III. CƠ CHẾ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI CỦA TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VÀ HIỆU QUẢ XÃ HỘI MANG LẠ
2. Hiệu quả của việc trợ giúp pháp lý và những vấn đề còn tồn tạ
2.2. Một số quy định pháp luật về quyền trợ giúp pháp lý còn bất cập
Thứ nhất, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2006, người thuộc diện trợ giúp pháp lý bao gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa. Vì vậy, một số đối tượng khác có khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật và bảo vệ quyền chưa thuộc diện trợ giúp pháp lý. Trước hết, đó là những người thuộc hộ cận nghèo, có đời sống khó khăn, khó có khả năng chi trả cho các dịch vụ pháp lý có thu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt pháp lý.
Dưới góc độ về quyền con người, những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật được hưởng quyền trợ giúp pháp lý một cách bình đẳng mà không phụ thuộc vào việc họ có hoàn cảnh khó khăn hay không. Năm 2010, Luật Người khuyết tật được ban hành. Theo đó, tất cả người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, Luật Trợ giúp pháp lý quy định, trẻ em không nơi nương tựa mới được trợ giúp pháp lý là chưa bảo đảm sự công bằng về quyền trợ giúp pháp lý của tất cả trẻ em. Đồng thời, tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bởi vì Luật Trợ giúp pháp lý quy định trẻ em thuộc diện trợ giúp pháp lý (bao gồm cả trong tư pháp hình sự) là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can, bị cáo là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) có luật sư chỉ định trong trường hợp không mời người bào chữa.
Thứ hai, việc tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý còn hạn chế. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính
sách được triển khai thực hiện gần 18 năm qua, nhưng nhiều người thuộc diện trợ giúp pháp lý vẫn chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi người dân chưa biết về quyền và thủ tục được trợ giúp pháp lý, địa chỉ trợ giúp pháp lý thì họ không thể tiếp cận, sử dụng được dịch vụ trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trợ giúp pháp lý cho người dân chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, hiệu quả trợ giúp pháp lý, uy tín của các tổ chức trợ giúp pháp lý chưa cao nên chưa có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Thứ ba, hoạt động trợ giúp pháp lý chưa đúng trọng tâm, thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý chưa toàn diện, chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý chưa cao. Các tổ chức trợ giúp pháp lý với các hình thức trợ giúp pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, nhưng trên thực tế, số vụ việc tham gia tố tụng rất ít, chỉ chiếm 5,8% trong tổng số các vụ việc trợ giúp pháp lý, vụ việc đại diện ngoài tố tụng còn ít hơn (chiếm 0,17%). Trong khi đó, theo các nguyên tắc, chuẩn mực, pháp luật quốc tế về quyền con người, thì trợ giúp pháp lý trong tố tụng, nhất là tố tụng hình sự là nhiệm vụ then chốt nhất. Đối với bản thân người được trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý trong tố tụng có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tình trạng pháp lý bất lợi, quyền và lợi ích có nguy cơ bị đe dọa.
Thứ tư, chất lượng trợ giúp pháp lý chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các vụ việc tư vấn pháp luật chiếm tỷ lệ lớn nhất (92%) trong tổng số vụ việc nhưng nhiều hồ sơ vụ việc sơ sài, nội dung tư vấn còn chung chung, chưa chỉ rõ người dân vướng mắc cái gì, lợi ích gì bị xâm phạm và chưa định hướng, tư vấn được các giải pháp giải quyết vướng mắc pháp luật của người dân.
Thứ năm, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa bảo đảm. Trong nhiều vụ việc hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa tham gia từ giai đoạn điều tra, một số vụ việc tố tụng mới dừng lại ở việc tham gia phiên tòa mà chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, chưa tham gia sâu vào quá trình tố tụng như gặp gỡ bị can, bị cáo, người làm chứng để tìm thêm những chứng cứ, tình tiết giúp các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết vụ việc một cách toàn diện hơn.
Thứ sáu, một số phương thức trợ giúp pháp lý còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động - phương thức được coi là trọng tâm của các tổ chức trợ giúp pháp lý, thực hiện được nhiều vụ việc trợ giúp
pháp lý nhất, cũng như được cấp nguồn kinh phí đáng kể, trên thực tế ở một số nơi, hoạt động này còn mang tính hình thức, chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chưa chú trọng đến chất lượng, người dân tham gia ít.