Ipomoea cairica (L) Sweet

Một phần của tài liệu nghiên cứu đa dạng và sinh thái họ bìm bìm (convolvulaceae juss 1789) tại thành phố hồ chí minh (Trang 53 - 57)

Bìm bìm cảnh

Ipomoea cairica (L.) Sweet, 1827 (CCVN, 2: 990) - Convolvulus cairicus L. 1759. - Ipomoea pulchella Roth, 1821 (FGI, 4:257) [18].

Tên khác : Bìm Hy Lạp , Bìm bìm cảnh, Bìm đẹp

Đặc điểm : Cây thảo lâu năm, có rễ củ. Cây leo dài bằng thân quấn, thân mảnh, nhỏ, mọc leo dài 3-6 m, không lông, phần gốc hơi hóa gỗ. Lá mọc cách, do 5 lá chét không lông, xẻ sâu đến tận cuống lá, hình chân vịt, bìa nguyên. Phiến lá mỏng hình mác, đầu nhọn, màu xanh bóng, hai mặt nhẵn, gân nổi rõ. Cuống lá dài 2-5 cm, có 2 lá kèm nhỏ do chồi nách sinh ra, hình dạng như lá. Không có tuyến nhựa mủ.

Phát hoa ít hoa ở nách lá. Lá đài gần như bằng nhau, màu xanh nhạt, không lông. Hoa to, hình phễu màu tím nhạt, chóng tàn. Cánh tràng hợp thành hình phễu loe rộng ở đỉnh, mép nguyên, có vạch dọc phân chia rõ 5 thùy.

Tràng vặn, nhị 5, nhị đính trên ống tràng, gắn 5 mm cách đáy ống vành, chiều dài nhị không bằng nhau: 3 nhị thấp cao khoảng 1,2 -1,3 cm , 2 nhị cao vượt hơn nhưng cũng không bằng nhau, nhị cao nhất khoảng 2,1 – 2,2 cm. Cuống và đầu nhị đều có màu tím nhạt, phần đầu không lông, phần gốc nhị ngay sát tràng có nhiều lông trắng, hạt phấn màu trắng. Vòi nhụy một, dạng sợi mảnh, dài 2- 2,2 cm, cao hơn nhị khoảng 0,3 cm. Đầu nhụy hình cầu, dạng cuộn não, chia làm 2 thùy. Vòi và đầu nhụy màu trắng, bầu nhụy không lông, bầu 2 ô. Quả nang khô hình cầu, đường kính 1cm, chứa 4 hột, cao 5-6cm, gốc có lá đài còn lại, không lông.

Sinh học : Ra hoa gần như quanh năm, chủ yếu tháng 5-12, cây tái sinh bằng hạt hoặc giâm cành.

Sinh thái : Mọc hoang ở nhiều nơi, thường mọc quấn vào hàng rào hoặc các bụi cây khác. Người dân các địa phương và một số khu du lịch còn trồng cây này làm cảnh, làm hàng rào, làm dàn che nắng, …... Cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình, đất tơi xốp thoát nước tốt, ưa sáng.

Hình 3.16 Hình thái loài Ipomoea cairica (L) Sweet A: dạng sống; B: thân; C,D: hoa; E,F: nhị và nhụy; G: lá.

Hình 3.17 Hình vẽ loài Ipomoea cairica (L) Sweet 1-Cành mang hoa; 2- Nhị; 3- Nhụy; 4- lá đài.

Phân bố: Loài cổ nhiệt đới, có nhiều ở các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở thành phố Hồ Chí Minh gặp ở: Thanh Đa, Thủ Đức, Hoc Mon .

Ngoài ra cây còn phân bố ở một số nơi khác ở nước ta như : Lạng Sơn (Đại Thắng), Phú Thọ (Phủ Đoan), Hải Phòng (Đồ Sơn), Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế (Huế: đường Hà Nội), Lâm Đồng (Đà Lạt, Thác Cam Ly) và nhiều nơi khác [18].

Hình 3.18 Sinh thái và phân bố của loài Ipomoea cairica (L) Sweet

Công dụng: Cây được trồng dọc hàng rào vì hoa đẹp. Toàn cây cũng được sử dụng làm thuốc, có thể dùng tươi hay phơi khô. Dân gian thường dùng lá đâm rịt trị bệnh đầu voi. Ở Haoai, người ta dùng rễ củ và thân để ăn. Ở Ấn Độ người ta dùng lá giã ra xoa đắp trên cơ thể người bị ban; hạt được dùng làm thuốc xổ. Ở Trung Quốc người ta dùng trị : 1. Ho do bệnh về phổi; 2. Giảm niệu, đái ra máu; 3. Phù thủng. Dùng liều 5-12g dạng thuốc sắc. Không dùng cho người bị yếu, ốm. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương; giã cây tươi đắp vào chỗ đau [5].

Một phần của tài liệu nghiên cứu đa dạng và sinh thái họ bìm bìm (convolvulaceae juss 1789) tại thành phố hồ chí minh (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)