Trước hết tính bền vững được hiểu là khả năng bảo tồn của di sản Chùa Chuông và các di sản khác trong thành phố Hưng Yên của cộng đồng địa phương trước áp lực của thời gian, môi trường và hoạt động du lịch. Theo đó, ta có thể hiểu rằng, để phát triển di sản chùa Chuông, đem những giá trị của di sản này khai thác du lịch cần phải chú trọng đến vấn đề bảo tồn di sản đặc biệt là vấn đề tăng tính bền vững cho di sản đó cũng đặt ra một bài toán không chỉ đối với di sản chùa Chuông nói riêng mà còn cả các di sản Hưng Yên nói chung.
Thứ nhất, xét tính bền vững của di sản trước áp lực của thời gian. Thời gian luôn là một thử thách đầy khó khăn của các di sản. Thời gian càng lâu thì vấn đề bảo vệ di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi nếu không bảo vệ thì di sản sẽ xuống cấp và đổ nát. Chùa Chuông là một trong những ngôi chùa cổ của Hưng Yên đã có niên đại hàng trăm năm, chính vì thế, vấn đề trùng tu và tôn tạo ngôi chùa là một trong những vấn đề luôn được nhà chùa và các cơ quan chức năng quan tâm. Tính bền vững của di sản chùa Chuông trước tác động của thời gian thể hiện ở việc qua một số lần trùng tu, tôn tạo, một số công trình hạng mục xuống cấp đã được kiên cố thêm và hoàn toàn vững chắc. Quá trình tu sửa còn làm cho ngôi chùa tăng thêm tuổi thọ của mình, có thể chịu được những tác động lớn ảnh hưởng đến di sản như lượng khách du lịch đến có thế tác động ít nhiều đến chùa Chuông. Một số công trình đã được xây thêm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của khách du lịch khi đến đây như mở rộng thêm khuôn viên chùa, tạo nên giá trị cảnh quan cho di sản chùa Chuông. Các di sản khác trên địa bàn cũng đã được tu bổ để có thể chịu áp lực của thời gian và các hoạt động du lịch diễn ra dựa trên quan điểm bảo tồn nguyên trạng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc.
Thứ hai, xét tính bền vững của di sản dưới tác động của môi trường. Có thể nói ngoài vấn đề thời gian, môi trường cũng là một vấn đề quan trọng để đánh giá tính bền vững của di sản. Một di sản có thể bảo tồn và phát triển hay không có sự đóng góp to lớn của môi trường. Tại di sản chùa Chuông có thể đánh giá đây là nơi có môi trường tự nhiên trong lành. Trong lòng một thành phố trẻ đang phát triển mạnh về kinh tế thì chùa Chuông lại mang đến cho du khách những phút giây yên bình, thư thái trong tâm hồn. Không còn những toan tính đời thường, bon chen của một xã hội đang đi lên phát triển kinh tế, đến chùa Chuông, ngắm nhìn cảnh quan xung quanh và môi trường trong lành sẽ mang đến cho khách du lịch sử thoải mái. Hiện tại, môi trường du lịch của chùa Chuông được đánh giá là tốt. Khi đưa những hoạt động du lịch vào để khai thác di sản này, nhiều người cũng đã có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường của chùa. Đặc biệt là vào dịp Tết khá đông khách nhưng cảnh quan trong chùa vẫn được duy trì ổn định. Có được điều đó phần lớn là do ý thức của người dân đến đây tốt. Như vậy, cảnh quan môi trường của chùa Chuông khi đem vào khai thác, phát triển du lịch cũng được đánh giá khá cao. Ở các di sản khác xung quanh địa bàn di sản chùa Chuông, công tác bảo vệ cảnh quan môi trường luôn được các cơ quan chính quyền địa phương và ban quản lý di tích quan tâm. Do vậy không chỉ có chùa Chuông mà đền Mẫu, văn miếu Xích Đằng, chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội… vấn đề khai thác di sản để phát triển du lịch gắn liền với cảnh quan môi trường cũng được ưu tiên hàng đầu.
Thứ ba, xét tính bền vững của di sản trong hoạt động du lịch. Du lịch luôn là một quá trình hoạt động mang tính hai chiều. Chúng ta không thể phủ nhận, khi đưa chùa Chuông vào khai thác du lịch đã đem lại những tác động tích cực không nhỏ như: góp phần quảng bá hình ảnh chùa Chuông trong con mắt của khách du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Hưng Yên, tăng thêm thu nhập cho người lao động địa phương nhờ hệ thống các dịch vụ, phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, khi đưa hoạt động du lịch vào khai thác cũng gặp không ít những vấn đề khó khăn như:
lượng khách du lịch đến quá đông tại một thời điểm sẽ xảy ra tình trạng quá tải, phá hủy di tích, những giá trị của di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Vào dịp Tết, một số cành cây trong chùa đã bị bẻ theo quan niệm “hái lộc” của người dân, tác động không nhỏ đến cảnh quan môi trường. Nêu hai mặt của một thực trạng trên ta có thể đánh giá được tính bền vững của hoạt động du lịch của địa phương được chuyển biến nhờ có những chính sách, biện pháp của nhà chùa cũng như những cơ quan liên quan về vấn đề bảo vệ di sản trước tác động của hoạt động du lịch như: đưa các biển chỉ dẫn cho khách du lịch định hướng họ nên làm và không nên làm gì khi vào chùa, vào những thời điểm như lễ hội, những ngày lễ Phật đản nhà chùa lập ra những ban quản lý di tích tạm thời bao gồm một số sư thầy trong chùa và các người dân địa phương đáng tin cậy để giúp việc hướng dẫn cho du khách du lịch khi đến với chùa tránh xảy ra tình trạng xen lấn, xô đẩy ảnh hưởng đến di sản, có sự can thiệp của đội ngũ dân quân địa phương vào ngày lễ đặc biệt là Tết nhằm đảm bảo trật tự, an ninh cho địa điểm du lịch. Như vậy, với những biện pháp nêu trên, đánh giá tính bền vững của di sản trước những tác động của hoạt động du lịch cần chú trọng đến những biện pháp của địa phương đó nhằm bảo tồn di sản trước tác động của con người. Vấn đề này ta không chỉ nhìn thấy ở chùa Chuông mà các di tích khác trên địa bàn có tiềm năng khai thác du lịch cũng luôn nhận được sự chú trọng của chính quyền địa phương để không xảy ra tình trạng khách du lịch, hoạt động của con người làm mất đi giá trị, bản sắc văn hóa địa phương. Những di sản khác cũng đang được theo dõi và đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ tốt di sản, khai thác di sản vào trong hoạt động du lịch.
Tóm lại, khi tính đến vấn đề khai thác và tổ chức các hoạt động du lịch cùa chùa Chuông cần tính đến đầy đủ tác động hai mặt của nó để đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm bảo tồn di tích. Phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tạo tính bền vững của di sản về thời gian, môi trường và các hoạt động du lịch để di sản đó
luôn giữ được những nét đẹp truyền thống đặc sắc, mang tính đại diện chung cho từng vùng miền.