VII. Kết cấu
3.2.1 Giọng điệu hài hước, trào phúng
Hài hước là một truyên thống lớn trong văn học nước ta. Nó bắt nguồn từ tính
cách lạc quan yêu đời của cha ông ta từ ngàn xưa. Sống trong cực nhọc vất vả, ông cha ta vẫn cười tươi rất hào sảng. Có thể cho cuộc sống quá khắc nghiệt nên con người phải dùng tiếng cười như một vũ khí lợi hại để vượt qua và chiến thắng nó. Trước cảnh nghèo khó, con người lạc quan, mỉm cười; trước một thói hư tật xấu, con người cũng dùng tiếng cười để châm biếm, đả kích, phê phán. Kế thừa truyền thống lạc quan, hài hước từ xưa của dân tộc, các nhà văn vận dụng nó vào sáng tác của mình. Không hẹn mà gặp, Nguyễn Công Hoan - người khơi dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945 và Nam Cao - người kết thúc dòng văn học này đều tạo được một giọng điệu hài hước rất đặc trưng trong các tác phẩm của mình. Tuy đều tạo được một giọng điệu hài hước, trào phúng cho riêng mình, song qua khảo sát, người viết nhận thấy có một số nét khác biệt cơ bản như sau:
Nguyễn Công Hoan sử dụng tiếng cười như một vũ khí. Hầu như trong các tác
phẩm của ông, tiếng cười luôn được sử dụng với tuần suất cao. Ông sử dụng tiếng cười với nhiều giọng điệu khác nhau: hả hê, chua chát, khoái trá, chế giễu, căm giận, đau xót, khinh bỉ... Đối tượng cười của nhà văn là những nhân vật phản diện: lũ quan ăn bẩn, và những kẻ dưới quyền chúng luôn lợi dụng chút quyền của mình để vơ vét, bóc lột, hà hiếp dân nghèo; là những tên nhà giàu lắm tiền nhưng mất đạo
đức... Với mỗi đối tượng, giọng điệu trào phúng có khác nhau nhưng nhìn chung là tiếng cười phê phán với giọng điệu mạnh mẽ, quyết liệt.
Nguyễn Công Hoan khai thác các mâu thuẫn giữa nội dung với hình thức, giữa bản chất với hiện tượng, mâu thuẫn từ sự đối lập giữa hai cảnh ngộ và từ những thói xấu của con người. Tùy vào đối tượng và mục đích phê phán mà có những giọng điệu cười khác nhau:
•Giọng trào phúng mỉa mai:
- “Bà cắt cho nó việc ấy, thật là bà đủ lòng nhân đạo đối với một con bé ở
mười hai, mười ba tuổi đầu. Phải, còn gì nhẹ nhàng cho bằng việc ngồi yên một chỗ, cầm chiếc quạt khẽ đưa qua đưa lại. Bà đã vì thương người mà nuôi cơm không cho nó là tốt. Chứ ngữ ấy, cơm chẳng biết thổi, nước chẳng biết gánh, quần áo chẳng biết giặt, nếu chẳng xin ở công không để kiếm miếng ăn, tất chỉ có đi ăn mày. Con Đỏ con, cả ngày, chỉ có việc bế anh, rồi làm phụ dưới bếp. Rồi đến khi
anh ngủ, có chuông bà gọi, thì lên quạt hầu bà. Bà có khiến nó làm việc gì nặng
nhọc, quá sức nó nữa đâu?” (Phành phạch)
- “Cái miệng, trước khi để khóc mẹ, hãy phải dùng đề trình nhà chức trách
biên vào sổ tử cho, thì mới đúng là trong nhà có người chết. Nếu không, thành ra mình khóc lậu á? Mà trình nhà chức trách, đố ai làm nổi việc ấy bằng lời nói suông. Cho nên, vừa bị kéo tới thềm nhà chị cu đã lạy van cụ thư ký bằng một món tiền.
Thiên chúa ơi, bằng một món tiền... hai hào!” (Công dụng của cái miệng)
•Giọng hài hước khinh bỉ:
- “Thầy quản lại bắt con mẹ phải giơ thẳng tay lên, không được cựa. Thầy khám, khám mãi, mãi... Trước thì con mẹ rúc rích cười. Dần dần, thầy quản quăng cả súng ra bên đường để khám cho khỏi vướng, và cũng rúc rích cười. Rồi con mẹ cười ngặt cười nghẹo.
Ấy thế rồi thầy quản, miệng thì ha hả đầu thì gật gật, tay thì lôi kéo, bắt con mẹ vào trong túp hàng nước, có lẽ để khám cho kỹ hơn”.
(Lập – gioòng)
“ - Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm.”
“- Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn
giặc!”
(Tinh thần thể dục)
•Giọng chua chát:
“Đi một lúc lâu, chẳng gặp một ai cả, cô ả bảo anh xe:
- Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi,
chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền giả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu.
- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!
Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:
- Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh và tôi thôi thì người tôi đây, anh
muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng.
- Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô để bệnh cho tôi thì bỏ mẹ tôi”.
(Ngựa người và người ngựa)
Rõ ràng, trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, giọng điệu hài hước trào phúng được biểu hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau. Tất cả các sắc thái giọng điệu ấy tổng hòa chung trở thành giọng điệu trào phúng Nguyễn Công Hoan mà không nhầm vào đâu được. Nguyễn Công Hoan khai thác vào những sự mâu thuẫn của các mối quan hệ giữa cái bên ngoài với bên trong, giữa bản chất với hiện tượng để tạo
ra tiếng cười. Tiếng cười ấy có những giọng điệu khác nhau bởi cái nhìn, sự đánh
giá của nhà văn khác nhau trước những sự việc khác nhau. Nói về hành động của những tên quan “ăn bẩn”, nhà văn dùng giọng điệu mỉa mai, chê trách; miêu tả những con người thấp cổ bé họng, cam chịu, nhẫn nhịn, chấp nhận sự vô lý như một sự hiển nhiên của anh Tam trong Thật là phúc, Nguyễn Công Hoan cười với giọng điệu chua xót... Nhìn chung, dù dưới hình thức sắc thái giọng điệu nào, Nguyễn Công Hoan cũng bộc lộ được mình là “bậc thầy” về trào phúng. Ông đã sử dụng
tiếng cười, sự cười cợt, giễu nhại của mình để làm vũ khí chống lại cái xấu, cái ác, cái phi lý trong xã hội đương thời. Tiếng cười với Nguyễn Công Hoan là một phương tiện quan trọng, là một yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị cho tác phẩm, đồng thời tạo nên phong cách Nguyễn Công Hoan.
Giọng điệu hài hước, trào phúng trong các truyện ngắn của Nam Cao lại rất khác so với Nguyễn Công Hoan. Khi nghiên cứu về Nam Cao, mọi người thường ít chú ý đến chất hài trong các sáng tác của ông, hoặc có cũng chỉ là thoáng qua. Bởi so với những yếu tố khác, giọng điệu hài hước không phải là một đặc điểm nổi bật hàng đầu trong phong cách nghệ thuật Nam Cao. Nhưng theo người viết, giọng điệu hài hước, trào phúng là một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần tạo nên giọng văn rất riêng Nam Cao. Chất hài và giọng hài trong các truyện ngắn của Nam Cao không xuất hiện với tần số cao như trong các truyện ngắn của Nguyễn Công
Hoan, nhưng cái hài hước trong giọng điệu của Nam Cao khác về tính chất so với
giọng hài trào phúng của Nguyễn Công Hoan. Trong quá trình phản ánh hiện thực, Nguyễn Công Hoan dùng tiếng cười để đả kích, để châm biếm sâu cay những hạng người với đủ thói hư tật xấu trong xã hội, và tất nhiên, đó là yếu tố chủ yếu tạo nên
nhà văn hiện thực trào phúng Nguyễn Công Hoan. Nam Cao không dùng tiếng cười
để cười cợt, để châm biếm hả hê cái xấu. Tiếng cười trong văn của Nam Cao tồn tại tự nhiên bên cạnh tiếng khóc và nước mắt, tự nhiên như bản chất cuộc đời luôn có chuyện bi, chuyện hài. Nói vậy có nghĩa là giọng điệu hài hước trào phúng không phải là giọng chủ yếu trong các truyện ngắn của Nam Cao, nó chỉ là yếu tố góp mặt để tạo nên sự đa dạng về giọng điệu trong tác phẩm của Nam Cao và thực hiện chức năng bề nổi để làm nổi bật lên cái bề sâu là sự yêu thương, đồng cảm sâu sắc với số phận con người trong từng tác phẩm. Vậy nên, giọng điệu hài hước trong từng câu từng chữ của Nam Cao không bao giờ ngừng lại ở cái hài mà tự bản thân nó luôn luôn chuyển hóa sang sắc thái bi. Đó là cái hài cất lên chua xót từ thế giới nội tâm bế tắc của những con người sống trong một hoàn cảnh bế tắc. Nguyễn Công Hoan cười để phản ánh, phê phán xã hội, còn Nam Cao cười để đồng cảm với số phận con người. Mặc dầu không nổi bật như Nguyễn Công Hoan nhưng tiếng cười trong các
tác phẩm của Nam Cao cũng khá đa dạng về sắc thái giọng điệu. Ở mỗi tác phẩm khác nhau, người đọc phát hiện được những giọng điệu hài hước khác nhau: có giọng cười khinh bỉ, chế giễu; có giọng cười châm biếm, sâu cay; có giọng cười hả hê, sảng khoái; cũng có giọng cười chát chua, đau xót... Giọng hài trong truyện ngắn của Nam Cao là bề nổi, một kiểu tín hiệu thẩm mỹ dẫn người đọc đến phần bi thương, xót xa ẩn chứa phía sau ở bề sâu. Cười để xót xa. Cười để chua chát và đau đớn. Vì thế giọng hài trong truyện ngắn Nam Cao luôn phảng phất giọng bi thương. Ví như trong truyện Nhìn người ta sung sướng, có giọng hài hước nhưng ẩn sau đó là sự cảm thông sâu sắc cho bà lão suốt đời cực nhọc lam lũ: “Bởi suốt một đời khổ sở nên bà ngoại Ngạn không thấy một người nào thật khổ. Trong nhà bà toàn những người sướng quá. Từ con bé ở trở lên. Bà bảo nó như thế còn là thần tiên đấy!... Nhất là vợ chồng con gái. Trời ơi! Chúng nó suốt đời trẻ như măng. Chẳng phải lo nghĩ gì, chẳng phải bao giờ đánh chửi nhau... Mà con vợ chiều chồng quá, nó mua rượu cho chồng uống, chồng uống rượu vào rồi vuốt má vợ. Chúng nhăn nhở cười với nhau y như là trẻ con... Thế mà chúng đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Chao ôi, chao ôi, bà khổ suốt cuộc đời ky cóp từng đồng trinh một để bây giờ chúng nó sung sướng. Chúng sướng quá. Chúng không biết rằng mẹ chúng đã khổ suốt một đời
hay sao”. Và khi hay tin cháu trai có ý sẽ đưa vợ lên Hà Nội thì “bà cụ thấy ngực
nóng ran lên như lửa đốt. Bà giận cháu bà lắm lắm. Cháu bà thế mà cũng hỏng. Chưa chi đã chiều vợ thế. Sao nó cũng lại xỏ chân lỗ mũi. Anh hứa với em sẽ hết sức làm em sung sướng. Quả ra con Duyên là...! Anh sẽ đem em lên Hà Nội. Ngữ ấy lên Hà Nội...! Hứ! Có đời nhà nào như vậy? Có đời nhà nào như vậy? [...] Bà thì nói thật, cưới rồi bà còn bắt ở nhà hầu bà đủ mười bốn năm” Lời văn với giọng điệu hài hước như để chuyển tải cái buồn cười cho suy nghĩ và hành động của bà lão. Cười vì sự ngược đời của bà lão. Bản thân khổ nên thấy người khác sướng thì không vừa lòng. Cái khổ ăn sâu vào cuộc đời bà nên khi thấy ai sướng hơn mình thì bà trở nên hằn học, ganh tỵ, gai mắt, ích kỷ dù đó có là con gái của mình. Cười đấy nhưng cũng xót xa, thông cảm và chia sẻ cho tâm trạng của bà. Tất cả cũng chỉ vì bà có một cuộc đời khổ sở quá.
Giọng hài hước mà bi thương ấy ta cũng bắt gặp tương tự trong truyện ngắn
Xem bói. “Hắn” nhịn đói để xem bói toán, để biết được hậu vận và hớn hở ra mặt
sau khi lão thầy phán “Chà! Thích quá!... giàu bạc vạn! Hắn ra về hể hả. Bụng hắn không đói nữa. Người hắn không mệt nữa. Ảo tưởng lóa mắt hắn. Hy vọng nâng chân hắn. Mặt hắn sáng ngời, hí hửng. Hắn lẫng cẫng, mỉm cười một mình, mắt long lanh nhìn tương lai rực rỡ, như một thí sinh vừa mới thấy tên mình trúng bảng. Hắn đi thoăn thoắt... Bỗng hắn giật nảy mình, há hốc mồm ra, rồi tối tăm mặt mũi. Hắn thấy như mình vừa lăn từ trên một đỉnh núi xuống [...] Ấy là một cái nạn xe hơi khủng khiếp. Nạn nhân gần tắt thở. Máu rra nhiều quá, khó còn phương cứu chữa”. Giọng điệu ở đây là cười ngạo, chế giễu thói mê tín, tin vào bói toán đến độ nhịn ăn để đặt tiền quẻ. Cười nhạo là vậy nhưng giọng điệu thì xót xa, thương cho những con người nghèo khổ, thất nghiệp, tương lai mù mịt chẳng biết bám víu vào đâu ngoài những lời lão thầy bói phán. Niềm tin một tương lai xán lạn sẽ đến khiến
nhân vật “hí hửng”, “mỉm cười” đến độ “không đói nữa”, “không mệt nữa”, nhưng
cuối cùng lại là một cái chết đau đớn ập đến. Lúc này, giọng điệu hài hước chuyển thành giọng điệu bi thương.
Hoặc như trong truyện Lang Rận, đoạn văn miêu tả vẻ ngoài của lang Rận có giọng điệu hài hước: “Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có mấy chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên. Thỉnh thoảng, gặp những lúc không có việc gì làm, anh ta ra ngồi ở đầu hè, cởi ra, nhặt rận đưa lên miệng nhấm kêu lép bép”. Lang Rận vui vì nghĩ rằng mình hơn đời bởi chỗ có cái thịt ngon lành hơn kẻ khác, hơn đời ở chỗ có lắm rận. Nói về lang Rận với giọng hài hước như thế nhưng bên trong nụ cười hài hước ấy là sự chua xót, thương cảm cho cái nghèo nàn, cái khốn khổ của nhân vật.
Nói thế, không có nghĩa là tất cả giọng điệu hài hước, trào phúng của Nam Cao đều thấm lẫn giọng bi thương, chua xót. Cũng như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao cũng có những giọng điệu cười cợt, hả hê, cười sảng khoái và châm biếm sâu cay nhằm vào những đối tượng đáng cười, đáng bị chế giễu, khinh bỉ. Như trong
truyện ngắn Rửa hờn, Nam Cao đã khai thác mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện thực hiện để tạo nên tiếng cười. Tiếng cười vang lên ở cuối truyện có giọng điệu chế giễu, khinh bỉ. Một tên cường hào gian ác ăn bẩn ngu ngốc, lố bịch là lý Nhưng đấu đá, kiện tụng với khóa Mẫn. Bị cách chức, lý Nhưng “đỏ bừng mặt mũi”, “nghẹn cổ không nói được”, “mắt ông nảy lửa”, “mép ông sùi bọt”, “run lên vì tức giận”, “hậm hực”, “mắt ầng ậng nước”, “ ông nghĩ đến một con dao”, “một cái búa đinh”, “nghĩ đến một cái chai...” và “nghĩ đến cả một mâm rượu hắt vào mặt ông khóa Mẫn”... Cuối cùng, lý đi ra ruộng, tới bãi tha ma và “ông nhìn trước, nhìn sau. Không một bóng người. Những nấm mộ nhấp nhô. Ông đưa mắt nhìn hết nấm nọ đến nấm kia. A! Ông đã nhận ra rồi! Chính nấm mộ này đây!... Ông lại nhìn trước, nhìn sau. Rồi ông nhảy vọt sang. Ông cẩn thận nhìn thêm một lúc nữa. Không sai được! Đó là mộ bố ông khóa Mẫn... Ông lại nhìn trước, nhìn sau lần nữa. Lần này kỹ càng hơn. Rồi cả quyết, ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hể hả, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng”, “xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về”. Cả đoạn được viết với giọng điệu hài hước và kết thúc thì đại hài hước khiến người đọc cũng không kiềm được tiếng cười. Giọng chế giễu, khinh bỉ càng tăng thêm giá trị phê phán của truyện. Lúc này, giọng điệu trào phúng mang ý nghĩa châm biếm, phê phán, không hề có giọng điệu bi thương nào được lồng ghép, đan cài.
Hoặc như trong truyện ngắn Cười, giọng điệu mỉa mai cho ta cái cười nhẹ
nhàng qua cách dùng từ ngữ của nhà văn trong đoạn nhân vật nghĩ về đứa con của hắn: “Quả như lời hắn đoán, thằng bé khóc chán rồi lặng thật. Có lẽ bây giờ thì nó nhọc quá, đã ngủ say như chết, không khí trở nên thư thái. Chỉ còn thấy tiếng võng đưa ken két khoan thai và đều đặn như tiếng tích tắc của một cái đồng hồ thật to...