 2.2.2. Sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại

- Biểu hiện: quá khứ của chị em Liên gắn với một Hà Nội xa xăm, những ngày tháng tuổi thơ giản dị, êm đềm đã mất (…). Hiện tại, hai đứa trẻ phải giam mình nơi phố huyện nghèo khó, lầm lũi mưu sinh với cuộc sống nhạt nhẽo…

- Ý nghĩa: Tô đậm cảm xúc nuối tiếc quá khứ, muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại … 2.2.3. Tương phản giữa bầu trời và mặt đất:

- Biểu hiện: Bầu trời sao với hàng ngàn vì tinh tú, mang vẻ đẹp huyền bí hấp dẫn hai đứa trẻ. Mặt đất là những gương mặt người nghèo khó, khổ đau, cũ nát (Quanh quẩn mãi vẫn vài ba dáng điệu)

- Ý nghĩa: Cho thấy rõ những tâm hồn thơ trẻ đã cố vượt thoát và trong một giây phút quên đi hiện thực nghèo nàn, nhạt nhẽo…

2.2.4. Đối lập giữa vẻ đẹp sôi động, phong phú của đoàn tàu và khung cảnh vắng lặng, đìu hiu ở nơi phố huyện

- Biểu hiện: Con tàu đến với rực rỡ ánh sáng và rộn rã âm thanh…..Đối lập với đó là phố huyện im lìm chìm trong bóng tối. Con tàu như một thế giới khác…

- Ý nghĩa: Tô đậm cuộc sống nhạt nhẽo. Khơi gợi niềm khát khao chờ đợi, khát khao thay đổi, khát khao sống…

3. Đánh giá

- Nghệ thuật tương phản đối lập đã được sử dụng thành công, xuất hiện ở nhiều cấp độ mang lại nhiều ý nghĩa nghệ thuật trong Chữ người tử tùHai đứa trẻ

- Tuy vậy, với mỗi nhà văn, ở mỗi tác phẩm, nghệ thuật tương phản, đối lập được vận dụng linh hoạt bởi mỗi nhà văn có phong cách nghệ thuật khác nhau, mỗi tác phẩm mang một chủ đề tư tưởng khác nhau tạo nên sự đa dạng trong bút pháp thể hiện của văn học lãng mạn

Câu 3.

Nói về sự khác nhau trong nghệ thuật miêu tả giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực có ý kiến cho rằng: Nếu chủ nghĩa hiện thực lấy sự chân thực trong từng chi tiết làm tôn chỉ thì chủ nghĩa lãng mạn lại sẵn sàng tô đậm tới mức cường điệu vượt lên hiện thực.

Anh (chị) hãy giải thích ý trên bằng hai đoạn trích: “Đám tang lão Gô-ri-ô” (Trích Lão Gô-ri-ô) của Ban-zac và “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” (Trích

Gợi ý

1. Giải thích

- Câu nói đề cập đến sự khác nhau trong phương thức biểu hiện mà cụ thể là nghệ thuật miêu tả của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn: Tôn trọng sự thực ở từng chi tiết và luôn muốn phóng đại tô đậm một cách chủ quan để đạt mục đích nghệ thuật

- Điều này có thể thấy rõ qua hai đoạn trích tiêu biểu của hai tác phẩm nổi tiếng gắn với hai nhà văn được gọi là bậc thầy, là mẫu mực trong nghệ thuật miêu tả…

2. Phân tích qua hai đoạn trích

2.1. Nghệ thuật miêu tả trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” mang nhiều yếu tố tô đậm phóng đại chủ quan

- Để miêu tả bộ mặt nham hiểm, bản chất ác quỷ của Gia-ve, V. Huy-gô không ngại tung ra liên tiếp các từ ngữ tượng hình, các so sánh theo kiểu vật hoá: bộ mặt gớm ghiếc, cặp mắt như móc sắt, cái nhìn quen kéo giật vào hắn bao con người đau khổ … bên cạnh đó người kể chuyện cũng xen vào bình luận can thiệp (Trong cái điệu hắn nói lên hai tiếng đó có cái gì man rợ và điên cuồng… Không còn là tiếng của người mà là tiếng của thú gầm) -> Gia-ve tàn ác từ bản chất cho tới từng đường nét ngoại hình, từng cử chỉ hành động. Tác giả như muốn tìm mọi cách, mọi khía cạnh để miêu tả, tô đậm khiến ta có cảm giác bản chất của Gia -ve vốn đã ác, dưới con mắt của nhà văn còn ác gấp vạn lần. Dấu ấn chủ quan là rất đậm nét. Chân dung Gia - ve không tồn tạo như hiện thực khách quan mà tồn tại như điều nhà văn muốn thế.

- Chi tiết nụ cười và gương mặt sáng rỡ của Phăng-tin sau khi chết cũng là một chi tiết mang đậm dấu ấn lãng mạn trong nghệ thuật miêu tả: tác giả để cho bà xơ Xem-pli-xơ quả quyết rằng khi Giăng Van Giăng thì thầm bên tai thì Phăng-tin nở một nụ cười trên môi không sao tả nổi. Khi Găng Văn Giăng vuốt mắt cho chị thì gương mặt chị sáng rỡ lên…Có thể nói, đây là những chi tiết phi thực tế nhưng lại rất hợp với cảm xúc lãng mạn, trí tưởng tượng bay bổng và ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Chi tiết như thế sẽ xuất hiện nhiều hơn hẳn ở các tác phẩm được viết theo khuynh hướng lãng mạn, khi cái khách quan trong phản ánh phải nhường cho yếu tố chủ quan

2.2. Nghệ thuật miêu tả trong “Đám tang lão Gô-ri-ô” luôn chú ý tới yếu tố khách quan trung thực trong từng chi tiết

- Đoạn trích được kết cấu theo trình tự đám tang. Đám tang lại được tiến hành theo tuần tự thời gian -> tôn trọng sự thực khách quan

Buổi hành lễ đám tang lão Gô-ri-ô ở nhà thờ cũng được miêu tả sát thực: tiền hành lễ là bẩy mươi quan, nghi lễ chỉ vẻn vẹn trong hai mươi phút, đám người tham gia thì lèo tèo đã được tác giả điểm danh -> những chi tiết này có ý nghĩa nghệ thuật và cũng nằm trong dụng ý miêu tả, nhưng nó là những chi tiết thực. Nhà văn tôn trọng khách quan, chỉ có nhiệm vụ ghi lại trung thực để cho sự thật lên tiếng. Tác giả không đứng trên bề mặt câu chữ để thuyết minh, tranh biện…

3. Đánh giá:

Hai đoạn trích nói riêng và hai tác phẩm nói chung là minh chứng cho sự khác nhau trong nghệ thuật miêu tả giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực; hai tác giả V. Huy-gô và Ban-zac xứng đáng là những đại diện tiêu biểu của hai trào lưu văn học lớn.

Câu 4.

Hai đứa trẻ (Thạch Lam) - Hiện thực hay lãng mạn?

Gợi ý

1. Giới thiệu vị trí đặc biệt của Thạch Lam và “Hai đứa trẻ”: Là gương mặt tiêu biểu của Tự lực văn đoàn nhưng lại có hướng đi riêng, có quan điểm thẩm mĩ riêng. Ngòi bút Thạch Lam làm sứ mệnh hoà giải giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn -> Hai đứa trẻ tiêu biểu cho sự hoá giải đó.

2. “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn lãng mạn đậm chất hiện thực (xét trên mọi phương diện)

- Truyện ngắn thiên về chuyển tải nội dung trữ tình nhưng cũng đậm chất hiện thực:

Hai đứa trẻ bàng bạc một nỗi buồn, niềm khát khao thay đổi, vượt thoát; lòng cảm thương của nhà văn nhưng cũng giàu những chi tiết, hình ảnh đậm chất hiện thực. Ta dễ dàng bắt gặp ở đây những số phận nhỏ bé với cuộc sống đìu hiu, nhạt nhẽo…Đầy những chi tiết chân thực hiện lên gắn với một ngày tàn, một phiên chợ tàn…

- Truyện cũng mang cảm hứng chủ đạo, thẩm mĩ của văn xuôi lãng mạn đương thời: buồn, thoát li (những giấc mơ về quá khứ với niềm nuối tiếc, tìm vào thiên nhiên để được quên đi cuộc sống tẻ nhạt, tìm tới tương lai…) Tuy nhiên, nỗi ám ảnh bởi hiện thực nghèo khó luôn đeo bám đến không thoát lên được.

- Nhân vật mang tâm hồn lãng mạn với những rung động tinh tế - một hồn thơ, nhưng cuộc sống lại lấm láp mưu sinh…chân thực. Những bức tranh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt nơi phố huyện được gợi tả tỉ mỉ, chân thực qua từng chi tiết nhưng cũng đậm chất thơ (trong tiêu điều vẫn có sự thơ mộng – buồn mà đẹp)

3. Đánh giá:

- Chính sự hoà quyện giữa lãng mạn và hiện thực đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của Hai đứa trẻ.

- Từ Hai đứa trẻ ta nhận thấy: không phải bao giờ chủ nghĩa hiện thực và lãng mạn cũng đối lập nhau. Đôi khi không thể tách bạch được giữa hiện thực và lãng mạn. - Chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo nên sự hòa quyện này.

KẾT LUẬN

Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán là hai trào lưu văn học phát triển trong khoảng hai thế kỉ XVIII và XIX ở phương Tây, trong một dòng chảy văn học bao gồm nhiều trào lưu, chủ nghĩa từ cổ đại đến hiện đại. Hai trào lưu này đã để lại những thành tựu văn học lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của văn học nhân loại, tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng cho sự phát triển của nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới trong đó có Việt Nam, đặc biệt là văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX.

Có thể nói, trong nền văn học Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm của chúng ta, chưa từng có giai đoạn nào như giai đoạn 1930 – 1945, xuất hiện liên tiếp nhiều tên tuổi lớn như thế, trong đó trào lưu lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa đóng góp nhiều nhà văn lớn, nhiều nhà thơ tài hoa, để lại những tác phẩm xuất sắc, những kiệt tác văn chương, những điển hình nghệ thuật bất hủ, đem lại vinh quang chân chính cho nền văn học dân tộc.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu, chỉ ra sự khác biệt của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực ở phương thức phản ánh là những khái quát lí luận mang tính công cụ thực sự có khả năng dẫn đường và tạo được niềm say mê, hứng thú cho người học tập, nghiên cứu văn học.

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w