6. Bố cục của đề tài
1.3.1. Giai cấp tư sảnViệt Nam ra đời sau giai cấp công nhân và gắn liền
liền với sự du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nước ta
Vai trò thống trị của đế quốc Pháp có một ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam. Đế quốc Pháp đã nắm hết các mạch máu kinh tế Việt Nam: công nghiệp khai thác, chế biến và giao thông vận tải quan trọng, thương nghiệp bán buôn, xuất nhập cảng, tiền tệ... Đời sống của các giai cấp ở nông thôn và thành thị đều bị đế quốc Pháp chi phối. Để thu được lợi nhuận cao nhất, một trong những chính sách kinh tế của đế quốc Pháp là ngăn cản sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam. Bằng biện pháp kinh tế như độc chiếm thị trường, độc quyền trong các ngành kinh doanh quan trọng, duy trì và phát triển kinh tế phong kiến, đồng thời bằng những đặc quyền của kẻ thống trị, đế quốc Pháp đã kìm hãm sự phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam. Mặt khác, kinh tế tư bản chủ nghĩa thâm nhập vào Việt Nam, đã phá vỡ tính chất tự nhiên của nền kinh tế Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam mở rộng, biến thị trường Việt Nam thành một khâu của thị trường thế giới, nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam đã có từ trước lúc này ngày một phát triển. Và cùng với đó là sự phá sản của số lớn nông dân và thợ thủ công đã tạo nên một thị trường lao động cho chủ nghĩa tư bản.
Cuộc khai thác thuộc địa quy mô của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Thực dân Pháp đã du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam góp phần làm cho kinh tế Việt Nam phát triển. Phương thức bóc lột tư bản tư bản chủ nghĩa bắt đầu du nhập vào nước ta, thâm nhập vào các khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, kết hợp với phương thức phong kiến đã dẫn tới sự hình thành phương thức bóc lột thuộc
địa, đảm bảo siêu lợi nhuận tối đa cho thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Trong bối cảnh đó, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX bắt đầu có sự thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh các tầng lớp, giai cấp đại diện cho xã hội Việt Nam truyền thống, những giai cấp mới ra đời cũng có sự phát triển và phân hóa ngày càng rõ hơn.
Với phương thức hoạt động của tư bản thực dân Pháp ở Việt Nam là tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng tới mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động cơ giới, kết hợp bóc lột tư bản chủ nghĩa với bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa, sao cho chi phí sản xuất giảm xuống mức thấp nhất để thu được lợi nhuận cao nhất. Mục đích của thực dân Pháp là tạo ra tầng lớp vô sản làm thuê ngày đông đảo nhằm phục vụ cho chính sách khai thác kinh tế của chúng. Giai cấp công nhân Việt Nam là sản phẩm của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Giai cấp công nhân ra đời rất sớm, sớm hơn cả giai cấp tư sản Việt Nam. Họ làm việc trong một số cơ sở xí nghiệp, đồn điền, nhà máy và thành phố để phục vụ cho công cuộc xâm lược và đô hộ nước ta của bọn chúng. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa cùng với chính sách bóc lột, cướp đoạt của thực dân Pháp và thế lực phong kiến đã tạo điều kiện khách quan cho giai cấp tư sản Việt Nam hình thành và phát triển.
1.3.2.Giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận là tư sản dân tộc và tư sản mại bản
Giai cấp tư sản Việt Nam gồm hai bộ phận: tư sản dân tộc và tư sản mại bản. Bọn mại bản quan hệ mật thiết với quyền lợi của đế quốc. Thị trường Việt Nam là thị trường độc chiếm của đế quốc Pháp để tiêu thụ hàng hóa và khai thác nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chính quốc. Tư bản Pháp cần có người làm môi giới giữa thị trường Việt Nam với chúng. Ngay sau khi Pháp chiếm Việt Nam, đã có một số ít người chuyên đại lý hàng hóa và thầu
khoán công việc của tư bản Pháp giao cho. Sau đại chiến thứ nhất lần thứ nhất, nhất là 1925-1926 trở đi, tư bản Pháp đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều, số tư sản mại bản xuất hiện ngày càng đông. Họ là những đại lý thương mại cho Pháp, thầu khoán lớn và những người chung cổ phần với tư bản ngoại quốc. Tư bản Pháp cần có tư bản mại bản và tư sản mại bản lại dựa vào tư bản Pháp. Sự thống nhất về quyền lợi ấy khiến tư sản mại bản được thực dân Pháp nâng đỡ nên họ ngày càng phát tài.
Trong khi đó bộ phận tư sản dân tộc bị Pháp chén ép, ngăn cản phát triển. Do đó họ cũng có mâu thuẫn về quyền lợi đối với thực dân Pháp. Nhưng giai cấp tư sản dân tộc đã cùng với tư bản thực dân Pháp bóc lột giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Cho nên họ vẫn có liên hệ về kinh tế với tư bản Pháp. Mặc dù về căn bản, tư sản mại bản và tư sản dân tộc đều phát triển lên bằng sự bóc lột giai cấp công nhân. Nhưng do quyền lợi về kinh tế và chính trị của họ có quan hệ khác nhau đối với đế quốc thống trị, nên họ cũng là hai tập đoàn khác nhau. Nói về giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa, sách Giáo khoa Chính trị kinh tế học của Viện nghiên cứu Liên Xô cũng có nói “... Giai cấp tư sản chia làm giai cấp tư sản dân tộc và giai cấp tư sản mại bản. Mại bản là kẻ môi giới địa phương giữa tư bản lũng đoạn ngoại quốc và thị trường tiêu thụ, thị trường nguyên liệu ở thuộc địa. Phong kiến địa chủ và tư sản mại bản là tay sai của tư sản mại bản ngoại quốc, là bọn đại lý trực tiếp bị mua chuộc của đế quốc thế giới nô dịch hóa thuộc địa và nửa thuộc địa. Tùy theo sự phát triển của công nghiệp dân tộc ở thuộc địa, giai cấp tư sản dân tộc dần dần trưởng thành...”[3, tr.106]
Sự liên hệ về kinh tế giữa giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp còn biểu hiện ở một mặt đáng chú ý nữa là tính chất kinh doanh của tư sản dân tộc không thuần nhất mà có dính líu ít nhiều tới quyền lợi của đế quốc. Trong kinh doanh, hai lối kinh doanh đặt ra cho tư sản dân tộc Việt
Nam, kinh doanh có tính chất dân tộc phải cạnh tranh với tư bản Pháp, vừa có đặc quyền về kinh tế vừa có thế lực về chính trị. Kinh doanh của họ sẽ bấp bênh hơn và tỉ suất lợi nhuận có khi thấp hơn vì kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Kinh doanh theo lối mại bản thì không phải đối chọi với tư bản Pháp, địa vị kinh tế được vững chắc hơn và nhiều khi trở thành giàu có nhanh chóng. Tư sản dân tộc Việt Nam tuy có mâu thuẫn với tư bản Pháp, nhưng bản chất của họ là bóc lột, họ luôn luôn muốn làm giàu, họ hướng về lối kinh doanh chắc chắn nhất và hướng về một nơi kiếm được nhiều lời hơn. Do đó một khi gặp khó khăn trong kinh doanh thì nhiều tư sản dân tộc Việt Nam đã hướng từ kinh doanh dân tộc sang làm đại lý cho đế quốc, miễn là kiếm được nhiều lời.
Giữa tư sản dân tộc và tư sản mại bản có mối quan hệ chằng chịt với nhau về quyền lợi kinh tế. Tư sản dân tộc có thể “mại bản hóa” một khi thấy được nhiều lời hơn và tư sản mại bản cũng có thể hướng về kinh doanh công nghiệp dân tộc một khi kiếm được lời dễ dàng hơn. Nhưng xu hướng chung trong giai cấp tư sản Việt Nam là “mại bản hóa”. Tuy rằng giữa tư sản dân tộc và tư sản mại bản có quan hệ về kinh tế nhưng không phải vì thế mà không phân biệt được trong tư sản Việt Nam đâu là giai cấp tư sản dân tộc, đâu là giai cấp tư sản mại bản, cũng không thể nhận định bất cứ một tư sản Việt Nam nào cũng có tính chất mại bản cả. Trên thực tế lịch sử, thời kỳ trong và sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, hai hạng tư sản dân tộc và tư sản mại bản phân biệt khá rõ rệt. Một bên mở xí nghiệp, lập hội buôn, phát triển công thương nghiệp dân tộc, một bên chuyên làm môi giới cho tư bản ngoại quốc. Một thời gian sau đó, tuy xu hướng mại bản hóa dân tộc có tăng lên, có người trở thành hoàn toàn tư sản mại bản. Song người ta thấy rõ tư sản dân tộc Việt nam vẫn còn tồn tại. Và tuy giữa tư sản dân tộc và tư sản mại bản Việt Nam không có mâu thuẫn sâu sắc, song vẫn có những khía cạnh bất hòa biểu hiện khi này khi khác.