Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Nghệ An (Trang 40 - 43)

7. Kết cấu của đề tài

1.3.4.Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh

Sau 15 năm phát triển, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Năm 1997, khu vực FDI chỉ có 01 dự án, vốn đăng ký 141 triệu USD. Đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 317 dự án tổng vốn đầu tư đăng ký 3.542 triệu USD; diện tích chiếm đất của các doanh nghiệp FDI là 479 ha, mức đầu tư trung bình là 6,62 triệu USD/ha.

Kinh tế có vốn FDI đã đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng GDP và thực sự trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Mức đóng góp năm 2006 là 9,7%, năm 2010 đạt 28,2%. Năm 2014, khu vực FDI đạt 4.984,5 tỷ đồng chiếm 33,9% GDP của tỉnh. Sự gia tăng này đã góp phần làm cho tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2014 là 65,2%).

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh gia tăng với tốc độ cao, năm 2010 là 95,8%, năm 2014 đạt 2.761 triệu USD chiếm 98,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh, thời kỳ 2006-2010 đạt 1.565 tỷ đồng, chiếm 10,7% và năm 2014 đạt 690 tỷ đồng, chiếm 10,14% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Khu vực này còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Khu vực FDI đã phát triển thêm nhiều ngành công nghiệp mới, sản phẩm mới, đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử viễn thông (điển hình hai tập đoàn Samsung và Canon). Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh đạt 62.552 tỷ đồng, trong đó khu vực FDI là 45.887 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực FDI làm cho công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, trở thành “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh Bắc Ninh. Ngành công nghiệp điện tử có 30 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và gần 20 doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, 100% là doanh nghiệp thuộc khu vực FDI, các doanh nghiệp này chủ yếu làm nhiệm vụ sản xuất phụ trợ cho 3 doanh nghiệp quy mô lớn thuộc 2 tập đoàn là Canon và Samsung. Sự phát triển năng động của khu vực FDI có tác động lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư Bắc Ninh. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tăng dần lên, năm 2006 sử dụng 7.699 lao động; năm 2014 sử dụng 36.800 lao động chiếm 30,9% tổng số lao động trong các doanh nghiệp toàn tỉnh.

Ngoài ra khu vực FDI còn đưa nền kinh tế của tỉnh Bắc Ninh từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Khu vực FDI đã góp phần quan trọng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, thúc đẩy chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Hoạt động của khu vực FDI đã kết nối với chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Hiện này, 99% sản phẩm của Tập đoàn Samsung được xuất khẩu trong đó 42% vào thị trường khó tính Châu Âu, còn lại là thị trường Trung Đông và Đông Nam Á.

Có được những kết quả trên là do Bắc Ninh đã có những định hướng đúng đắn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về lĩnh vực đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tạo giá trị gia tăng lớn trên đơn vị sản phẩm; phát triển thành các cụm ngành công nghiệp điện tử. Về địa bàn đầu tư, tập trung vốn FDI vào những địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý như huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong và thành phố Bắc

Ninh. Về đối tác, tập trung thu hút từ các tập đoàn đa quốc gia với những dự án lớn, công nghệ cao, đảm bảo môi trường và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội (giải quyết việc làm, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo điều kiện để một số tập đoàn đa quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Bắc Ninh đã thực hiện quy hoạch và triển khai các khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa với hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT). Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xem công tác xúc tiến đầu tư là công tác của mọi ngành, mọi cấp, cần được nhận thức và thực hiện một cách thực sự có hiệu quả, hợp lý. Triển khai xúc tiến đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu thực tế của tỉnh. Đồng thời, đối với hoạt động FDI, Bắc Ninh tiến hành cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp FDI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; xây dựng cơ chế phối hợp rất nhịp nhàng, linh hoạt giữa cơ quan cấp tỉnh, nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư khi đi vào hoạt động ổn định. Thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp FDI để giải quyết khó khăn, vướng mắc đồng thời ngăn ngừa doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật, thực hiện kiên quyết rút giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án, doanh nghiệp FDI không triển khai, chậm triển khai dự án, hoạt động không hiệu quả, vi phạm giấy CNĐT và quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, Bắc Ninh đã tiến hành quy hoạch và tổ chức thực hiện các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ. Tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các tập đoàn lớn đến tìm hiểu, thực hiện đầu tư trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ đối với các chủ đầu tư.

Một phần của tài liệu Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Nghệ An (Trang 40 - 43)