Giai cấp tư sảnViệt Nam từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của giai cấp tư sản việt nam đối với phong trào cách mạng thời kì 1919 1945 (Trang 28)

6. Bố cục của đề tài

1.2.2.Giai cấp tư sảnViệt Nam từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-

(1929-1933) đến trước chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tư bản 1929-1933 nổ ra. Đế quốc Pháp dùng Đông Dương làm thị trường tiêu thụ hàng ứ đọng, đồng thời tăng cường cướp đoạt ở Đông Dương bù vào những hao hụt do khủng hoảng gây lên. Nhân dân Đông Dương lâm vào tình trạng kiệt quệ thêm. Giai cấp tư sản Việt Nam cũng bị điêu đứng vì chính sách kinh tế của thực dân Pháp thi hành trong thời kì khủng hoảng.

Hoạt động kinh doanh của tư sản Việt Nam càng bị bế tắc hơn nữa vì đời sống của quần chúng nhân dân, kẻ tiêu thụ hàng hóa của tư sản Việt Nam, bị điêu đứng vị nạn kinh tế khủng hoảng. Người nông dân chỉ còn trông chờ vào nông phẩm để trao đổi với các thứ hàng hóa khác. Nhưng giá nông phẩm ngày càng hạ. Giá gạo loại tốt ở Nam Kì năm 1929 là 11$58 một tạ, năm 1931 là 6$72 một tạ, năm 1933 hạ xuống 4$07.

Với chính sách kinh tế của thực dân Pháp và sự bần cùng của nhân dân nên hàng hóa của tư sản Việt Nam càng ngày càng bị ế ẩm. Dù có thải bớt số

công nhân, tư sản Việt Nam không tránh khỏi tình trạng phá sản. Giai cấp tư sản Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc tổng khủng hoảng thế giới tư bản chủ nghĩa đưa lại, lực lượng của họ đã bị suy sút, không còn được mạnh mẽ như hồi mấy năm sau Đại chiến. Số tư sản dân tộc bị phá sản không phải là ít. Yếu tố dân tộc cũng bị giảm sút vì có một số tư sản dân tộc Việt Nam trở thành mại bản.

Năm 1934, cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa thế giới tạm thời dịu đi. Nhưng sản xuất ở các nước tư bản vẫn ở trong tình trạng tiêu điều không hồi phục được nhanh chóng. Ở Việt Nam, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã dịu đi từ năm 1935. Sức sản xuất dần dần có hồi phục nhưng hết sức chậm chạp. Giai cấp tư sản Việt Nam đã bị yếu hẳn đi, có nhà tư sản dân tộc lớn bị rớt thành những nhà kinh doanh nhỏ, nhiều người bị phá sản. Do đó thời kì khủng hoảng đã dịu đi mà giai cấp tư sản Việt Nam vẫn không có sức phát triển. Một trong những yếu tố làm cho giai cấp tư sản Việt Nam không có điều kiện tiến lên là tình hình kinh tế kiệt quệ của các tầng lớp lao động do chính sách kinh tế của thực dân Pháp thi hành trong và sau thời kì khủng hoảng. Tiền lương thực tế của công nhân Việt Nam còn bị hạ hơn so với trước khủng hoảng. Nông dân qua thời kì khủng hoảng kinh tế bị vay nợ và cầm bán ruộng đất cho địa chủ rất nhiều. Số người thất nghiệp trong năm 1936 vẫn có tới 408.336 người. Thuế má tô tức sau khủng hoảng vẫn tăng lên.

Về công nghiệp, sau thời kì khủng hoảng người ta không thấy tư sản Việt Nam thành lập được những xí nghiệp lớn như sau hồi đại chiến lần thứ nhất. Về thương nghiệp, trong khủng hoảng nhiều hãng buôn lớn Việt Nam đã bị hoặc phá sản, hoặc tụt xuống tầng lớp trung thương hay tiểu thương. Sau khủng hoảng người ta ít thấy có những hãng buôn lớn xuất hiện. Tầng lớp tiểu thương buôn bán hàng ngoại hóa ngày càng xuất hiện nhiều. Theo thống kê năm 1938, ở Nam Kì có 57.215 môn bài buôn bán trong đó chỉ có 152 môn

bài đóng thuế từ 100$ trở lên không có môn bài nào đóng thuế quá 400$. Tình trạng đó đánh dấu sự buôn bán nhỏ bé của các tư bản thương mại Việt Nam.

1.2.3. Giai cấp tư sản Việt Nam trong thời kì 1939-1945

Đây là những năm thách thức mới đối với giai cấp tư sản Việt Nam. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra tháng 9-1939. Tháng 9 năm 1940 thực dân Pháp thừa nhận cho quân đội Nhật vào chiếm đóng Đông Dương. Nhân dân Việt Nam từ đây cũng như nhân dân Lào và Khơ Me phải sống dưới hai ách áp bức nặng nề của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Giai cấp tư sản Việt Nam cũng ở trong tình cảnh đó. Ngoài hàng ngoại hóa của Pháp, bây giờ lại thêm hàng ngoại hóa của Nhật. Nhưng rồi Pháp đầu hàng Đức và Nhật Bản, hạm đội của Anh, Mỹ phong tỏa Đông Dương, hơn nữa hàng hóa của Pháp cũng vãn dần không có đủ và nếu có cũng không vào được Đông Dương. Cả đến hàng của Nhật cũng trở nên khan hiếm. Hàng Mỹ, hàng Anh cũng có lúc tăng số nhập khẩu so với trước rất nhiều nhưng rồi cũng không trở vào được Đông Dương. Chiến tranh đã không cho phép bọn đế quốc vùng vẫy trên các thị trường, dù là thị trường thuộc địa theo như ý muốn của chúng.

Khi hàng hóa khan hiếm thì hoạt động của những tư sản công nghiệp lâm vào chỗ bí. Dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, tư sản công nghiệp Việt Nam phải phụ thuộc chặt chẽ vào nguyên liệu mà họ vẫn mua của chính quốc. Các xưởng dệt không có sợi, không có bông, các nhà làm da không có thuốc hóa chất... Tư sản thương nghiệp cũng gặp khó khăn không kém. Những thứ hàng chủ yếu trong nước là gạo, muối, lụa. Nhưng những cơ sở tiểu thủ công trước kia vẫn cung cấp hàng hóa cho họ phần lớn bị phá sản. Tư sản mại bản lúc này cũng bị phân hóa. Một số đang làm mại bản cho Pháp chuyển thành làm mại bản cho Nhật. Nhưng tình hình hàng hóa như trên đã nói không cho phép các nhà tư sản mại bản dù là cho Pháp hay cho Nhật phát tài được. Mà muốn thầu thì việc cũng không có. Theo thống kê của phủ toàn

quyền Đông Dương năm 1944 số các công ty vô danh ở Đông Dương là 312 công ty, trong đó có 194 công ty của tư bảnPháp, chỉ có 18 công ty của tư sản Việt Nam. Tổng số nhân viên quản trị các công ty vô danh đó là 1.013 người, trong đó có 931 người Pháp chỉ có 82 người là người Việt Nam. Số lượng công ty vô danh của người Việt Nam đã ít như vậy, nhưng chỉ kinh doanh vào những ngành rất phụ, chẳng hạn kinh doanh về nông nghiệp, về bảo hiểm xe hơi, nấu rượu, nhà in, máy xay...Số vốn của họ quá ít ỏi, thường thường các công ty nói trên chỉ vào khoảng vài chục vạn đồng, có khi chỉ hơn 8 vạn đồng và nhiều nhất cũng chỉ hơn 60 vạn đồng. So với các công ty của Pháp số vốn đấy thật không thấm vào đâu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:

Thứ nhất là do sự độc quyền của những công ty Pháp- Nhật: Các công ty Pháp và Nhật, chủ yếu là của tư bản Pháp, đã bỏ vốn khai thác trong khắp các ngành công, thương và nông nghiệp. 152 công ty vô danh Pháp nắm hết những nghành sản xuất quan trọng như khai thác than, kim khí, vận tải lớn, xí nghiệp chế biến. Ngân hàng Đông Dương tiêu biểu cho sự độc quyền của các công ty Pháp đã dùng vai trò độc quyền phát hành tiền tệ gây ra cuộc lạm phát khủng khiếp. Chúng tung giấy bạc ra thị trường ngày một nhiều. Chúng ra tay vơ vét vàng ở Đông Dương, còn để lại trên thị trường Đông Dương toàn giấy bạc mất giá. Hàng hóa khan hiếm, giấy bạc lại sụt giá nên giá cả hàng hóa tăng lên vùn vụt có thứ tăng hơn hàng chục lần so với giá trước chiến tranh. Đời sống của nhân dân lao động lâm vào chỗ cùng cực. Đó cùng là một mối nguy ngập cho giai cấp tư sản Việt Nam trong việc buôn bán hàng hóa. Trong khi đó nhà nước thực dân luôn đưa ra những đạo luật bảo vệ sự độc quyền cho bọn tư bản Pháp, đồng thời ngăn chặn hoạt động của tư sản Việt Nam. Thí dụ trong công nghiệp mỏ, trừ một số tư sản mại bản chung vốn với bọn tư bản Pháp - Nhật, tư sản dân tộc không thể chen chân vào khai thác nổi

Thứ hai là do thiếu nguyên liệu sản xuất hàng hóa: Những nguyên liệu mà các nhà công nghiệp Việt Nam sử dụng từ trước phần lớn đều là hàng nhập cảng. Nếu là những hóa chất thì lại hoàn toàn là hàng nhập cảng. Ví dụ, trước chiến tranh số bông sản xuất được ở trong nước không quá 1.000 tấn mà số bông và sợi nhập cảng tới 15.000 tấn. Số đay sản xuất chỉ được vài trăm tấn mà số bao đay nhập cảng tới 20.000 tấn. Nói tóm lại, do tính chất phụ thuộc vào công nghiệp nước ngoài như trên, công nghiệp Việt Nam nếu không có nguyên liệu nhập cảng nó tức khắc đi vào chỗ bế tắc, không phát triển được. Trong thời kì chiến tranh, tuy rằng diện tích trồng cây công nghiệp tăng lên nhưng hoàn toàn là bị bắt buộc trồng để cung cấp cho Nhật- Pháp dùng vào chiến tranh mà không giúp ích gì cho việc phát triển công nghiệp Việt Nam cả, cả những thủ công cá thể cũng bị ngừng lại hoặc giảm sút hoạt động. Ví dụ trong công nghiệp thủ công dệt ở một số làng chuyên nghiệp ở làng nghề Hà Đông, so sánh năm 1943 với năm trước chiến tranh người ta thấy: làng La Khê tỉ số hoạt động chỉ còn 1/25, làng Triều Khúc còn 1/20.... Trong chiến tranh người ta không thấy có một xí nghiệp dệt nào được thành lập trong khi vải vóc ở thị trường rất thiếu thốn. Có những xí nghiệp mới được thành lập lại bị nhập vào xí nghiệp mới của Pháp. Thực dân Pháp cũng phải thừa nhận rằng “ chính sự thiếu thốn nguyên liệu đang rình làm tê liệt tất cả các nền tiểu công nghiệp” ở Đông Dương. Do đó nếu nhìn bề ngoài thì số thợ thủ công trong chiến tranh tăng lên nhanh chóng nhưng sự tăng lên này chỉ mang tính chất phiến diện và bấp bênh

Thứ ba là do ảnh hưởng của chính sách cướp đoạt của Phát xít Nhật - Pháp. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho công thương nghiệp Việt Nam không phát triển được. Sự cướp đoạt của chúng đã bần cùng hóa nhân dân Việt Nam đến tột độ. Nông phẩm và nguyên liệu phải nộp cho Nhật, Pháp. Tiền lương thực tế của công nhân, viên chức tụt xuống. Thuế khóa tăng lên

gấp bội. Kết quả là đời sống của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn thảm thê nhất: đắt đỏ, thiếu thốn, đói rách, chết chóc. Đời sống bị đẩy tới chỗ cùng cực và chết chóc, làm cho người dân Việt Nam không còn khả năng tiêu thụ và sản xuất được nhiều hàng hóa như trước nữa.

Ba nguyên nhân trên đã dẫn tới kết quả cho giai cấp tư sản Việt Nam là: công nghiệp bế tắc, buôn bán thua lỗ và phá sản.

Trong những năm đại chiến lần thứ hai (1939-1945), các tầng lớp trong giai cấp tư sản Việt Nam phải đứng trước một cảnh ngộ mà trước kia họ chưa bao giờ gặp đó là nguy cơ một ngày mai phá sản. Họ thấy rõ hơn cuộc sống của những người mất nước. Họ cũng mong muốn có một sự đổi thay nào đó, nhưng sức họ quá yếu nên họ cũng chỉ biết khoanh tay chờ đợi. Giữa lúc đó, thì tầng lớp nhân dân lao động đã có con đường đi của họ, con đường của mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Sức mạnh của phong trào nhân dân, tình trạng bấp bênh và thất bại trông thấy của đế quốc Pháp, tình trạng không thể thắng thế của Nhật, tất cả những nhân tố ấy đã thúc đẩy giai cấp tư sản Việt Nam không ngần ngại đem tình cảm của họ giao cho mặt trận Việt Minh. Dần dần về sau nhiều tư sản Việt Nam đã gia nhập Việt Minh. Năm 1944, một số tri thức tư sản có tinh thần dân tộc được Đảng Cộng Sản Đông Dương giúp đỡ đã đứng ra thành lập Đảng dân chủ Việt Nam, một thành viên của mặt trận Việt Minh.

Như vậy, giai cấp tư sản Việt Nam trong thời gian này lại bị suy yếu hơn. Một bộ phận hóa thành địa chủ hoặc kiêm địa chủ, một bộ phận thì không làm ăn được nữa. Do địa vị bản thân và nhất là do nhiều nhân tố bên ngoài thúc đẩy, họ đã nâng được lòng yêu nước của họ hơn và trở thành một đồng minh rõ rệt hơn của cách mạng dân tộc.

1.3. ĐẶC ĐIỂM CỦA GIAI CẤP TƯ SẢN VIỆT NAM

1.3.1. Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời sau giai cấp công nhân và gắn liền với sự du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nước ta liền với sự du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nước ta

Vai trò thống trị của đế quốc Pháp có một ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam. Đế quốc Pháp đã nắm hết các mạch máu kinh tế Việt Nam: công nghiệp khai thác, chế biến và giao thông vận tải quan trọng, thương nghiệp bán buôn, xuất nhập cảng, tiền tệ... Đời sống của các giai cấp ở nông thôn và thành thị đều bị đế quốc Pháp chi phối. Để thu được lợi nhuận cao nhất, một trong những chính sách kinh tế của đế quốc Pháp là ngăn cản sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam. Bằng biện pháp kinh tế như độc chiếm thị trường, độc quyền trong các ngành kinh doanh quan trọng, duy trì và phát triển kinh tế phong kiến, đồng thời bằng những đặc quyền của kẻ thống trị, đế quốc Pháp đã kìm hãm sự phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam. Mặt khác, kinh tế tư bản chủ nghĩa thâm nhập vào Việt Nam, đã phá vỡ tính chất tự nhiên của nền kinh tế Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam mở rộng, biến thị trường Việt Nam thành một khâu của thị trường thế giới, nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam đã có từ trước lúc này ngày một phát triển. Và cùng với đó là sự phá sản của số lớn nông dân và thợ thủ công đã tạo nên một thị trường lao động cho chủ nghĩa tư bản.

Cuộc khai thác thuộc địa quy mô của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Thực dân Pháp đã du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam góp phần làm cho kinh tế Việt Nam phát triển. Phương thức bóc lột tư bản tư bản chủ nghĩa bắt đầu du nhập vào nước ta, thâm nhập vào các khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, kết hợp với phương thức phong kiến đã dẫn tới sự hình thành phương thức bóc lột thuộc

địa, đảm bảo siêu lợi nhuận tối đa cho thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Trong bối cảnh đó, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX bắt đầu có sự thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh các tầng lớp, giai cấp đại diện cho xã hội Việt Nam truyền thống, những giai cấp mới ra đời cũng có sự phát triển và phân hóa ngày càng rõ hơn.

Với phương thức hoạt động của tư bản thực dân Pháp ở Việt Nam là tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng tới mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động cơ giới, kết hợp bóc lột tư bản chủ nghĩa với bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa, sao cho chi phí sản xuất giảm xuống mức thấp nhất để thu được lợi nhuận cao nhất. Mục đích của thực dân Pháp là tạo ra tầng lớp vô sản làm thuê ngày đông đảo nhằm phục vụ cho chính sách khai thác kinh tế của chúng. Giai cấp công nhân Việt Nam là sản phẩm của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Giai cấp công nhân ra đời rất sớm, sớm hơn cả giai cấp tư sản Việt Nam. Họ làm việc trong một số cơ sở xí nghiệp, đồn điền, nhà máy và thành phố để phục vụ cho công cuộc xâm lược và đô hộ nước ta của bọn chúng. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa cùng với chính sách bóc lột, cướp đoạt của thực dân Pháp và thế lực phong kiến đã tạo điều kiện khách quan cho giai cấp tư sản Việt Nam hình thành và phát triển.

1.3.2.Giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận là tư sản dân tộc và tư sản mại bản

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của giai cấp tư sản việt nam đối với phong trào cách mạng thời kì 1919 1945 (Trang 28)