thông tin
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh Hà Giang, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tồn tại hạn chế chung nhất là còn thiếu chiến lược, kế hoạch tổng thể về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế.
Thứ nhất, tỉnh Hà Giang chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT. Các đề án, chương trình, dự án trọng điểm chưa được triển khai do hạn chế về vốn đầu tư, phức tạp về thủ tục xây dựng cơ bản và sự lúng túng trong việc triển khai ở một số đơn vị, cơ sở. Các chương trình, kế hoạch, dự án quan trọng còn thiếu tính liên kết với nhau .
Thứ hai, hạ tầng CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, thiếu tính đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh còn sơ sài, manh múm, dàn trải; các thông tin dưới dạng điện tử còn nghèo nàn và chưa được đổi mới theo hướng đa dạng, thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị.
Thứ ba, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và tác nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu, hiệu quả chưa cao; ứng dụng CNTT trong dịch vụ công và phục vụ cải cách hành chính còn hạn chế mới đạt ở cấp độ 1; thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong triển khai. Ứng dụng CNTT chưa thực sự mang tính đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ cấu đầu tư CNTT chưa hợp lý, tập trung đầu tư vào phần cứng trong khi đó chưa chú trọng đến ứng dụng các phần mềm
Thứ tư, nguồn nhân lực CNTT hiện nay còn mỏng, chất lượng không cao. Thiếu cán bộ quản lý, định hướng CNTT (CIO) có năng lực, chuyên gia đầu
ngành, nhân lực CNTT chất lượng cao. Năng lực tổ chức quản lý, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế.