3.2.1. Nguyên nhân khách quan 3.2.1.1. Thiếu thông tin
Thiếu thông tin ở khối DNNN là chuyện đã được đề cập từ lâu nay. Ngay cả những bài báo thuộc đối tượng khảo sát của đề tài cũng thể hiện rõ điều đó. Trên BĐT: “Khó đánh giá Thông tin DNNN” [7, (142), tr3]; “DNNN muốn tiếp nhận khoản hỗ trợ từ ADB: Phải minh bạch thông tin” [7, (148), tr6]; Trên TBKTSG:
“Đầu tư ngoài ngành mỗi cơ quan một con số” [7, (34), tr3]; “Khó tiếp cận số liệu nợ công” [7, (34), tr48]; “Vì sao DNNN khó minh bạch thông tin” [8, (25), tr16-17]; “Có ép được DNNN minh bạch thông tin” [8, (28), tr18-19]; Trên TCTCDN :
“Minh bạch thông tin về nợ: Xưa như diễm” [51, (11), tr34-35]… Việc thiếu minh bạch thông tin về DNNN vốn có nhiều nguyên nhân. Ở khía cạnh tích cực người ta giải thích là: Liên quan an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, sợ lộ bí mật kinh
doanh của DN. Ở chiều ngược lại nhiều người cho rằng do có lợi ích nhóm nên bưng bít thông tin, tù mù để trục lợi…
Đây được xem là một nguyên nhân căn bản khiến báo chí thiếu đi những thông tin hấp dẫn, độc đáo.
Ông Bùi Đức Hải nói: “Các DNNN trong giai đoạn TCC hiện nay phần lớn là các DN quy mô lớn, nên có những phức tạp trong thực hiện TCC. Việc tiếp cận thông tin không dễ”, [Phụ lục 3.4.5].
Đồng tình quan điểm này, Nhà báo Hoàng Tư Giang – TBKTSG cho biết: “Nguyên nhân chính là việc khó tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, một sự kiện lớn về DNNN thường do Ban Đổi mới sắp xếp DN (thuộc Văn phòng Chính phủ) đứng ra tổ chức. Và Ban này thông thường cũng chỉ mời 3-5 báo. Còn lại các phóng viên báo khác không được vào, không có cơ hội tiếp cận thông tin thì không thể viết hay được” [Phụ lục 3.3.3]. Với những thông tincụ thể từ DN, ông Giang cho biết thêm: “Đây là mối chằng chịt thông tin, mù mờ khó tiếp cận. Có tiếp cận được cũng không kiểm chứng được nên không dám đăng”.
Nhà báo Tạ Thị Thu Hằng cũng chia sẻ: “Hiện tôi được giao nhiệm vụ theo dõi mảng nợ DNNN trong quá trình TCC, khó khăn lớn nhất là tiếp cận với DN. Kể từ khi triển khai Quyết định 929/2012/QĐ-TTg, việc công bố thông tin về các khoản nợ của DNNN đã được cải thiện. Tuy nhiên, để có được báo cáo cơ cấu nợ của DN cụ thể nào đó là vô cùng khó khăn. Mặt khác, mặc dù số lượng các DN đã được DATC xử lý nợ TCC tương đối lớn, nhưng việc tiếp xúc để làm rõ quá trình đơn vị này tham gia xử lý nợ cũng rất hạn chế.” [Phụ lục 3.5.3].
Trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, trên thực tế việc chấp hành các văn bản này chưa thực sự tốt.
Ngay cả một số cơ quan hành chính nhà nước, địa phương, hiểu về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho bao chí cũng chưa đầy đủ, thực hiện chưa nghiêm túc nên đã gây khó khăn cho phóng viên khi tác nghiệp. Nhiều trường hợp
thông tin cung cấp cho báo chí chậm, thiếu sự định hướng, thậm chí có trường hợp cung cấp thông tin nửa vời, tạo ra sự nhiễu loạn thông tin. Bên cạnh đó, nhiều DNNN còn gây khó khăn trong việc tác nghiệp của phóng viên khi không cấp đầy đủ thông tin, hoặc những người có trách nhiệm của đơn vị tránh mặt báo chí, không ra mặt phát ngôn hoặc không có thái độ hợp tác với báo chí.
Lý giải về tình trạng đói thông tin của phóng viên, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Có thể cơ quan nhà nước và DN lo ngại việc thông tin của báo chí không chuẩn xác gây mất uy tín và tạo ra sự bất lợi cho DN.” [Phụ lục 3.2.3]. Do vậy, các phóng viên chuyển tải thông tin cần thận trọng để đảm bảo thông tin chuẩn xác, tránh mất lòng tin lẫn nhau.
3.2.1.2. Đề tài khó, vĩ mô, nhiều quan điểm khác nhau
Đây có lẽ nguyên nhân khiến nhiều tòa soạn né tránh, ít phóng viên dám đương đầu. Độ khó của TCC DNNN đã được đề cập từ lâu và ở một số nước cũng không thành công. Một số nước sau đó tư nhân hóa rất nhanh như Nga.
Ở nước ta, quan điểm ngay tại Hiến pháp - đạo luật gốc nói về kinh tế nhà nước (trong đó DNNN là chủ lực) vốn gĩ đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau, thậm chí tranh cãi rất gay gắt. Hiến pháp hiến định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trong lúc đó, rất nhiều chuyên gia, nhân sĩ, thậm chí cả nhiều nhà quản lý nhà nước cũng không đồng tình quan điểm này. Lập luận phản biện lại quan điểm này là vì trải qua thời gian dài DNNN không thể hiện được điều đó dù được ưu ái nhiều nguồn lực.
Vấn đề thứ hai là xác định vai trò, vị trí của DN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Duy Long – Thành viên Ban soạn thảo Đề án TCC DNNN cho biết: Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất trong quá trình thảo luận. Chính phủ, Bộ Tài chính luôn nhấn mạnh quan điểm: "Phải quán triệt chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN”. Thế nhưng, không ít chuyên gia đề xuất thay đổi quan điểm này. Vì theo TS. Trần Đình Thiên: Kinh nghiệm thế giới cho thấy các nhà nước đều có đầy đủ quyền lực như thuế, chính
sách xuất nhập khẩu, thậm chí ra luật cấm một số hành vi kinh doanh... để tác động đến thị trường.Nếu chính sách tốt, DN nào cũng có thể là công cụ điều tiết của nhà nước.
Tiếp đến là cơ quan quản lý, giám sát DNNN. Một số ý kiến đề xuất thành lập cơ quan ngang bộ, làm đầu mối, quản lý giám sát toàn bộ DNNN. Số khác lại cho rằng phải bộ quản lý ngành mới có đủ chuyên sâu; cũng có ý kiến cho là tài chính của DN là vấn đề số một, do vậy để tránh thất thoát, lãng phí cơ quan quản lý phải là cấp Tổng cục thuộc Bộ Tài chính.
Hay vấn đề minh bạch, công bố thông tin cũng vậy, đến nay, Chính phủ vẫn áp dụng mức công bố thông tin có “vùng cấm”. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng chính đó là nguyên nhân làm DNNN kém phát triển. DNNN phải công khai toàn bộ mọi hoạt động, và minh bạch tài chính như DN trên sàn chứng khoán để tạo động lực phát triển…vv
Các vấn đề đó đều ở tầm vĩ mô, ngay cả các chuyên gia cũng đau đầu và khó thống nhất. Khi vấn đề này được đặt ra vẫn còn nhiều quan điểm, ý tưởng khác nhau, chưa thống nhất về mặt tư tưởng, lý luận nên dẫn đến hành động cụ thể chưa rõ ràng. Và báo chí cũng cũng nằm trong tình trạng đó. Rất khó để ban biên tập xác định được đâu là hướng đúng để định hướng thông tin, dư luận. Mặt khác do đây là vấn đề “đao to, búa lớn” nên về mặt bằng chung người dân cũng chưa thể đón nhận được hết, hiểu hết. Do vậy, họ không mặn mà tiếp cận bằng các thông tin rất gần cuộc sống của mình như: giá xăng tăng, giá điện tăng, giá sữa tăng… Đây cũng là lý do để báo chí né đề tài này.
Nhà báo Lê Thanh cho biết: “Đây là vấn đề khá vĩ mô, bạn đọc ở Tuổi trẻ không quan tâm nhiều so với những thông tin về thị trường. Đấy là một trong những lý do chính mà Tuổi trẻ khó làm đậm chủ đề TCC DNNN” [Phụ lục 3.6.1]
Ở BĐT, ông Bùi Đức Hải cũng thừa nhận: “Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến cả quan điểm, tư duy từ các cấp lãnh đạo. Trong 3 năm thực hiện đề án TCC nền kinh tế, TCC DNNN, có không ít nội dung có sự thay đổi mạnh mẽ, như liên
quan đến thoái vốn trong DNNN, cách thức tiến hành CPH … Thêm vào đó, năng lực của phóng viên trên các lĩnh vực chưa đồng đều, chưa phối hợp tốt…”
Nhà báo Hoàng Tư Giang cũng đồng quan điểm này: “Đây là đề tài khó, dễ nhàm chán. Còn vấn đề thu hút, hấp dẫn thì không làm được vì không có thông tin” [Phụ lục 3.3.5].
3.2.2. Nguyên nhân chủ quan
3.2.2.1.Quan điểm của Ban Biên tập
Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin của lãnh đạo một số cơ quan báo chí đôi lúc còn chưa thật chủ động, thiếu nhạy bén, lúng túng chạy theo sự vụ, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng chính trị trong nội dung thông tin… nên để xảy ra trường hợp nặng nhẹ trong việc tuyên truyền về các vấn đề TCC nền kinh tế, một chủ đề được nhìn nhận là có nhiều dư địa để các cơ quan báo chí tổ chức được những tuyến bài phong phú về nội dung và đang dạng về hình thức thể hiện. Một số cơ quan báo chí chưa chủ trương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, cào bằng trong cách trả nhuận bút theo lượng chữ, hoặc tin/bài…
Như trên đã phân tích, do đây là vấn đề khó, vĩ mô, nên có báo chủ trương không đi sâu vào lĩnh vực này. “Ban Biên tập BTT không phân công phóng viên theo dõi riêng cho mảng này. Mỗi phóng viên phụ trách thông tin của ngành, địa phương sẽ theo dõi và đưa thông tin về lĩnh vực mà mình phụ trách”, [Phụ lục 3.6.1]. Theo đó, phóng viên theo dõi Bộ Giao thông Vận tải sẽ nắm thông tin TCC DNNN ngành giao thông; Phóng viên theo Bộ Xây dựng, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng vậy. Điều này có thể có lợi cho việc thông tin tuyên truyền về các lĩnh vực cụ thể, nhưng với chủ trương khó này thì phóng viên lại rất có được chuyên sâu, rất khó có được thông tin (vốn gĩ đã rất khó tiếp cận) nên tin bài hoặc ít, hoặc không hấp dẫn là điều dễ hiểu.
BTT chủ yếu đi vào các tin dân sinh, không khuyến khích đưa tin vĩ mô, do vậy kén đề tài này và không có chủ trương thực sự thúc đẩy phóng viên viết lĩnh vực này.
Ban Biên tập TBKTSG cũng không phân công cụ thể cho phóng viên theo dõi riêng vấn đề TCC DNNN. Bên cạnh đó, đáng quan tâm hơn là quan điểm của Ban Biên tập báo trong việc tuyên truyền được cố định: “Thúc đẩy cải cải cách DNNN theo hướng CPH để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân” [Phụ lục 3.3.1]. Quan điểm này không sai với đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chủ trương này đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng việc xác lập lộ trình cụ thể mốc thời gian DN phải CPH , thoái vốn… Tuy nhiên, việc “cố định” quan điểm “thúc đẩy” sẽ khiến phóng viên chỉ theo đuổi mục tiêu này. Thời gian vừa qua do thị trường chứng khoán ảm đạm, việc bán vốn rất khó. Vì nóng vội thực hiện mà nhiều bài báo đã kêu gọi việc bán rẻ, bán tháo… Điều này nếu được thực hiện sẽ dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước, nhân dân, đồng thời bán “nhầm” cho các cổ đông chiến lược mà thực chất đó là đối thủ đang chờ cơ hội thâu tóm DN, thương hiệu Việt như đã phân trích ở trên.
Ở BĐT, thông tin về chủ đề này được quan tâm, thể hiện rõ ở tin bài khá nhiều. Thế nhưng, qua khảo sát BĐT trong một thời gian dài cho thấy, Ban Biên tập dường như không có chủ trương hoặc hạn chế thông tin mặt sai trái, vi phạm pháp luật… Điều này thể hiện ở việc vắng bóng các bái phóng sự điều tra về tình hình hoạt động của các DN, đặc biệt là DNNN, một thể loại vốn gĩ rất hấp dẫn bạn đọc. Đây cũng là quan điểm chung của các báo.
3.2.2.2. Trình độ biên tập viên, phóng viên còn hạn chế
Nhận xét về trình độ phóng viên ông Bùi Đức Hải cho rằng: “Năng lực của phóng viên trên các lĩnh vực chưa đồng đều, chưa phối hợp tốt…” [Phụ lục 3.4.5]
Thực tế cho thấy, hầu hết các phóng viên kinh tế hiện nay được đào tạo chuyên ngành báo chí, nên kiến thức kinh tế chuyên sâu còn yếu, hoặc ngược lại, được đào tạo chuyên về kinh tế lại non kém về nghiệp vụ báo chí. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức. Khảo sát tại TCTCDN cho thấy, cơ quan có 09 người, nhưng duy nhất chỉ có 01 người học báo chí còn lại học trái ngành như kế toán, văn học, chính trị học.