Xu hướng hoàn thiện pháp luật hợp đồng

Một phần của tài liệu luận văn Pháp luật về thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại 2005.Thực tiễn áp dụng tại công ty TNHH NHẬT- VIỆT (Trang 37 - 39)

 Quan điểm cải cách pháp luật hợp đồng trong thời gian tới:

Việc cải cách pháp luật hợp đồng phải đáp ứng được nhu cầu thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ hợp đồng. Để đáp ứng được yêu cầu này BLDS 2005 cần được xây dựng thành bộ luật gốc điều chỉnh quan hệ tư trong đời sống xã hội.

Khi BLDS 2005 đã được xây dựng theo hướng thật sự là bộ luật gốc thì các luật chuyên ngành sẽ không phải quy định lại những gì BLDS 2005 đã quy định mà chỉ quy định về những cái đặc thù trong từng chủng loại hợp đồng như hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuê mua, hợp đồng trong lĩnh vực viễn thông, hợp đồng chuyển giao công nghệ, …

Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về hợp đồng nên điều chỉnh lại cơ cấu tổng thể của pháp luật hợp đồng hiện nay. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong BLDS 2005. Không nên đưa vào BLDS 2005 các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong BLDS thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách pháp luật ở Việt Nam được xác định tại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là "xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch". Nhằm thực hiện việc công khai, minh bạch hoá hệ thống pháp luật, đảm bảo để mọi cơ quan, tổ chức, công dân đều có thể tiếp cận hệ thống pháp luật một cách dễ dàng, giảm bớt thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm văn bản quy phạm pháp luật cũng như xác định hiệu lực của văn bản, thì một trong những giải pháp đặt ra là pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật.

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định nội dung về hợp đồng trong BLDS như: khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, phạt hợp đồng, các loại hợp đồng...; thống nhất sự tản mát bằng những quy định cụ thể trong BLDS trở thành luật chung cho các luật chuyên ngành. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong BLDS 2005. Trong Bộ luật này cần có những quy định chung có tính khái quát cao, thể hiện rõ quyền tự do hợp đồng để bảo đảm tính ổn định cao của BLDS sau lần sửa đổi, bổ sung này. Không nên đưa vào BLDS các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong BLDS 2005 thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy định hợp đồng trong BLDS 2005 theo hướng chỉ hoàn thiện những nền móng cơ bản, còn về phần quy định khác trong BLDS 2005 và những quy định chi tiết rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật thì nên xây dựng một đạo luật riêng biệt điều chỉnh.

Thứ ba, kết hợp pháp điển hóa nội dung pháp luật hợp đồng với việc bóc tách quan hệ hợp đồng trong BLDS 2005 và thống nhất sự tản mát bằng cách tập hợp các quy định trong các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật, sau đó hệ thống và xây dựng thành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh quan hệ hợp đồng tiến bộ và phù hợp với thông lệ thế giới cũng như các quy định của UNIDROIT (Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế - nghiên cứu, tìm kiếm các quy định chung để điều chỉnh hợp đồng sao cho có thể thích hợp trong nhiều hệ thống pháp luật của những nước khác nhau), gọi là "Luật Hợp đồng thống nhất.

Ngoài ra, cần bổ sung các quy định mới về giá trị của điều lệ, quy chế và điều kiện giao dịch của doanh nghiệp, pháp nhân, tổ chức trong mối quan hệ với pháp luật hợp đồng; cần làm cho pháp luật hợp đồng của Việt Nam tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

Tiếp nữa là cần xây dựng hệ thống pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng một cách cụ thể, chi tiết, khoa học, đáp ứng thực tế hội nhập của nước ta hiện nay.

Cần thay đổi, bổ sung điều Luật trong LTM 2005 để khắc phục những bất cập nêu trên để LTM thực sự trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu luận văn Pháp luật về thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại 2005.Thực tiễn áp dụng tại công ty TNHH NHẬT- VIỆT (Trang 37 - 39)