7. Các nước CLM (cụ thể là Lào, Campuchia, Myanmar)
7.1. Tình hình phát triển kinh tế trong những năm gần đây
7.1.1. Kinh tế Lào
Sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước, một trong những nhiệm vụ cốt yếu hàng đầu của Nhà nước Lào là tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào sớm đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm tài khóa 2011-2012, Lào đã khắc phục những khó khăn như lũ lụt, lạm phát trong nước cũng như những ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành mọi chỉ tiêu kinh tế. Trong năm tài khóa này, GDP của Lào tăng 8,3% so với cùng kỳ, đạt 620.000 tỷ kíp (khoảng 7,74 tỷ USD) và GDP bình quân đầu người vào khoảng 9,64 triệu kíp (1.203 USD).
So với các nước thành viên ASEAN khác, quá trình chuyển từ nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa của Lào rất khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là 6 triệu người dân Lào qua phấn đấu gian khổ, đã giành được sự tiến bộ vượt bậc về xây dựng kinh tế quốc dân.
Lào đã thực thi nhiều sách lược phát triển kinh tế: thu hút vốn đầu tư nước ngoài; coi trọng xây dựng đặc khu kinh tế; thúc đẩy toàn diện 6 chiến lược thương mại lớn gồm: ngoại thương, sản xuất sản phẩm và quản lý xuất-nhập khẩu, dịch vụ thương mại quá cảnh, phát triển thị trường và quản lý hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực; và tích cực phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về phát triển kinh tế - xã hội, tình hình kinh tế vĩ mô của Lào ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch và công nghiệp. GDP năm 2014 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định ở mức 7,6%, kiềm chế lạm phát ở mức 5,6%, GDP bình quân dầu người đạt khoảng 1.692 USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,58 tỷ USD; thu hút đầu tư trong và ngoài nước được 1.150 dự án với trị giá 3,38 tỷ USD. Sau khi tiến hành một số giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô (bán trái phiếu chính phủ, vay nước ngoài, xuất khẩu gỗ; kiểm soát chặt chẽ thu - chi ngân sách, cắt giảm các dự án đầu tư công…), tình hình tài chính của Lào bước đầu đã được cải thiện.
7.1.2. Kinh tế Campuchia
Kinh tế Campuchia được coi là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất châu Á với sự tham gia lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước. Campuchia được coi là quốc gia còn nhiều tiềm năng để có thể duy trì sức cạnh tranh như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trẻ, nhân công giá rẻ.
Về cơ bản Campuchia là một nước nông nghiệp, các ngành kinh tế chủ yếu của Campuchia là nông nghiệp, dệt may và du lịch.
Nông nghiệp là ngành sản xuất chính của Campuchia với 85% dân số sống bằng nghề nông, chiếm 35% GDP, trên 70% dân số làm nghề nông. Sản lượng lúa hàng năm ước đạt trên 6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn. Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng Campuchia vẫn nhập khẩu nhiều loại lương thực, thực phẩm do hệ thống thủy lợi kém (chỉ 7% diện tích được tưới tiêu), chăn nuôi và trồng trọt chưa phát triển mạnh và phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên.
Về công nghiệp, ngành dệt may tạo việc làm cho hơn 350.000 lao động và chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu của Campuchia (trên 2 tỷ Đô la Mỹ, tương đương Việt Nam). Công nghiệp: bao gồm dệt may, xây dựng, đánh bắt cá, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, xi măng, khai quặng,… trong đó dệt may, xây dựng là những trụ cột của nền kinh tế. Campuchia còn có một số mỏ đá quí, hồng ngọc, vàng, bô xít,… tuy nhiên trữ lượng không lớn và chưa có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng của nền công nghiệp đạt 5,7%.
Ngành công nghiệp du lịch đã và đang phát triển nhanh chóng với lượng khách nước ngoài vượt quá 2 triệu người mỗi năm, nhưng khó khăn của nền kinh tế thế giới đã làm giảm tăng trưởng của ngành du lịch Campuchia trong năm 2009. Ngành du lịch của Campuchia trong những năm gần đây có bước khởi sắc đáng kể. Các ngôi đền tuyệt đẹp của quần thể Angkor là điểm đến tuyệt vời đối với hầu hết khách du lịch, là di sản văn hóa vô giá, là cơ sở để phát triển mạnh ngành du lịch của Campuchia. Ngoài ra đất nước có nhiều địa điểm hấp dẫn khác: đền Angkor Thom, đền Preah Vihear, đền Tonle Bati,… các bãi biển nhiệt đới, tòa nhà thuộc địa và rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Theo báo cáo của Bộ du lịch Campuchia, năm 2012 nước này đón 3,5 triệu khách du lịch, tăng 24,4% so với năm 2011 và đạt doanh thu 2,2 tỉ USD.
Năm 2014 Tăng trưởng kinh tế Campuchia đạt 7,2%, chủ yếu dựa vào các lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, sản xuất nông nghiệp, du lịch và xây dựng. Năm 2014, Campuchia đã đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4% so năm 2013, mang về doanh thu hơn 3 tỷ USD. Campuchia đặt mục tiêu thu hút khoảng năm triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay và 7,5 triệu vào năm 2020.
Hiện nay, tình hình chính trị tại đất nước Chùa Tháp dần ổn định trở lại sau khi các bên đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong Quốc hội vào tháng 7/2013.
Tổng kim ngạch thương mại của Campuchia năm 2014 đạt 18,1 tỷ USD, tăng 13,8% so năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,69 tỷ USD, tăng so với mức 6,9 tỷ USD năm 2013, chủ yếu nhờ gia tăng xuất khẩu hàng dệt may và nông sản. Kim ngạch nhập khẩu của Campuchia đạt 10,43 tỷ USD năm 2014, tăng so với mức 9 tỷ USD năm 2013, chủ yếu do tăng nhập khẩu hàng nguyên phụ liệu may mặc, ô-tô, đồ gia dụng, hàng điện tử.
Myanmar từng là một trong những nền kinh tế mạnh nhất khu vực trong những năm 1950, song đã tụt hậu kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962, trở thành nước nghèo nhất ở Đông Nam Á sau hàng thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự chịu nhiều biện pháp cấm vận và trừng phạt của các nước Phương Tây. Nhờ cải cách chính trị, kinh tế và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm cả dầu khí lẫn đá quý, kinh tế Myanmar có thể tăng gấp 4 lần quy mô nền kinh tế của mình vào năm 2030.
Trong năm tài chính 2012-2013, FDI đăng ký vào Myanmar tăng từ 1,4 tỷ USD lên hơn 4,1 tỷ USD, đã tạo ra 50.751 việc làm cho người dân địa phương. Đã có34 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư FDI vào các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, dầu khí, khai thác khoáng sản, khách sạn và du lịch, bất động sản, gia súc, nông nghiệp và thủy sản tại Myanmar.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể, bao gồm cả dầu khí lẫn đá quý, Myanmar có thể tăng gấp bốn lần quy mô nền kinh tế của mình vào năm 2030 nếu đảm bảo duy trì được ổn định chính trị-xã hội, đa dạng hóa các ngành, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, quản lý tốt và phát triên cơ sở hạ tầng. Myanmar có tiềm năng đất đai, nhân lực và nguồn lực để mở rộng quy mô của nền kinh tế, từ 45 tỷ USD năm 2010 lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2030, và tổng chi tiêu có khả năng tăng từ 35 tỷ năm 2013 lên 100 tỷ USD nhờ tầng lớp trung lưu dự đoán trong cùng kỳ sẽ tăng từ 2,5 triệu người lên 19 triệu người.
Năng suất lao động của Myanmar thấp hơn so với các nước khác trong khu vực 70% và trung bình mỗi người dân chỉ có bốn năm tới trường, và cũng chỉ 4% trong tổng dân số Myamar khoảng 60 triệu người hiện nay có đủ thu nhập để chi tiêu tùy ý, so với mức tương ứng 35% của dân số thế giới
Tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Myanmar dựa chủ yếu vào bốn lĩnh vực chính là năng lượng và khai thác mỏ, nông nghiệp, chế tạo và cơ sở hạ tầng, trong đó chế tạo giữ vị trí quan trọng nhất kể từ khi các công ty nước ngoài có thể hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.