Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài hình sự được áp dụng từ xa xưa trong xã hội loài người và nó được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay ở khá nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, sự tồn tại của hình phạt tử hình gắn liền với lịch sử đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ đất nước từ thời phong kiến và xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh của đất nước qua các thời kỳ. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, hình phạt này đã đem lại những tác dụng nhất định trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; việc áp dụng đúng đắn hình phạt tử hình được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an nói: “Việc áp dụng hình phạt tử hình thời gian qua thực sự có tác dụng trấn áp và răn đe kẻ phạm tội. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm đã phải thú nhận là chính mối lo sợ bị kết án tử hình đã ngăn chúng không tiếp tục phạm tội ở mức nguy hiểm hơn”. Thực tế cho thấy, trong một số nhóm tội phạm nghiêm trọng về ma túy, giết người... bọn tội phạm luôn có xu hướng đối phó với việc nếu bị bắt, bị truy tố sẽ bị tử hình bằng cách che giấu hoặc lẩn tránh những tình tiết khiến phải chịu hình phạt cao nhất. Một điểm “đặc thù” của Việt Nam là hằng năm các phạm nhân được xét ân xá, đặc xá... Do đó, giới tội phạm cho rằng: “Chỉ có hình phạt tử hình là thực sự đáng sợ”. Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh kết luận: “Duy trì hình phạt tử hình hiện nay là phù hợp”. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, sẽ thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Bên cạnh đó cũng phải nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, luật sư để giảm tối đa các trường hợp bị xét xử oan, sai dẫn đến có thể có những án tử hình oan uổng hoặc là không được chú ý xem xét các tình tiết, bằng chứng có thể giảm nhẹ tội giúp họ có thể thoát khỏi án tử hình.
Tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án. Hơn nữa, không có một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai. Việc oan sai trong việc áp dụng hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do thì có thể khắc phục được còn oan sai trong việc áp dụng hình phạt tử hình (nhất là trường hợp đã thi hành) thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. Do vậy, cùng với sự phát triển văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng ngày càng được đề cao trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên, Hiến pháp quy định một điều riêng về bảo vệ quyền sống “mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật” (Điều 19) thì việc nghiên cứu giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình là yêu cầu tất yếu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 08/NQ-TW [02/01/2002/Bộ Chính trị] về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và tại Nghị quyết số 49/NQ-TW [02/6/2005/Bộ Chính trị] về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp vẫn khẳng định “thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua đã đem lại tác dụng trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật”.
Sau một thời gian tạm hoãn thi hành án tử hình Việt Nam tiếp tục thi hành án tử hình hồi tháng 8 năm 2013 sau hơn 1 năm rưỡi tạm ngưng và chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc thay vì xử bắn như trước đây, viện dẫn lý do nhân đạo. Sự tạm hoãn này xuất phát từ những khó khăn trong khâu nhập khẩu độc dược từ Liên hiệp Châu Âu. Bởi hầu hết các nước Châu Âu cho rằng dược phẩm là để cứu người chứ không dùng để giết người. Từ năm 2013, sau một thời gian hoãn, do thay đổi phương thức tử hình, tiêm thuốc độc thay vì bắn, Việt Nam đã bắt đầu thi hành án tử hình trở lại. Trong việc thi hành án tử hình này cũng có một số lùm xùm nhất định, khi tại tỉnh Phú Yên, một số bác sĩ không phải là chuyên gia về thực thi
án tử hình bị buộc phải tham gia và họ đã phản ứng. Người được phân công làm nhiệm vụ là bác sĩ trẻ L.C.T (mới công tác được 4 tháng) và điều dưỡng N.N.T của Khoa hồi sức tích cực - Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Sau đó một thời gian, họ vẫn còn ám ảnh vì lần đầu tiên trong đời buộc phải làm một việc trái với đạo đức nghề nghiệp. “Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người, chứ không ai quy định xử tử phạm nhân bằng thuộc độc”, Bác sỹ T nói. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có những người thuộc lực lượng thi hành án tử hình và những người chuyên nghiệp thì mới được tham gia.
Thời gian chờ thuốc khiến việc thi hành án tử hình bị trì hoãn, phạm nhân phải sống trong những ngày tháng chờ đợi khiến họ nuôi thêm hi vọng được sống tiếp, không phải chấp hành án tử hình. Vì chưa có thuốc nên đến nay có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng. Theo số liệu của ngành tư pháp, năm 2013 trong thời gian chờ thi hành án tử hình bằng thuốc độc, có 3 tử tội đã tự tử vì quá căng thẳng, 3 người khác chết vì bệnh tật. Ngành kiểm sát thừa nhận sự chậm trễ này đã gây áp lực lên hai phía, phía cơ quan giam giữ và phía tử tội. Đặc biệt trong thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về trường hợp sau hơn 4 năm mới được thi hành án tử hình như phạm nhân Nguyễn Đức Nghĩa. Nguyễn Đức Nghĩa (sinh năm 1984, ở phường Lãm Hà, Kiến An, TP. Hải Phòng), hung thủ trong vụ án giết người, chặt đầu, chặt tay, phi tang gây chấn động dư luận trong một thời gian dài, đã bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc tại trại tạm giam số 1 (Hà Nội) vào chiều ngày 22/7/2014. Vụ án này xảy ra cách đây hơn 4 năm, Nguyễn Đức Nghĩa bị tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tuyên án tử hình vào tháng 11/2010 về tội Giết người, cướp tài sản vì cho rằng tội ác của Nghĩa là quá man rợ và cần phải có bản án đích đáng. Khi biết về thông tin này, chắc rằng sẽ không có mấy ai cảm thấy “vui” được, mà sẽ thấy xót xa cho một người trẻ tuổi trót lầm lỡ nhiều hơn. Cô gái là nạn nhân của vụ án này và cả Nghĩa cũng đã đi rồi, nhưng tổn thất nặng nề nhất vẫn còn trong những người ở lại. Thiết nghĩ, vậy tại sao xã hội và pháp luật không mở lòng ra để cho họ thêm một cơ hội được sửa sai và làm lại cuộc đời.
Một vấn đề khác mà chắc hẳn tất cả mọi người đều biết, đó là khi đã thi hành án rồi thì không thể khắc phục được nếu có sai sót. Trong khi đó, không có một tòa án nào có thể khẳng định rằng mình đã, đang và sẽ không mắc một sai lầm nào cả. Khi nói đến những vụ “tử hình oan” chấn động nước Mỹ, chúng ta không thể bỏ qua vụ án Cameron Todd
Willingham. Willingham bị hành quyết năm 2004 vì tội cố tình giết hại 3 con gái bằng cách đốt căn nhà của gia đình ở Corsicana, Texas. Các điều tra viên hiện trường thời điểm bấy giờ khẳng định, hung thủ cố tình gây ra đám cháy thiêu rụi căn nhà. Tuy nhiên, Willingham một mực khẳng định mình vô tội và yêu cầu mở lại vụ án trong nhiều năm nhưng không được chấp thuận. Đến năm 2009, khi Viện khoa học pháp y Texas quyết định xem xét lại chứng cứ vụ án. Viện đã khẳng định, các điều tra viên đã đánh giá sai vụ án trong khi lực lượng cứu hỏa Corsicana cẩu thả trong quá trình thu thập chứng cứ.
Hay ngay ở Việt Nam, một vụ “oan sai” gây sóng gió dư luận trong thời gian vừa qua của ông Nguyễn Thanh Chấn đã cho thấy việc khắc phục hậu quả của những sai sót khi kết án một người là vô cùng khó khăn. May mắn đã dừng lại ở chỗ ông Chấn mới chỉ bị kết án tù chung thân, vậy nếu xảy ra trường hợp “tử hình oan”, khi mà quyền được sống của một con người đã bị xâm phạm nghiêm trọng thì những “người” làm sai không thể nào khắc phục được hậu quả xảy ra khi tính mạng con người không còn tồn tại, đền bù bằng vật chất cũng không thể bù đắp lại được những mất mát về con người.
Một vấn đề nữa cần được nhắc tới, đó là trong Bộ luật Hình sự hiện hành có tồn tại một số tội danh mà trên thực tế trường hợp áp dụng dường như bằng không. Ví dụ như: Tội phá hoại cơ sở vật chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 85); tội cướp tài sản (Điều 133); tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193); Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 194); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231).... Nếu trên thực tế điều tra, xét xử không có những trường hợp phạm tội tới khung hình phạt tử hình được quy định tại các điều khoản trên thì việc tồn tại chế tài đấy trong Bộ luật là không cần thiết. Quy định này bỗng nhiên trở thành một quy định thừa trong pháp luật.
Cuối tháng 3/2014, tổ chức Ân xá Quốc tế vừa công bố báo cáo thường niên về án tử hình trên thế giới năm 2013. Trong phần nói về Việt Nam, báo cáo này cho biết là, sau 18 tháng tạm ngưng, tháng 8/2013, Việt Nam hành quyết trở lại một tử tù, cụ thể là phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn, bị kết án năm 2010 về tội sát nhân, đã bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc. Sau đó, có ít nhất 6 tử tù khác đã bị hành quyết năm ngoái.
Tại phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội sáng 13/3/2015, nhiều đại biểu đã đề cập đến các vụ án nổi cộm thời gian qua được dư luận quan tâm như: Hồ Duy Hải, Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng... Những vụ án này, nằm trong khung hình phạt tử hình nhưng đều có dấu hiệu oan sai rõ rệt. Bởi vậy, dư luận xã hội ngày càng quan tâm tới vấn đề tử hình trong pháp luật Hình sự Việt Nam. Đối với những phạm nhân đã thi hành án tử hình, nếu bị oan, việc khắc phục sai lầm tư pháp được đánh giá là vấn đề cực kì khó khăn.