Trong quá trình đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã đạt được những thành tựu sau:
- Thời gian qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Về lập pháp: Chúng ta đã xây dựng được nhiều đạo luật tạo khung pháp lý cho sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu, địa vị pháp lý của các doanh nghiệp, thương gia, quyền tự do kinh doanh và tự do hợp đồng, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội đã từng bước được xác lập. Nhìn chung, các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã bước đầu hình thành. Các quy định mang tính hành chính, mệnh lệnh điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại đang từng bước được thay thế bằng các quy định bình đẳng, ngang quyền, phù hợp với dân luật truyền thống và tập quán; chế độ nhà nước độc quyền về ngoại thương được xoá bỏ; nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm trong hoạt động kinh doanh từng bước được xác lập. Pháp luật trong lĩnh vực hành chính nhà nước đã có những đổi mới tích cực.
Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập nhiều điều ước quốc tế phục vụ cho chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Vị trí, vai trò của các điều ước quốc tế trong điều chỉnh các quan hệ xã hội được nâng cao rõ rệt. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, Luật điều ước quốc tế (năm 2005) đánh dấu một bước phát triển quan trọng đưa việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế vào nền nếp. Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập dần dần trở thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống pháp luật nước nhà. Công tác soạn thảo, xem xét và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dần dần đi vào nền nếp, theo đúng chuẩn mực và có những đổi mới tích cực, hiệu quả cụ thể (nhất là việc ban hành các đạo luật và pháp lệnh), theo một quy trình thống nhất do luật định, chuẩn hoá quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc ban hành luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật từng bước được thiết lập; các tổ chức, công dân chịu sự tác động trực tiếp của văn bản đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đông đảo và thực chất hơn. Chất lượng văn bản pháp
luật về cơ bản được cải thiện. Hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được triển khai trên diện rộng và đang trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Trải qua ba khoá VIII, IX và X, là những khoá của thời kỳ đổi mới, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1992 và ra Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp này ; Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hàng hàng trăm đạo luật, pháp lệnh, trong đó có những bộ luật lớn như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động. Hệ thống pháp luật ấy đã điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống nhà nước và xã hội từ chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng đến văn hoá, khoa học và công nghệ, giao lưu dân sự ... góp phần rất quan trọng vào sự phát triển ổn định đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.
Về tư pháp: Trong những năm qua, các cơ quan tư pháp đã luôn luôn đứng ở tuyến đầu của nhiệm vụ bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và các vi phạm pháp luật, giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật các tranh chấp nảy sinh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình đổi mới. Có thể nói, quyền lực tư pháp đã được thực hiện có hiệu quả với sự đóng góp lớn lao của toàn bộ hệ thống tư pháp.
- Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở bất kỳ giai đoạn nào, đã được phát huy ở mọi cấp, mọi ngành.
- Dân chủ ngày càng được mở rộng. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
- Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng, tập trung vào thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và quyền giám sát tối cao. Điều này được thể hiện rất rõ ở cách thức Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và ban hành pháp luật. Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
- Cơ cấu và hoạt động của bộ máy hành pháp, tư pháp được phân định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Với Quy chế Dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng có hiệu quả thông qua các cuộc vận động xã hội đầy ý nghĩa, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.5.3. Hạn chế
Bên cạnh những thành công đã đạt được thì việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và yếu kém:
- Tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn một số khâu chậm đổi mới. Quốc hội còn lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát. Bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một số bộ phận công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp, chậm được khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức Hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức.
- Hệ thống pháp luật của nước ta nhìn chung vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ ; chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa thật sát với cuộc sống, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa phản ánh được đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nhiều quy định của luật còn thiếu cụ thể, muốn đưa vào cuộc sống, phải chờ đợi ban hành nhiều văn bản dưới luật.
- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới và cải cách nhưng tổ chức và hoạt động của bộ máy hành pháp của nước ta còn nhiều nhược điểm, còn nhiều mặt chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Tổ chức hành pháp chưa thông suốt, còn yếu trong việc xử lý những mối liên kết dọc và ngang, thậm chí còn có hiện tượng cục bộ. Chế độ phân cấp trách nhiệm còn thiếu rành mạch, làm trầm trọng thêm tác phong làm việc quan liêu và dựa dẫm. Thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân chưa
được quy định chặt chẽ. Thái độ làm việc và trách nhiệm trước dân của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn là vấn đề đáng nói hiện nay.
- Do nhiều nguyên nhân, hoạt động giám sát của Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao sức mạnh của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế. Hiến pháp, luật pháp vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm minh; kỷ cương nhà nước, pháp chế vẫn chưa được củng cố vững chắc. Các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động nhà nước như vô trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, không tôn trọng kỷ cương, kỷ luật vẫn chưa được đẩy lùi, niềm tin của nhân dân vào Nhà nước, vào công lý vẫn có nguy cơ suy giảm.
- Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm, kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm". Hơn nữa, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với nhân dân còn hạn chế...