HỌAT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Hoạt động trợ giúp pháp lý có quan hệ mật thiết với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này. 1 Xem thêm tại Điều 10, Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 14/2013/NĐ-CP ngày 5-2-2013 của Chính phủ).
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, bằng các hình thức trợ giúp pháp lý như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, v.v... người thực hiện trợ giúp pháp lý phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật và biết vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình khi bị xâm phạm.
Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý có những đặc điểm sau đây:
- Chủ thể thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật là các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người trực tiếp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý là các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật.
- Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật là một con người cụ thể, phần lớn là những người nghèo ở vào hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp, khả năng giao tiếp hạn chế, nắm bắt vấn đề chậm.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý tập trung vào những lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến những vướng mắc pháp luật hoặc những vụ việc cụ thể của người yêu cầu trợ giúp pháp lý nên có mức độ ảnh hưởng sâu sắc hơn tới bản thân người được trợ giúp pháp lý, đồng thời có sức lan tỏa tới những người xung quanh.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý gắn liền với việc thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức dịch vụ pháp lý khác, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, đưa ra các giải pháp, phương hướng giải quyết những vướng mắc pháp luật để giúp người được trợ giúp pháp lý ứng xử phù hợp với pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.