VII. Kết cấu
3.1 Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao –
Bất cứ một loại hình nghệ thuật nào cũng sử dụng một chất liệu riêng để xây dựng hình tượng. Trong hội họa, chất liệu là đường nét, màu sắc; trong điêu khắc là hình khối, đường nét; trong âm nhạc là giai điệu, nhịp điệu. Trong tác phẩm văn học, chất liệu của nó chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện giúp tác phẩm văn học với chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện, hình tượng nhân vật... được cụ thể hóa. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, ngôn ngữ cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. Nói cách khác, nếu không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học.
Lấy ngôn từ làm chất liệu, văn học có thể phản ánh bất kỳ phương diện nào của đời sống hiện thực, có khả năng thực hiện chức năng nhận thức, biểu hiện tư tưởng một cách trực tiếp và toàn vẹn nhất. Ngôn ngữ không chỉ giúp miêu tả con người, phản ánh hiện thực khách quan mà ngôn ngữ còn có khả năng lột tả hết một cách cụ thể những “đường nét” tư duy, những khoảnh khắc tâm trạng, những phần sâu thẳm nhất của đời sống nội tâm con người mà đối với các loại hình khác, điều đó là không thể. Tóm lại, ngôn ngữ là chất liệu đặc biệt, là một phương tiện quan trọng hàng đầu trong quá trình sáng tác của nhà văn.
Ngôn ngữ tạo thành tác phẩm văn học, xét đến cùng cũng là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ của toàn dân. Tuy nhiên, quá trình sáng tác tác phẩm là quá trình sáng tạo không mệt mỏi của nhà văn nên ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học cũng
là ngôn ngữ mang tính sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân. Ngôn ngữ của tác phẩm là
ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ của đời sống hằng ngày nhưng nó đã được nâng lên đến trình độ nghệ thuật. Nói cách khác, nó đã được mài giũa, đã được tinh luyện,
chắt lọc và lấp lánh màu sắc sáng tạo độc đáo riêng. Vậy nên, những nhà văn lớn là những bậc thầy về ngôn ngữ. Một nhà văn lớn luôn có khả năng khám phá, khai thác những khía cạnh tiềm ẩn, tinh tế của ngôn ngữ và làm cho chúng trở thành ngôn ngữ của riêng mình. Vì vậy, ngôn ngữ cũng là một yếu tố quan trọng để tạo nên phong cách cá nhân cho người sáng tác. Trở lại với thể truyện ngắn, ta thấy ngôn ngữ càng là một vấn đề quan trọng. Ở một giới hạn nhất định về dung lượng và vấn đề phản ánh, truyện ngắn có những yêu cầu cao về mặt ngôn ngữ. Trong truyện ngắn, mỗi thứ đều được dồn nén lại trong một giới hạn dung lượng nhất định để thể hiện tư tưởng lớn của tác giả. Vì thế, từng câu, từng chữ đều có trọng lượng riêng đáng kể. Mỗi từ viết ra, mỗi câu được đặt ra để tham gia chuyển tải chủ đề, tư tưởng của truyện đều phải được chọn lọc khắt khe, phải mang tính hàm súc và tính hình tượng cao. Và một nhà văn có phong cách riêng là nhà văn phải viết được những câu của mình, những chữ của mình không bị lẫn lộn hay pha tạp với câu chữ của người khác. Trong Nói về truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan quan niệm: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ, và bằng thái độ với cách đặt câu, dùng tiếng có cân nhắc” [51, 485]. Điều đó cho thấy Nguyễn Công Hoan cũng có sự quan tâm đặc biệt cho ngôn ngữ trong các sáng tác truyện ngắn của mình.
Ở hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, ngôn ngữ đã góp phần tạo nên dấu ấn phong cách riêng cho họ. Chúng tôi khảo sát phương diện ngôn ngữ của hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao theo hướng so sánh, đối chiếu, tìm ra điểm giống nhau và khác nhau trong việc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình sáng tác của họ để khẳng định rõ phong cách độc đáo riêng của mỗi nhà văn đồng thời làm rõ quá trình phát triển ngôn ngữ truyện ngắn hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 trong tiến trình hiện đại hóa văn học. Ở đây, chúng tôi chủ yếu đi vào hai phương diện cụ thể là ngôn ngữ trần thuật (lời kể, lời tả) và ngôn ngữ của nhân vật.