Vì lý do cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu của phòng thí nghiệm hiện nay còn có hạn, nên chúng tôi chỉ xét hai phương pháp phù hợp nhất, đó là phương pháp sol-gel và phương pháp đồng kết tủa.
Hiện nay, phương pháp sol-gel là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi và tỏ ra có ưu việt để tạo ra các vật liệu khối, màng mỏng có cấu trúc nano, bột với độ mịn cao hoặc dạng sợi có cấu trúc đa tinh thể hay vô định hình mà các phương pháp khác khó thực hiện được. Phương pháp sol-gel nổi trội với ưu điểm trong việc điều chế chất xúc tác nhiều thành phần với độ đồng nhất cao ở nhiệt độ khá thấp.
Tuy nhiên, so với các phương pháp khác, phương pháp sol-gel yêu cầu phải kiểm soát được tính chất của sản phẩm gel và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành tạo gel như tùy thuộc tiền chất, dung môi, hàm lượng nước, nồng độ tiền chất, pH, nhiệt độ,… Ngoài ra, để sản phẩm tạo ra dễ dàng có kích thước hạt nhỏ trong phạm vi nano như ý thì thông thường người ta cho thêm chất phân tán bề mặt nhằm tăng cường hoạt tính bề mặt, giảm khả năng oxi hóa và quá trình kết tụ trong quá trình tổng hợp.
Với phương pháp đồng kết tủa sản phẩm tạo thành vẫn đạt được những ưu điểm trên nhưng quy trình và thiết bị tiến hành đơn giản hơn, do tạo ra kết tủa nên không cần kiểm soát khắt khe tính chất của gel tạo thành – bước nghiên cứu khó nhất trong phương pháp sol–gel, mà ở trình độ giới hạn của tác giả chưa thể nắm rõ hết được. Hơn nữa, việc nghiên cứu phức gel của ferit oxit với các chất hoạt động bề mặt hữu cơ cũng không phải là một đề tài đơn giản.