Tại Hy Lạp:
Bất chấp sự phản đối quyết liệt của đa số người dân, chính phủ của Thủ tướng George Papandreou vẫn thực hiện chương trình cải cách kinh tế hà khắc mà Aten đã cam kết với EU và IMF. Trong thời gian qua, lương của công nhân viên chức, hưu trí, chi phí quốc phòng, an sinh xã hội… của Hy Lạp đều bị cắt giảm mạnh, trong khi đó tiền thuế lại tăng mạnh. Mạnh tay cắt giảm chi tiêu công, cũng như áp dụng nhiều biện pháp tăng nguồn thu cho ngân sách nên Hy Lạp đã được các chuyên gia EU và IMF đánh giá “đang đi đúng hướng” và giải ngân gần một nửa số tiền trong gói cứu trợ. Dư luận có lúc cũng cho rằng,
nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel “Hy Lạp sẽ trở thành tấm gương cho các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu cùng cảnh ngộ noi theo” là có cơ sở khi kết thúc năm tài khóa 2010, thâm hụt ngân sách của nước này đã giảm mạnh từ 15,4% trong năm 2009 xuống còn 9,6%.
Tuy nhiên, khi bước vào năm 2011, trong bối cảnh đà phục hồi nền kinh tế thế giới vẫn đang rất mong manh, lại phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức như giá dầu tăng cao, thiên tai hoành hành, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng… thì nhiệm vụ vừa cắt giảm chi tiêu vừa bảo đảm tăng trưởng là khó khả thi đối với bất cứ nước nào. Và Hy Lạp, quốc gia chìm ngập trong suy thoái trong suốt hơn 2 năm qua, càng không phải là một ngoại lệ. Do chi tiêu công bị cắt giảm mạnh nên nền kinh tế Hy Lạp đã xuất hiện những dấu hiệu ngày càng lún sâu vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp lại lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 15% trong tháng 3 vừa qua, trong khi đó theo dự báo của các chuyên gia kinh tế quốc tế, nợ công của nước này sẽ lên tới 150% GDP trong năm nay và 160% vào năm 2013. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi ngày 29/3 vừa qua, Công ty xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) lại hạ mức xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống hai cấp, từ BB cộng xuống BB trừ. Khó khăn nối tiếp khó khăn, trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% lên mức 1,25% đã khiến cho kế hoạch của Aten huy động vốn trên thị trường quốc tế càng trở nên khó khăn hơn, và nay cộng thêm "phán quyết" của S&P thì kế hoạch này của Aten coi như phải "xếp xó" trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, một số chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng hết sức ảm đạm khiến nhiều nhà phân tích tin rằng năm thứ 3 liên tiếp kinh tế Hy Lạp sẽ rơi vào suy thoái, với mức suy giảm khoảng 3%.
Để trấn an giới đầu tư rằng chính phủ Hy Lạp vẫn kiên trì theo đuổi các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách 7,4% GDP trong năm nay và đến năm 2015 sẽ xuống dưới mức 3% GDP đúng theo qui định của Hiệp ước phát triển và ổn định của EU, Aten đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách và tư nhân hóa đầy tham vọng. Theo đó, Thủ tướng Papandreou đặt mục tiêu giảm chi ngân sách từ mức 53% GDP năm 2009 xuống 44% GDP vào năm 2015. Hy Lạp hy vọng sẽ tiết kiệm 23 tỷ euro từ các chính sách cắt giảm chi, tăng thu thuế tiêu dùng giai đoạn năm 2012-2015 và tiết kiệm 3 tỷ euro khác thông qua các biện pháp chống trốn thuế được áp dụng ngay trong năm nay. Ngoài ra, Hy Lạp cũng sẽ bán tài sản quốc gia trị giá 15 tỷ euro, đồng thời tư nhân hóa vài tập đoàn quốc doanh như công ty điện lực PPC và tập đoàn viễn thông OTE...
Tuy nhiên, kế hoạch này của chính phủ Thủ tướng Papandreou khó có thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của phe đối lập và đa số người dân, những người trong suốt 1 năm qua đã phải sống trong tình cảnh "giật gấu vá vai". Sự chịu đựng của họ cũng có giới hạn nên hàng chục nghìn người đã tham gia nhiều cuộc biểu tình qui mô lớn để phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" khiến căng thẳng xã hội tăng cao. Phe đối lập đe dọa sẽ tăng gấp đôi số lượng các cuộc biểu tình trong năm nay. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo việc tiếp tục thắt chặt chi tiêu sẽ khiến cho kinh tế Hy Lạp lún sâu vào suy thoái, và khi đó kế hoạch tăng thu thuế của chính phủ cũng khó mà gặt hái được thành công. Trong bối cảnh Hy Lạp phải đối mặt với khó khăn chồng chất như vậy, giới phân tích cho rằng không còn giải pháp nào ngoài việc chính phủ buộc phải tái cơ cấu khoản nợ công khổng lồ hiện đã lên tới 325 tỷ euro, gấp đôi con số mà các nhà kinh tế cho là Aten có thể trả được và cao hơn nhiều so với khoản nợ mà Áchentina phải "gánh" khi tuyên bố vỡ nợ năm 2001. Việc tái cơ cấu nợ công của Hy Lạp chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặc dù đã tiêu hết gần nửa số tiền trong gói cứu trợ nhưng triển vọng nền kinh tế Hy Lạp vẫn đang hết sức u ám. Rõ ràng, gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp chỉ có tác dụng "chữa cháy", chứ không phải là liều thuốc đặc trị căn bệnh khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở lục địa già. EU và IMF biết rõ hơn ai hết điều này, nhưng họ vẫn quyết định sử dụng "đơn thuốc" của Hy Lạp để điều trị cho hai "con bệnh" khác là Ireland và Bồ Đào Nha với hy vọng chính phủ hai nước này quản lý tham nhũng tốt và có quyết tâm cao hơn nên sẽ có kết quả tốt hơn. Trong khi đó thực tế liều thuốc được coi là đặc trị căn bệnh trên - cải cách triệt để hệ thống tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu, lại chưa có tác dụng nhiều trong việc cải thiện tình hình của Hy lạp, Ireland và Bồ đào nha khi các nước này vẫn đang cần đến các gói cứu trợ tiếp theo.