VII. Kết cấu
2.2.1 Bút pháp xây dựng nhân vật qua những bức chân dung
Nhân vật là một tổng thể phức hợp được tạo ra bằng việc kết hợp các biện pháp thể hiện. Để xây dựng nhân vật, nhà văn sử dụng nhiều biện pháp khác nhau: miêu tả ngoại hình, miêu tả nội tâm và hành động của nhân vật. Đan dệt hàng loạt các chi tiết với nhiều biện pháp thể hiện khác nhau mới có được một chân dung nhân vật xác định theo ý muốn của tác giả. Một bút pháp miêu tả nhân vật mà người viết nhận thấy có mối tương đồng, đồng thời cũng có những khác biệt, tạo nên phong cách riêng, dấu ấn cá nhân sâu sắc của hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và
Nam Cao chính là nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật, hay nói cách khác là nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật qua yếu tố ngoại hình. Ngoại hình là một khái niệm dùng để chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong... Ngoại hình bao gồm tất cả các biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Ngoại hình nhân vật có thể được nhà văn tập trung khắc họa chỉ trong một đoạn văn ngắn gọn nhưng cũng có khi được miêu tả rải rác, xen kẽ giữa các đoạn, qua những tình huống và hoạt động khác nhau của nhân vật bằng lời kể trực tiếp của người kể chuyện hoặc qua ngôn ngữ hay cái nhìn của một nhân vật khác. Nhân vật trong truyện ngắn thường được nhà văn khắc họa chân dung bằng việc miêu tả toàn bộ hình dáng, đường nét bên ngoài hoặc chỉ là tập trung miêu tả những nét nổi bật nhất trong diện mạo của nhân vật. Trong các tác phẩm tự sự ở những năm hai mươi đầu thế kỷ, ta thường bắt gặp cách miêu tả chân dung một cách chung chung, chưa cụ thể; chân dung nhân vật thường đi liền với việc trình bày về tiểu sử, nguồn gốc nhân vật một cách rườm rà, dài dòng. Hơn nữa, đặc điểm chân dung của nhân vật thường dừng lại ở mục đích tái hiện ngoại hình, giới thiệu nguồn gốc chứ chưa chú trọng về mặt miêu tả ngoại hình để lý giải về tính cách hay đặc điểm tâm lý. Chẳng hạn như khi miêu tả nhân vật thằng Cu trong Con nhà nghèo, Hồ Biểu Chánh đã viết: “Thằng Cu là trai ở xóm trên, mặt đen, môi dày, hàm răng thưa, chân mày rậm, vóc trung trung, mà bộ tướng coi mạnh dạn lắm. Nó mồ côi cha mẹ mà cũng không có anh chị em chi hết. Năm nay nó đã được hai mươi ba tuổi rồi. Mẹ nó mất hồi nó được hai mươi tuổi”. Cách miêu tả chân dung kiểu này chỉ như một cách giới thiệu nhân vật sơ lược, chưa có dụng ý nghệ thuật cũng như chưa có sự gắn kết với tính cách, tâm lí.
Trong truyện ngắn hiện đại, việc khắc họa chân dung nhân vật bằng cách miêu tả ngoại hình không phải chỉ để giới thiệu nhân vật một cách chung chung, đại khái mà luôn có mục đích nghệ thuật. Mỗi một gương mặt, mỗi một dáng hình nhân vật được miêu tả là mỗi một nét tính cách được thể hiện và gắn với nó là một hoạt động tâm lý được phác họa. Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã gặp nhau khi sử dụng việc miêu tả ngoại hình nhân vật để khắc họa một nét tính cách. Nói cách
khác, ở hai nhà văn hiện thực này, việc miêu tả ngoại hình không phải là một yếu tố chỉ mang tính chất “giới thiệu” mà nó đóng vai là yếu tố cơ bản, cần phải có, bắt buộc phải có để chân dung nhân vật được rõ nét và sâu sắc hơn. Lúc này, miêu tả ngoại hình nhân vật là một yếu tố quan trọng để bức tranh về nhân vật được hoàn thiện. Đằng sau mỗi bức tranh về ngoại hình là những tính cách, những chiều sâu tâm lý được thể hiện. Có thể khẳng định rằng, trong các truyện ngắn hiện thực của hai nhà văn này, không tác phẩm nào mà nhân vật không được miêu tả về ngoại hình. Dù đậm, nhạt khác nhau, song từ nhân vật chính diện đến nhân vật phản diện đều được khắc họa những đường nét ngoại hình một cách chi tiết. Sự tương đồng này có thể lí giải bởi không gì khác hơn có thể tạo ấn tượng cho người đối diện (ở đây là người đọc, là người tiếp nhận tác phẩm) một cách nhanh nhất về một con người bằng dáng vẻ bên ngoài của họ. Một gương mặt, một ánh mắt, nụ cười hay bộ quần áo họ khoác trên người chính là yếu tố để cá biệt hóa nhân vật. Trong văn học hiện thực, cá biệt hóa trong điển hình hóa nhân vật là những yêu cầu nghệ thuật mà mỗi nhà văn tài năng phải đạt đến. Nhà văn hiện thực tài năng là phải xây dựng cho mình những nhân vật điển hình độc đáo, trong đó, miêu tả ngoại hình nhân vật là yếu tố đóng vai trò không nhỏ. Ta thấy Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều có những chân dung nhân vật có tính cá biệt và độc đáo. Tuy cùng xem miêu tả ngoại hình nhân vật là một việc không thể thiếu trong hoạt động khắc họa chân dung nhân vật và các truyện ngắn của họ cũng đa dạng những bức chân dung nhưng điều độc đáo là ở mỗi nhà văn, việc miêu tả ngoại hình mang những ý nghĩa khác nhau. Ở Nguyễn Công Hoan, qua những nét chấm phá độc đáo về ngoại hình của nhân vật, nhà văn muốn đi đến việc khắc họa tính cách cho những loại hình nhân vật khác nhau trong xã hội. Những nhân vật có tính cách tương tự nhau thường được nhà văn đóng khung trong những kiểu ngoại hình giống nhau hay gần giống nhau. Việc miêu tả ngoại hình nhân vật trong các truyện ngắn hiện thực của Nguyễn Công Hoan chủ yếu hướng đến khắc họa cái chung: địa vị xã hội chung, tính cách chung thì ngoại hình của những nhân vật khác nhau cũng sẽ có những cái chung giống
nhau. Qua cách miêu tả ngoại hình nhân vật, ta thấy cách nhìn nhân vật của Nguyễn Công Hoan là cách nhìn trong sự phân tuyến rõ ràng: giàu - nghèo, thiện - ác.
Trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, có nhiều những bức chân
dung xấu xí, gầy gò, xơ xác, đôi khi đến ghê tởm khi ông đặc tả ngoại hình của những con người nghèo đói, khổ sở. Miêu tả những nhân vật có những hành động liều lĩnh “tha hóa” vì miếng ăn, cái đói, Nguyễn Công Hoan thường tập trung ở dáng người, ở những đường nét của gương mặt. Đó là bức chân dung với “hai mắt trắng dã, lấm la lấm lét. Tóc thì bồng lên như tổ quạ. Da đen thui thủi, mặt rạn lên như men lọ cổ, “cái áo tây tàng, xơ xác như tổ đỉa” của thằng ăn cắp trong truyện ngắn cùng tên. Hay như trong truyện Bữa no... đòn, chân dung của thằng Canh, ăn cắp vì quá đói, hiện ra một cách rõ ràng bằng những nét ngoại hình thê thảm. Nó khoác trên người bộ quần áo mà qua những chi tiết miêu tả của tác giả, người đọc cảm nhận nó tương tự, như một tấm giẻ rách: “Cái quần cháo lòng xắn lá tọa, ống
cao ống thấp thì bở tơi, nhưng dày cồm cộp những đất, bùn và ghét. Cái áo dài vải
tây đen, nay chỉ còn giữ được màu nước dưa, thì ở lưng, vai, tay, ngực bươm ra, mà năm khuy thì về hưu trí bốn”. Nhưng bộ quần áo ấy thì chưa bằng vẻ ngoài gầy gò đến đáng sợ của nó. Nguyễn Công Hoan miêu tả ngoại hình của những con người nghèo khổ, đói kém một cách cụ thể đến từng chi tiết mà khó thể nào chi tiết hơn nữa. Mỗi đường nét được vẽ ra, ta thấy xót xa cho những kiếp người khi cái đói làm cho chân dung của họ trở nên xấu xí, ghê tởm và đôi khi là quái dị: “Đầu nó chỉ còn hình cái sọ cắm trên cái cổ dai ngoách, mà luồng gân kheo khư kéo nổi lên, mấp mô như thớ chiếc kẹo kéo. Da mặt bọc ít thịt quá, thành ra thừa nhiều, nó nhăn nheo lại, mà những đường nhăn chi chít như vết rạn của men cái lọ cổ. Tóc nó chịu nằm ẹp trên đầu, không dậy được như những ngọn lúa bị bão, mà chảy cả xuống, quắp vào trán, vào gáy, vào mang tai” (Bữa no... đòn); hay như cái vẻ ngoài của một thằng ăn mày “bé nhỏ”, “mới độ 15, 16 tuổi” cũng tạo ấn tượng khó quên cho người đọc vì cái vẻ nghèo hèn của nó: “mặt nó già cấc, đen đủi và nhăn nheo, làm cho hai con mắt nó trắng dã và khoằm khoằm như mắt vọ” và “những thứ nó mặc, nếu lấy tên sẵn của cổ nhân đặt ra mà gọi là quần và áo thì không đúng tí nào” vì “cái che
khoảng trên thì là một mảnh vải to cũ kỹ, vừa rộng, vừa ngắn, trước kia không rõ đã dùng để làm gì. Cái che khoảng dưới thì bằng không biết có phải vải hay không, nhưng chắc chắn nó là di tích của một chiếc yếm đầm. Cả hai thứ đều rách bướp, mà chỗ nào rách cũng to, nên phải nút ríu lại với nhau, hoặc buộc bằng lạt. Bởi vậy,
người ta có thể đếm trong mình nó từng cái mụn lở, từng cái xương sườn.” (Giá ai
cho cháu một hào).
Nguyễn Công Hoan đặc biệt chú ý góc nhìn hình dạng con người xơ xác vì đói. Chẳng hạn, ông đã sử dụng bút pháp nói quá để vẽ ra “nó” đầy xót xa trong truyện ngắn Hai cái bụng: “Nó có cái sọ đếm được tóc. Không biết một thứ bệnh gì hương hỏa của cha mẹ đã làm cho cả da chỗ ấy nhẵn thín, bóng lộn, đỏ đòng đọc như cái mụn đương loét, khiến tóc nó chỉ có thể mọc lơ thơ, như vầng cỏ trên tảng đá cằn. Nó có một cái mặt - mẹ ơi! Không biết có được gọi là mặt không đấy! - Mặt gì mà mắt lại thế kia và miệng lại vô dụng thế được. Phải, mắt đâu có thứ mắt xung quanh là một hình bầu dục, vẽ bằng vành thịt trơ đỏ lầy nhầy, lúc nào cũng ứa ra một dòng nước vàng và giữa thì lờ đờ một hột nhãn, thứ hột nhãn non choèn, vàng ễnh. Còn cái miệng nó thì dô ra như miệng khỉ, hai hàm răng to tướng, lúc nào cũng cầm cặp hục hặc với nhau. Nhưng thế không phải để nhai, mà để run”, “những quần áo nó mang vào người chỉ có một mục đích là che cho thân nó không kín. Chắc là những thứ giẻ khươm mươi niên, người ta vứt đi, vì bợt quá. Nhưng nay nó buộc miếng nọ với miếng kia, díu mảnh này vào mảnh khác, và vì dùng lâu ngày, nên cũng dày thêm bằng tầng mồ hôi, quện với ghét, và bụi. Đố ai đếm nổi tất cả có bao nhiêu chỗ rách và những chỗ rách ấy hình gì. Đố họa sĩ nào pha đúng được màu quần áo ấy - và nếu có cởi những thứ ấy ra, đem treo lên cho công chúng đoán - đố ai dám nói đó là đồ mặc của người”.
Chân dung những nhân vật nghèo khổ của Nguyễn Công Hoan mang sức tố cáo sâu sắc. Hình dạng của con người bị cái đói, cái nghèo làm cho xấu xí, khắc khổ. Mỗi chân dung nhân vật được khắc họa là một số phận, một cảnh đời lúc nào cũng đau đáu nỗi lo đói kém và từ những bức chân dung con người méo mó vì đói ấy, ta có thể hiểu vì sao họ có thể liều lĩnh ăn cắp, ăn cướp, ăn quỵt một tô bún riêu
hai xu, vài củ khoai... để rồi phải nhận lấy những trận đòn tả tơi, thừa chết thiếu sống. Qua những hình dạng bề ngoài của những nhân vật nghèo khổ được miêu tả trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, nhà văn đã đóng khung nhân vật trong một mô hình giống nhau. Mô hình chung của những kiếp người dưới đáy đói kém là cái vẻ ngoài gầy gò, xanh xao, ốm yếu, bệnh tật. Khi miêu tả nhân vật ngòi bút Nguyễn Công Hoan đã chú trọng khắc họa những chi tiết ngoại hình trong sự phân tuyến rõ ràng: giàu - nghèo; thiện - ác. Và những nhân vật cùng tuyến sẽ có những đặc điểm chung tương tự nhau. Những nhân vật thuộc loại giàu, có tiền, có quyền cũng được Nguyễn Công Hoan định sẵn trong mô hình chung khi miêu tả ngoại hình. Nhân vật thuộc tuyến này trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan khá nhiều: quan ông, quan bà, cụ chánh, thầy lý, thầy ký, ông chủ, bà chủ... Tất cả các nhân vật phản diện này tuy khác nhau về tên gọi, địa vị, song ở chúng có điểm chung về ngoại hình là phè phỡn, béo tốt, phì nộn và đều có tính cách giống nhau là ác độc, xấu xa, đê tiện. Đó là những tên quan với vẻ bên ngoài béo tròn trùng trục đầy ấn
tượng. Vẽ chân dung tên quan huyện Hinh trong Đồng hào có ma, Nguyễn Công
Hoan đặc tả chi tiết cái khuôn mặt của hắn: “Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ
vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ
nào lách ra ngoài được. Đến nỗi năm bốn mươi tuổi, mà mặt ông nó cứ nhẵn thín như thường. Ông bực mình, bèn ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông một dạo, để ông nuôi râu. Thì sau hết, những lông tơ nó cũng dài ra và trông rõ hơn. Và đến bây giờ, đứng ở hai bên miệng ông, nó thành hình hai cái dấu chua nghĩa”.
Hoặc như miêu tả ngoại hình béo tốt đến... ghê sợ của nhân vật “bà”, trong Phành
phạch, Nguyễn Công Hoan đã sử dụng biện pháp phóng đại để miêu tả một bức
chân dung mang đầy tính châm biếm: “Vậy thì bà nằm đó. Nhưng thoạt trông đố ai dám bảo là một người. Nếu người ta chưa nom rõ cái mặt phị, cái cổ rụt, cái thân nung núc, và bốn chân tay ngắn chùn chùn, thì phải bảo là một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại với nhau, sắp đem cất đi. Thật thế, bà béo lắm, một cái béo rất hùng vĩ, ít ai có thể tưởng tượng được. Mùa hè, ai trông thấy bà mà không phát ngấy thì
cái bụng: “Gớm! Béo đâu có béo lạ béo lùng thế! - Béo đến nỗi hai má chảy ra, cổ
rụt lại. Béo đến nỗi bụng sệ xuống. Béo đến nỗi trông phát ngấy lên!”. Ngoại hình nhân vật được tác giả khắc họa dù chỉ qua một vài chi tiết nhưng cũng hết sức ấn tượng, biểu hiện được cái hồn, cái cốt của nhân vật. Cũng là béo, cũng là về hình dáng, về cách ăn mặc, nhưng những nhân vật “béo tốt” của Nguyễn Công Hoan hiện ra lại hết sức khác nhau, mà lại sinh động vô cùng. Miêu tả một nghị viên ở
nông thôn trong Hai thằng khốn nạn, ông viết: “Một người mặt mũi phương phi, cổ
rụt, bụng phệ, môi trễ mà không râu, mặc quần áo lụa, phe phẩy cái quạt . . .”. Đến nhà tư sản trong Báo hiếu: trả nghĩa cha, ông lại miêu tả khác hơn: “Cái bụng
phưỡn ra, nấp trong bộ quần áo xếp nếp cứng thẳng như cái hộp. Tóc bóng mượt, nhẵn như cái gáo lĩnh úp trên đầu, không chịu kém vẻ đẹp với bộ ria sửa khéo như vẽ. Miệng lúc nào cũng chực tóe ra một chuỗi cười”.
Các nhân vật tuy cùng có điểm chung là “béo tốt” nhưng mỗi nhân vật lại
được khắc họa khác nhau, có cái riêng để phân biệt được giúp hình ảnh nhân vật được sinh động hơn. Cái mô hình chung của bọn quan nhà giàu có quyền, của bọn tư sản có tiền được nhà văn cô đúc trong vài chi tiết nhưng giống nhau đều là lũ béo tốt cả. Và đằng sau cái béo phì nộn ấy là những tính cách xấu xa, đê tiện. Nguyễn Công Hoan từng nói: “Bởi vì tiếng quan là tiếng đồng nghĩa với tiếng nịnh hót, gian ác và ăn tiền. Thì những nét nào ở mặt, mũi, ở cử chỉ, hành động tỏ được tính nịnh hót, gian ác và ăn tiền, ta cứ việc rút vào bức họa một tên quan, ta không sợ mang tiếng là vu oan cho một điển hình quan lại”. Vậy nên vì có tính cách chung như