Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng

Một phần của tài liệu Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Nghệ An (Trang 38 - 40)

7. Kết cấu của đề tài

1.3.3. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng

Lũy kế đến ngày 31/12/2014, thành phố Đà Nẵng có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3,379 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án là 11,06 triệu USD; trong đó có 223 dự án ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 2,454 tỷ USD, chiếm 69,39% tổng vốn đầu tư đăng ký; 84 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt hơn 925 triệu USD, chiếm 27,78%; 01 dự án đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung với số vốn đầu tư 31 triệu USD và 02 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với hơn 61 triệu USD.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 68,48% tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 2010-2014, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 27,08%, hoạt động dịch vụ chuyên môn, khoa học công nghệ và hoạt động hành chính và hỗ trợ chiếm 1,75% và công nghệ thông tin chiếm 0,7%. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm từ năm 2011 đến nay giảm so với giai đoạn trước do vắng bóng của các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên các dự án đầu tư cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố.

Vốn thực hiện trong giai đoạn 2010-2014 ước đạt 982 triệu đô la Mỹ. Trong đó, vốn thực hiện năm 2014 ước đạt 261 triệu đô la Mỹ gấp 1,11 lần so với năm 2010 (đạt 235 triệu đô la Mỹ).

Các nhà đầu tư đến từ hơn 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 15/21 ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung nhiều vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản (chủ yếu là bất động sản du lịch), công nghiệp chế biến - chế tạo, giáo dục, dệt may, y tế, công nghệ thông tin. Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về tổng vốn đầu tư tại Đà Nẵng với 705 triệu USD, chiếm hơn 21,24% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là B.V.I (21,61%), Singapore (17,71%), Nhật Bản (10,78%), và Hoa Kỳ (10,36%).

Về hiệu quả, nguồn vốn FDI đã góp phần gia tăng vốn đầu tư phát triển và giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố (giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI chiếm từ 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp). Dự án FDI góp phần đổi mới công nghệ, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp vào giá trị xuất khẩu của toàn thành phố, kim ngạch xuất khẩu tăng cao và tương đối ổn định. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng giá trị xuất khẩu chung của thành phố ngày càng tăng (chiếm hơn 50% so với giá trị xuất khẩu của toàn thành phố).

Nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI không ngừng tăng cao, năm sau hơn năm trước. Năm 2014 nộp ngân sách ước đạt 54 triệu USD so với 16,5 triệu USD của năm 2010, tăng 3,27 lần. Trong đó, một số Công ty đã có đóng góp lớn như Công ty TNHH VBL, Công ty TCIE, Công ty Silver Shores, v.v…

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI đã góp phần tích cực giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lực lượng lao động. Đến nay trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới, công nghệ mới, cách thức điều hành, quản lý tiên tiến, tác phong công nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động thành phố.

Một phần của tài liệu Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Nghệ An (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w