Vài nét về sự chuyển biến trong phương thức biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con ngườ

Một phần của tài liệu TÓM tắt đề CƯƠNG CHUYÊN đề QUAN NIỆM NGHỆ THUẬVỀ CON NGƯỜI TRONG văn học VIỆT NAMTỪ CÁCH MẠNG THÁNG tám 1945 đến NAY (Trang 27 - 29)

buồng đôi, đón được người dâu hiền thảo, nhưng mười mấy năm trời cau vô ý trổ buồng đôi

trước mắt mẹ. Nỗi đau đớn của mẹ khiến cho nhà thơ cảm thấy xót xa, và trong khoảnh khắc của tâm linh tương thông, thi nhân đã cất lời năn nỉ: Các anh về với mẹ một đêm thôi/Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt/Cho nồi cơm lại thêm một lần đầy đặn/Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm/Nếu các anh về không hóa được thành người/Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp/Hóa chủ các con dưới ao nhà đợi mẹ/Hóa tiếng Thạch Sùng thưa gọi mẹ trong mơ. Có rất nhiều những cuộc đối thoại tâm linh như thế trong dòng thơ hiện đại: Bài thơ riêng cho những người chết (Phùng Khắc Bắc), Thánh Gióng trở về (Đỗ Minh Tuấn),… Những linh cảm thần bí, sự giao cảm âm dương, sự chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác… cũng là mối quan tâm lớn của các nhà văn: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Y Ban, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương,… Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) hàng đêm vẫn nghe thấy Can trở về thì thào bên tai, cái xác bỗng chốc hóa thành làn khói trắng. Võ Thị Hảo lại khai thác con người tâm linh ở góc độ chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác. Trong Giàn thiêu, tác giả đã xây dựng nhân vật Từ Lộ trong hai kiếp. Kiếp đầu là hình ảnh của nhà sư Đạo Hạnh, ban đầu là một công tử con quan sinh ra chỉ biết đọc sách, đánh cờ, thổi tiêu,... Nhưng sau đó tai họa ập đến gia đình, chàng nguyện sống để trả thù cho cha. Lặn lội đến Tây Trúc xa xôi để cốt rèn được phép thuật cao cường trờ về báo thù nhà, chàng thú nhận rằng vẫn không thể rời bỏ cõi vô minh, vẫn chọn con đường nặng nợ luân hồi lạc kiếp. Đại sư Đạo Hạnh tiếp tục đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, sinh ra ở kiếp thứ hai làm công tử Lý Dương Hoán, hưởng thụ lạc thú xa hoa, tà dâm vô độ, theo đuổi tham vọng không cùng. Những chi tiết kì lạ về sự đầu thai của Từ Lộ, ánh mắt khác thường khi Dương Hoán còn nhỏ, sự biến đổi của vua qua lốt hổ, giọt nước mắt chữa bệnh của sư bà, cái chết của vua,… tạo nên sự bí ẩn của con người mà văn học trước đó chưa khai phá.

Con người tâm linh đã minh chứng cho sự bí ẩn, đa chiều của con người trong văn học sau 1975. Đi sâu vào những vùng mờ tiềm thức ấy, các tác giả đã mở ra khả năng khám phá thế giới tâm hồn và nhân cách phức tạp của con người, lí giải được những hiện tượng kì lạ, thể hiện cảm quan về một xã hội hiện đại đầy bất trắc, đứt gãy, cảnh tỉnh và hơn hết là hướng con người đến những giá trị nhân bản cao đẹp.

c. Vài nét về sự chuyển biến trong phương thức biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con người người

Sự thay đổi trong quan niệm về con người đã dẫn đến những cách tân trong nghệ thuật biểu hiện mà trước hết phải kể đến các yếu tố như cấu trúc, kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật khác.

Về cấu trúc: Để đưa con người khám phá những vùng đất sâu thẳm trong tâm hồn, nhiều tác giả thơ Việt sau 1975 chủ trương thay đổi cấu trúc thơ truyền thống, xóa bỏ tính liên tục của cấu trúc thơ tuyến tính, tạo nên sự đứt quãng, không liền mạch, những bước nhảy vọt về ý, không theo logic thông thường giống như những mảnh ghép được cắt dán, ghép lại với nhau, nhiều khi hờ hững, chẳng hạn như những câu thơ của Hoàng Hưng: Ai đi sương, tóc dạ, lông, chìm/Những tiếng dài, rộng, gió, và cây, nhà, khối tượng, đá, hoa, sương. Hình ảnh chồng chéo lên nhau, đầy sự bất ngờ, phi lí, khó hiểu của dòng vô thức, tựa như được ghép lại bởi rất nhiều cảm giác xuất hiện trong giấc mơ. Trong văn xuôi đặc biệt là truyện ngắn, tiểu thuyết, các nhà văn cũng tạo nên sự bất ngờ về mặt kết cấu khi thể hiện con người. Nếu như trước 1975, hai kiểu kết cấu được tập chung chú ý là kết cấu sự kiện và tâm lí thì sang những năm sau 1975, với quan

niệm về con người đa chiều, phức tạp, con người trong tính không hoàn tất của nó, xu hướng sử dụng kiểu kết cấu lắp ghép, lỏng lẻo, cấu trúc mở trở nên rất phổ biến. Trong tác phẩm chúng ta thấy có sự đảo lộn trật tự thời gian, không tuân theo quy luật nhân quả thông thường, thậm chí chỉ là những mảnh ghép rời rạc tạo nên kiểu kết cấu theo dòng ý thức, kết cấu phân mảnh (Phiên chợ Giát, Nỗi buồn chiến tranh, Thiên sứ, Tướng về hưu, Không có vua…), kết cấu truyện lồng trong truyện…

Về giọng điệu: Văn học trước 1945 – 1975 tương đối nhất quán về giọng điệu. Bao trùm lên tất cả là giọng trang trọng, ngợi ca, tin tưởng. Nhưng sau năm 1975, để thể hiện con người đời thường, con người cá nhân phức tạp, bí ẩn, giọng điệu thơ văn cũng có nhiều chuyển biến, không còn là một giọng thống nhất mà là đa giọng điệu.

Trong thơ, xuất hiện giọng chế giễu, hoài nghi, chua chát, tự thú,… đặc biệt là trong những năm cuối thập kỉ 70, đầu những năm 80. Chưa bao giờ người ta thấy trong thơ nhiều bi kịch, nhiều nỗi buồn đến thế đến thế. Bằng giọng xót xa, Nguyễn Duy Từ xa nhìn về Tổ quốc đã nói lên được biết bao cay đắng, nhọc nhằn cũng như những nỗi bất hạnh trong cuộc sống của con người. Nhiều nhà thơ thấy lo âu, niềm tin đổ vỡ, hoài nghi Niềm tin ơi/Xin đừng rơi như lá rụng trái mùa (Hoàng Trần Cương), Tôi chẳng sợ cuộc chiến tranh trong hòa bình/Nhưng lòng tin, tôi có lúc đói lòng tin/Tim tôi gióng hồi chuông cấp báo/Tôi đã đồng hành cùng gió bão/biết mặt từng đám mây khi giông tố nổi lên/Nhưng cuộc đời ôi thật mênh mông (Thu Bồn). Giọng điệu tự thú cũng là sắc thái xuất hiện khá nhiều trong thơ. Đó là Nguyễn Duy với tiếng thơ thẳng thắn, chân thành, tự phán xét, cảnh tỉnh trước những đổi thay của con người sau khi hòa bình lập lại. Những bài thơ như Đò lèn, Ánh trăng đều chứa đựng sự dằn vặt, tự thú, ăn năn của nhà thơ.

Văn xuôi cũng ghi nhận sự nở rộ của nhiều giọng điệu. Đó là giọng trầm tĩnh, đầy chiêm nghiệm, suy ngẫm trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu,… Ở Bức tranh giọng điệu này thể hiện rõ khi người họa sĩ tự vấn lương tâm của chính mình. Và anh ta đã rút ra quan niệm sống ở đời cho thế nào thì nhận thế ấy. Giọng tranh biện, đối thoại là sắc thái nổi bật trong tác phẩm của Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ… Các nhà văn đã tạo ra một không khí đối thoại dân chủ, lời nói của nhân vật được công khai và tự nhân vật thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề của cuộc sống như ý nghĩa cuộc đời, sự lựa chọn cách sống, kế mưu sinh, đạo đức, lương tâm,… Bên cạnh đó là giọng giễu nhại, hoài nghi trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, giọng triết lí trong tác phẩm của Nguyễn Khải,…

Về ngôn ngữ: Sau năm 1975, văn học quay trở về với quỹ đạo đời thường, đi sâu vào đời sống cá nhân, đó cũng chính là lí do mà các tác giả thời kì này ý thức đưa ngôn ngữ đời sống vào tác phẩm. Khước từ quan niệm thánh hóa văn chương, thứ ngôn ngữ suồng sã, thông tục, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày ùa vào văn học. Khác với thời kì trước, ngôn ngữ trong văn học sau 1975 không nhằm thể hiện đời sống, tâm tư, tình cảm của quần chúng trong sự ngợi ca, tự hào mà để thể hiện những khía cạnh gai góc, thô nhám, trần trụi của cuộc đời con người với nhiều hoang mang, bế tắc, hoài nghi, đổ vỡ. Trong thơ, những cách nói kiểu xẩm ngang, và giọng điệu bụi bặm đã khiến thơ trở nên tếu táo, tăng thêm chất giễu nhại. Tiêu biểu cho hướng đi này là Nguyễn Duy: Tạnh men là tạnh la đà/Tạnh cơn một bóng ảo ra chính mình/Phàm trần bớt chút lung linh/Các em bớt xinh xinh mấy phần (Kiêng). Trong văn xuôi, ngôn ngữ đời thường của nhiều tầng lớp đều dược khai thác, đưa vào trong văn học. Hãy nghe cách nói của lớp trẻ ngày nay: Này, các em đi Tây cần phải đề cao cảnh giác đấy nhé. Nhỡ học ở nơi nó không cho nạo thai là “bó tay.com” luôn đó (Những mảnh hồn trần, Đặng Thân). Và đây là ngôn ngữ của cô Thủy – tầng lớp trí thức nói với chồng Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ (Tướng về hưu, Nguyễn

Huy Thiệp). Những ngôn ngữ bỗ bã, thông tục kiểu như lười như hủi, đồ ruồi nhặng, đồ dê cụ, con ác phụ, con dâm phụ,… đầy trong các tác phẩm văn chương. Có thể nói ngôn ngữ dù đời thường hóa nhưng vẫn mang tính cá thể cao độ góp phần thể hiện được hình ảnh con người cá nhân trong văn học thời kì này.

Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người cũng kéo theo sự chuyển đổi từ ngôn ngữ một giọng trong văn học trước 75 sang ngôn ngữ đối thoại, đa thanh, nhiều giọng trong văn học sau 75. Ở đó có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ của nhân vật với ngôn ngữ của tác giả, ngôn ngữ của người kể chuyện, ngày càng có nhiều hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất, nhân vật xưng tôi để kể chuyện về mình và về người khác. Nguyễn Minh Châu là nhà văn thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ đa thanh để thể hiện con người cá nhân. Phiên chợ Giát có sự đan chéo của nhiều đối thoại và đối thoại bên trong tâm linh sâu thẳm của nhân vật lão Khúng. Lão đối thoại với chính mình, với vũ trụ hoang vu, với người con trai đã chết trận, với bò khoang – người bạn nhọc nhằn, hay chính là sự phân thân của lão. Nguyễn Huy Thiệp cũng tìm đến với ngôn ngữ có tính chất đa thanh và được thể hiện rõ nhất trong những tình huống đối thoại. Đây là một cuộc trò chuyện của ông Thuấn và con cháu: Cái Mi, cái Vi chào ông. Cái Mi hỏi: “Ông đi ra trận hả ông?”. Cha tôi bảo “Ừ”. Cái Vi hỏi: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm phải không ông?”. Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”. Lời của đứa trẻ không đáng trách nhưng suy nghĩ của nó không trùng với suy nghĩ của ông Thuấn. Nếu đặt vào hoàn cảnh những năm 60, khi cả nước lên đường đánh giặc trong không khí hồ hởi, phấn chấn thì câu nói này hoàn toàn đúng. Nhưng nếu đặt nó vào hoàn cảnh xã hội những năm 80 thì sẽ nhận được tiếng cười nhộn hay thâm thúy. Như vậy, rõ ràng là ở đây, người kể chuyện không định hướng cho người đọc, không nói ai đúng, ai sai mà chỉ tạo ra một sự đối thoại ngầm giữa hai cách nghĩ, hai tư duy ngôn ngữ của hai thời đại khác nhau. Điều đó cũng tạo nên tính đa thanh cho ngôn ngữ văn học thời kì này.

Trong thơ, tính chất đa thanh, nhiều giọng của ngôn ngữ cũng khá rõ cho thấy tính chất phức tạp của con người cá nhân trong xã hội. Tính chất đa thanh được thể hiện ở chỗ nhân vật không bộc lộ một chiều mà luôn có sự đối thoại giữa các giọng nhân vật. Sự thức tỉnh của Nguyễn Duy là kết quả của một quá trình đối thoại, đấu tranh giữa cảm nhận trong hiện tại và tư tưởng, tình cảm trong quá khứ: Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực/Giữa bà tôi và tiên phật thánh thần/Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế (Đò Lèn). Không chỉ đối thoại giữa những thang giá trị như hiện tại – quá khứ, huyền thoại – cuộc đời, cá nhân – xã hội, tính chất đa giọng còn có được do sự phân thân ngay trong chính tác giả. Di cảo thơ của Chế Lan Viên nổi bật với ý thức đối thoại mạnh mẽ để tự phê phán mình, giễu cợt mỉa mai lối sống giả tạo không dám là mình:

Người diễn viên ấy đóng trăm vai vai nào cũng giỏi/Chỉ một vai không đóng nổi/- Vai mình/(…) Anh đóng giỏi trăm vai lại đánh mất vai mình (Thơ về thơ).

Như vậy sự thay đổi quan niệm về con người, với các kiểu con người phong phú, đa dạng của văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã dẫn đến nhiều cách tân trong nghệ thuật biểu hiện. Trên đây chỉ là những nét khái quát, chưa đầy đủ nhưng một phần nào đó đã chứng minh được vai trò quan trọng của quan niệm con người đối với sự phát triển của văn học trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

Một phần của tài liệu TÓM tắt đề CƯƠNG CHUYÊN đề QUAN NIỆM NGHỆ THUẬVỀ CON NGƯỜI TRONG văn học VIỆT NAMTỪ CÁCH MẠNG THÁNG tám 1945 đến NAY (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(35 trang)
w