Về phương thức phản ánh mối quan hệ giữa con người và cuộc sống, giữa tính cách và hoàn cảnh của chủ nghĩa hiện thực

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 27 - 33)

giữa tính cách và hoàn cảnh của chủ nghĩa hiện thực

Với nguyên tắc lịch sử - cụ thể, quan niệm con người xã hội, chủ nghĩa hiện thực thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người với cuộc sống, giữa tính cách và hoàn cảnh. Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi xây dựng những hoàn cảnh điển hình. Đó là “hoàn cảnh mà ở đó nhân vật phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất trong những tình thế xã hội với một quan hệ giai cấp nhất định” (Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên). Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi nhà văn phải “tái hiện được chân thực tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” (Ăng-ghen trong thư gửi Haxconet). Ở đây, tính cách điển hình là sự thống nhất hài hoà cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung khái quát cao, theo cách nói của Biêlinxki là người lạ mà quen biết. Bất kì sự vật hay hiện tượng nào cũng có sự thống nhất giữa tính riêng và tính chung. Nhưng phải là tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao trong hài hoà cao độ thì mới có điển hình. Cái riêng trong nhân vật điển hình là nhân vật bộc lộ cá tính qua cách làm độc đáo của nó với những sự việc thông thường. Còn cái chung là cái làm cho nhân vật “thực sự là đại biểu cho những giai cấp và những trào lưu nhất định, do đó, tiêu biểu nhất định cho thời đại của họ” (lời ghi nhận của Ăng- ghen).

Nếu ở chủ nghĩa lãng mạn, hoàn cảnh không tác động nhiều tới tính cách của nhân vật thì ngược lại, ở chủ nghĩa hiện thực, “bản chất xã hội của hoàn cảnh đã tạo nên tính cách nhân vật và đó là một trong những chìa khoá có tính phương pháp luận quan trọng để hiểu văn học hiện thực” (Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N. Pôspelôv). Và tính cách chính là con đẻ của hoàn cảnh, được giải thích bằng hoàn cảnh.

Để khắc hoạ những chân dung nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, các nhà văn hiện thực đặc biệt chú ý tới việc sử dụng chi tiết nghệ thuật để khắc hoạ

chân dung nhân vật. Những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhưng có sức chứa lớn về cảm xúc, chi tiết nhỏ nhưng đủ sức làm nên một nhà văn lớn.

Ở văn học hiện thực Pháp, những nhân vật của Banzăc là những nhân vật có tính cách điển hình cao độ. Một lão Gôriô điển hình cho một người cha yêu thương con đến mù quáng trong xã hội đồng tiền. Một Grăngđe điển hình cho tầng lớp trọc phú, keo kiệt, bủn xỉn trong xã hội đồng tiền ngự trị. Một Raxtinhăc điển hình cho tầng lớp thanh niên tỉnh lẻ lên thành phố với tham vọng làm giàu. Tính điển hình sắc nét tới mức mà Gorki đã phải phát biểu, tiểu thuyết Lão Goriot“cuốn sách thứ hai mà tôi được đọc… Lần này tôi hoàn toàn bị thuyết phục và trong một thời gian dài tôi cảm thấy mình là Rastignac đang hăm dọa thế giới sẽ trả thù phẩm giá của con người bị chà đạp, trả thù cho những nỗi đau thương mà thế giới đã làm tràn đầy cả tâm hồn con người”. Để khắc hoạ những tính cách điển hình ấy, nhà văn luôn chú ý tới sự tác động của hoàn cảnh điển hình, chính môi trường sống đã khiến cho tính cách nhân vật thay đổi.

Còn ở văn học Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX, các nhà văn hiện thực luôn có ý thức xây dựng những điển hình hoá. Nếu chủ nghĩa cổ điển nặng về cái chung mà xem nhẹ cái riêng, chủ nghĩa lãng mạn thì nhấn mạnh cái riêng đến mức phi thường, ngoại lệ, thì chủ nghĩa hiện thực đã kế thừa có chọn lọc hai phương pháp sáng tác đó, kết hợp hài hoà giữa tính riêng và tính chung để tạo ra những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Vấn đề điển hình hoá trở thành đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng mỗi nhà văn hiện thực lại có nhiều cách khác nhau để xây dựng tính cách điển hình.

Trong những truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, ông luôn sử dụng những chi tiết chân thực về ngoại hình kết hợp với bút pháp phóng đại để làm nổi bật tính cách điển hình nhân vật. Nhà văn đặc tả từng chi tiết miêu tả khuôn mặt phì nộn của nhân vật quan huyện Hinh trong tác phẩm Đồng hào có ma: “Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm nói ra một câu sáo rằng: “Nhờ bóng quan lớn”, là ông tưởng ngay nó nói sỏ ông. Tức thì mặt bàn là một, mặt nó là hai bị vả đôm đốp. (…) Nguyên cái da mặt ông, mà có lẽ vì ông béo quá nên lỗ chân long căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra

ngoài được”. Từ đó, tác giả đã làm nổi bật lên bản chất đốn mạt, nhơ bẩn của quan huyện – điển hình cho các vị quan lại đương thời.

Còn trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng một hoàn cảnh điển hình – xã hội thành thị Việt Nam những năm 30 của thế kỉ trước, cái xã hội mà ông gọi là “chó đểu”, “khốn nạn” bằng cách xây dựng chân dung biếm hoạ, chứa nghịch dị. Chính quan niệm “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời” và ý thức về trách nhiệm của người cầm bút “nhà báo thì phải nói sự thực cho mọi người biết” của ông vua phóng sự đất Bắc Kì, giúp Vũ Trọng Phụng vẽ lên một bức tranh chân thực và sắc nét về xã hội thành thị Hà Nội. “Hà Nội lầm than, ăn cướp, ăn cắp, ăn trộm, đàn bà nghiện hút, buôn người, đồng bóng, sư vãi hoang dâm”. Nhà văn như người thư kí trung thành của thời đại đã “tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa, dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức muốn cho xã hội công bình hơn nữa”.

Cũng chính cái xã hội tư sản thành thị này đã đẻ ra những con người “vô nghĩa lí”, những quái thai, mà dưới con mắt của Vũ Trọng Phụng thì chẳng có ai là tử tế cả.

“Riêng tôi, xã hội này tôi chỉ thấy là khốn nạn, quan lại tham nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt”. Ngòi bút trào lộng bậc thầy của ông thoả sức tung hoành, ông sử dụng thành công nghệ thuật tương phản, nghệ thuật phóng đại để xây dựng những mâu thuẫn trào phúng, những tình huống trào phúng và những chân dung nhân vật biếm hoạ mang tính điển hình cao độ. Nghệ thuật đối lập được khai khác triệt để ngay từ việc đặt tên chương như Hạnh phúc của một tang gia; Nỗi buồn của ông bố vợ không phải đấm…; đến việc tạo những câu văn tương phản ý như thuốc thánh đền Bia mà chỉ có bùn đen và cứt trâu; công hiệu đến mức mà người bệnh mất mạng trong câu văn “Người ta nghĩ đến cả thuốc thánh đền Bia vừa mới chữa một người ho lao và một người cảm thương hàn bằng bùn đen và cứt trâu, công hiệu đến nỗi họ mất mạng…”, hay đi đưa đám, “ai cũng mang bộ mặt nghiêm chỉnh song le sự thực thì đang thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may”. Đặc biệt, nghệ thuật đối lập được sử dụng triệt để tạo nên những chân dung nhân vật đối lập giữa vẻ bề ngoài với suy nghĩ bên trong; giữa hình thức và nội dung để lột trần bản chất nhân vật. Đứng đầu là Xuân Tóc Đỏ -

được phóng đại nhưng vẫn hoàn toàn chân thật” (theo Phan Cự Đệ). Xuân điển hình cho loại người vô học, hạ lưu, cạn bã, hãnh tiến, nhờ gặp may, nhờ môi trường sống giả dối dâm ô bịp bợm mà phất lên. Lúc đầu, Xuân là một đứa trẻ cù bất cù bơ, lang thang bụi đời “thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy xấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa… cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm”. Môi trường bụi đời này đã biến Xuân thành một kẻ lưu manh, biểu hiện bằng hành động tán tỉnh cô hàng nước mía, bằng thứ ngôn ngữ vỉa hè “mẹ kiếp”,nước mẹ gì”. Nhưng vận may đã đến với hắn, hắn bị ném vào xã hội thượng lưu (bà Phó Đoan đã mở lòng “cưu mang” nó và đưa nó về làm ở tiệm may của Văn Minh) và từng bước chinh phục thành viên trong xã hội ấy, từ một me Tây dâm đãng, một trí thức dở hơi đầy tham vọng, đến những con người vừa ma mãnh vừa ngu dốt, những con rối, những kẻ hề, những kẻ bịp bợm… Xuân Tóc Đỏ chính thức trở thành thành viên của xã hội này từ khi Xuân được Văn Minh giới thiệu là sinh viên trường thuốc, rồi đốctờ Xuân khi chữa khỏi bệnh cho cụ cố Tổ. Xã hội thượng lưu khốn nạn đã biến Xuân thành một kẻ tha hoá. Người ta thổi phồng, khuếch trương nó lên “sự ngu độn của nó được người ta cho là nhã nhặn, là sự khiêm tốn nên nó càng được yêu mến hơn” (trích Số đỏ). Các nấc thang danh vọng trên con đường tiến thân cứ cao mãi lên, hắn trở thành “giám đốc hiệu Âu hoá”, “thi sĩ Xuân”, “giáo sư quần vợt”, “cái hi vọng của Bắc Kì”, “anh hùng cứu quốc”… Xuân trở thành một kẻ lưu manh, xảo quyệt bậc nhất trong xã hội lúc đó. Xã hội tư sản thành thị lố lăng, đồi bại đã “đẻ” ra Xuân - một kẻ lưu manh, xảo trá và dâm ô. Xuân điển hình cho những kẻ trong xã hội đã lợi dụng sự lừa đảo để tiến thân. Vũ Trọng Phụng đã sử dụng nhiều những chi tiết phóng đại, nhiều yếu tố ngẫu nhiên, thủ pháp đối lập, ngôn ngữ sắc cạnh để xây dựng nhân vật Xuân. Sức sống của nhân vật dường như đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một tiểu thuyết mà nó tiêu biểu cho một loại tính cách, một hạng người trong xã hội lúc đó và ngay cả ngày nay. Đó chính là sức sống của nhân vật điển hình trong văn học hiện thực.

Ngoài ra, dưới ngòi bút trào phúng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết

Số đỏ còn xây dựng được hàng loạt những chân dung biếm hoạ sắc nét. Cụ cố Hồng điển hình cho những kẻ trọc phú, hãnh tiến lúc đó. Nhà văn lựa chọn kĩ lưỡng từng chi

tiết và sử dụng bút pháp tương phản kết hợp cường điệu để khắc hoạ chân dung nhân vật. “Chí bình sinh của cụ Hồng chỉ là được làm một cụ cố. Cho nên chưa 50 tuổi, cụ đã làm ra vẻ già cả sắp chết: ra phố là cụ phải mặc áo bông, chưa đến mùa rét cụ đã khoác cái áo ba đờ xuy dầy sụ; trước khi trả tiền phu xe, cụ phải ôm ngực ho rũ rưỡi hàng năm phút và đếm nhầm một xu để phu xe tưởng cụ đã lẫn lộn”. Cụ thích được khoe sự già cả, được gọi là cụ cố trong khi cha cụ - cụ cố Tổ vẫn còn sống. Trong đám tang của cha, mọi người dưới nhà thì đang nhao lên chuẩn bị cho đám tang, náo nức chờ đến lúc phát phục thì cụ nằm trên nhà mơ màng nghĩ đến lúc “cụ được mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy vừa ho khạc, vừa khóc mếu trước trăm ngàn con mắt thiên hạ trầm trồ, khen ngợi con giai nhớn đã già thế kia, một đám ma to thế kia, một cái gậy…sang trọng thế kia”. Cụ ung dung nằm hút tới 60 điếu thuốc phiện và chờ vợ cùng con trai lên để trù tính hạnh phúc… cho cô Tuyết. Chính bút pháp đối lập của nhà văn đã làm nổi bật tính cách và bản chất của nhân vật, biến nhân vật thành một con rối trên sân khấu hài kịch. Tiếp đó, là nhân vật Phán Mọc Sừng điển hình cho những con người ham tiền hám lợi, vô liêm sỉ trong xã hội thượng lưu. Trong đám tang của cụ cố, hắn khóc đến oặt người đi, khóc mãi không thôi khiến cho thiên hạ phải chú ý tới sự hiếu thảo của người cháu rể. Nhưng kì thực là để đút vào tay Xuân Tóc Đỏ một tờ bạc năm đồng gấp tư thanh toán công cho hành động giết cụ Cố Tổ của Xuân. Nhờ cái công lớn này, Xuân đã đem lại niềm hạnh phúc cho con cháu trong gia đình cụ cố Hồng. Cô Tuyết điển hình cho lớp gái mới trong xã hội thượng lưu tân tiến. Cô mang vẻ mặt buồn lãng mạn rất phù hợp với gia đình có tang gia, mặc một chiếc áo tang Ngây thơ – cái áo voan dài mỏng trong có cooc-xê nửa kín, nửa hở - để chứng minh với thiên hạ rằng “mình chưa đánh mất chữ trinh”. Vẻ mặt buồn ấy không phải vì thương tiếc người đã khuất mà vì chưa thấy bạn trai của mình xuất hiện. … Những thành viên trong gia đình cụ cố Hồng hiện lên đều là những con người vô đạo, bất nhân, bất nghĩa. Những con ngày ấy là con đẻ của hoàn cảnh xã hội bát nháo, khốn nạn đương thời. Vậy là trong khao khát thay đổi thế giới để tạo nên một thế giới mới tốt đẹp hơn, tính cách nhân vật không thể tốt đẹp hơn mà càng lúc càng tầm thường, độc ác. Xã hội bịp bợm, giả dối đương thời đã đẻ ra những tính cách và con người ấy. Tính cách của nhân vật phát triển phù hợp với quy luật của xã hội và chịu sự chi phối của hoàn cảnh xã hội. Chính vì thế mà nhà văn của chủ nghĩa hiện thực – Banzac - đã

hơn một lần than thở “xây dựng những nhân vật đức hạnh thật là nan giải”. Ngay cả khi xây dựng những nhân vật lương thiện cũng tiềm tàng cái xấu cái ác bởi họ sống trong xã hội bạc ác “quần ngư tranh thực”, “cá lớn nuốt cá bé”, người hiền lành thì bị đè đầu cưỡi cổ, bị tha hoá lưu manh. Những định kiến của dân làng Vũ Đại đã đẩy Chí Phèo lún sâu vào bùn đen của sự tha hoá. Họ ác nhưng không biết rằng mình ác, đó là cái ác vô hình còn nguy hiểm hơn cả cái ác hữu hình. Qua đó, muốn chứng tỏ một điều rằng: hoàn cảnh xã hội nào thì sẽ đẻ ra những con người ấy, văn học hiện thực không có những nhân vật bất hoà với xã hội, tìm cách thoát li xã hội thực tại để xây dựng một xã hội ảo tưởng như nhân vật trong văn học lãng mạn.

Như con ong hút ngàn vạn nhuỵ hoa mới tạo thành giọt mật, con trai chịu bao đau đớn, xót lòng về hạt bụi biển khơi để tạo thành viên ngọc tròn trặn ánh ngời, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng là một công việc nhọc nhằn và vô cùng gian khổ. Đối với nhà văn, việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm là một công việc đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ, trăn trở, day dứt. Vì thế, các nhà văn của hai trào lưu lãng mạn và hiện thực luôn phải tìm tòi để xây dựng thế giới nhân vật riêng và có những phương thức phản ánh riêng để khắc hoạ tính cách và số phận nhân vật phù hợp với nguyên tắc chung của mỗi trào lưu văn học. Nếu chủ nghĩa lãng mạn sử dụng nghệ thuật tương phản, cường điệu để tăng tính dị thường, khác biệt của nhân vật thì chủ nghĩa hiện thực lại giúp cho nhân vật gần gũi với cuộc đời. Nếu chủ nghĩa lãng mạn dùng bút pháp miêu tả nội tâm để biểu đạt thế giới tâm hồn nhạy cảm, tinh vi của nhân vật thì văn học hiện thực lại nhấn mạnh tới tính phức tạp của tâm hồn, đa dạng của tâm lí

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w