Về phương thức phản ánh mối quan hệ giữa con người và cuộc sống, giữa tính cách và hoàn cảnh của văn học lãng mạn.

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 25 - 27)

tính cách và hoàn cảnh của văn học lãng mạn.

Như phần trên đã phân tích, nhân vật lãng mạn là những nhân vật lí tưởng được nhà văn sáng tạo ra để thể hiện lí tưởng của bản thân về cuộc sống mơ ước. Vì thế, tính cách nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn không phải là sản phẩm của hoàn cảnh thực tại, không theo logic khách quan mà phát triển theo những ảo tưởng của nhà văn, thể hiện nguyên tắc tổng quát của chủ nghĩa lãng mạn là lấy “tâm hồn và trái tim làm cơ sở để nói lên những nguyện vọng không rõ rệt muốn tiến tới một cái gì tốt đẹp hơn, cao cả hơn, tìm cách tự thoả mãn bằng những lí tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng” (Biêlinxki). Cho nên, nghiêm ngặt mà nói, về mối quan hệ của tính cách và hoàn cảnh, thì ở chủ nghĩa lãng mạn không thể xây dựng được tính cách điển hình thực sự. Sự phát triển tính cách của nhân vật không thể lí giải được bằng những lí do thực tế mà chủ yếu bằng lí do phi thực tế.

Có thể lấy nhân vật Cadimôđô trong tác phẩm Nhà thờ Đức bà Pari của V. Huygo là một ví dụ minh hoạ. Hắn bẩm sinh là một con người dị dạng: chân thọt, lưng

gù. Được bồi thêm sự giáo hoá của Frôlô, hắn đã trở lên què quặt và dị dạng hơn, hình dáng người không ra người, quỷ không ra quỷ, vừa chột, khoèo, gù lại điếc và câm. Sống ở nhà thờ Đức bà, hắn là một công cụ mù quáng, một cỗ máy, chuyên kéo chuông nhà thờ và răm rắp nghe theo lời của giáo chủ Frôlô độc ác. Vì say mê sắc đẹp của cô gái múa rong Exmeranda, Frôlô đã sai Cadimôđô đi bắt nàng nhưng không thành công. Cadimôđô bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng. Lúc ở trên đài bêu, thằng gù khát nước và chính Exmeranda - người mà trước đây không lâu là nạn nhân của nó - cho những giọt nước trong lành. Điều này đã làm thay đổi con người Cadimôđô. Tâm hồn hắn bỗng dậy lên tình yêu thương con người, khao khát sống và ý thức phục thiện. Hắn đem lòng yêu Exmeranda. Cũng kể từ giây phút ấy, bóng tối trong tâm hồn Cadimôđô bị đẩy lùi để hé ra một thứ ánh sáng - ánh sáng của tình yêu. Chính sự tiếp xúc với Exmeranda, con người đẹp cả về thể xác và tâm hồn, đã giúp Cadimôđô hướng thiện, giúp hắn nhận ra một chân lí: trên cõi đời này vẫn còn một cái gì đó cao quý hơn, trường tồn hơn tiếng chuông nhà thờ, ấy là tình yêu. Thằng gù đã yêu Exmeranda bằng một tình yêu tuyệt vọng nhưng càng tuyệt vọng thì tình cảm càng nồng cháy, đến mức đã thiêu đốt bộ lốt bất nhân hay cái kén ác độc mà nhà thờ đã bao trùm lấy nó. Để rồi, cuối con đường tỉnh ngộ ấy, nó hiện lên như một người phán xử cuối cùng, một đấng tối cao, một lương tri của nhà thờ khiến Frôlô chết không còn nguyên dạng. Sự vận động trong tâm lí và tính cách của Cadimôđô không thể lí giải bằng thực tiễn mà chỉ có thể lí giải bằng sức mạnh cảm hoá của tình yêu. Nó là bằng chứng cho lí tưởng của nhà văn lãng mạn V. Huygo: yêu thương là hành động. Vì thế, tính cách của nhân vật trong văn học lãng mạn được phóng đại theo thiên hướng chủ quan của nhà văn. Tính cách ấy cũng là hình ảnh “phân thân” mang tính chủ quan của tác giả.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tính cách của chủ nghĩa lãng mạn cũng có ý nghĩa điển hình cho tâm trạng của một lớp người. Nhân vật Giăng Van Giăng trong tác phẩm Những người khốn khổ của Huygo là con người không có trong thực tế nhưng những đau khổ trong cuộc đời ông, sự lẩn trốn suốt đời trước hành động truy lùng của Giave độc ác là sản phẩm của một chế độ xã hội mà pháp luật chỉ nhằm để bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp bóc lột.

Như vậy, có thể nói, ở chủ nghĩa lãng mạn, tính cách của nhân vật hầu như không phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhân vật thường đứng cao hơn so với hoàn cảnh. Nó xuất hiện kiểu nhân vật muốn thoát khỏi thực tại ngột ngạt đến “trú ẩn nơi vương quốc tưởng tượng”.

Một phần của tài liệu SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC và CHỦ NGHĨA LÃNG mạn ở PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH (Trang 25 - 27)