Trong những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã có bước tăng trưởng khá; Sản lượng lương thực đạt và vượt kế hoạch đề ra; Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất tập trung dưới các hình thức trang trại, gia trại; Tiến độ và kết quả trồng rừng hàng năm đạt yêu cầu. Trong đó, sản xuất mang tính hàng hóa bước đầu được quan tâm chú trọng, một số mặt hàng chủ lực của tỉnh đã trở thành hàng hóa như: Chè, gỗ nguyên liệu giấy, bò sữa,… góp phần đưa giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2010 chiếm tỷ trọng 37,13% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các vùng chuyên canh như chè, mía, lạc, cây ăn quả. Toàn tỉnh hiện có 8.155 ha chè tập trung ở các
35
huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên; 6.755 ha mía tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa; Gần 6.000 ha cây ăn quả (cam, quýt, nhãn, vải…), trong đó cây cam đã phát triển thành vùng tập trung với
diện tích trên 2.500 ha tại huyện Hàm Yên. (Nguồn: Đề án phát triển vùng cam sành của UBND tỉnh Tuyên Quang 2014)
Bên cạnh những kết quả bước đầu, có thể nói phát triển các sản phẩm nông lâm sản theo hướng hàng hóa ở Tuyên Quang vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Sản xuất nông, lâm, thủy sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng;Quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức.
Một hạn chế nữa là hiện nay các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang mới chỉ được tiêu thụ ở thị trường tự do trong nước và một phần được xuất sang Trung Quốc nhưng không phải qua con đường chính ngạch, mà qua đầu mối thu gom là các thương lái, không có hợp đồng, do đó giá cả thường bấp bênh, không ổn định, dễ bị ép giá gây thua thiệt cho người sản xuất.
Ngoài ra, có thể thấy một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến trong tỉnh dù đã được hình thành nhưng chưa thật bền vững và ổn định. Một số cây trồng, vật nuôi có tiềm năng lợi thế nhưng sản xuất còn mang tính tự phát, phân tán, năng suất hạn chế, giá thành cao, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.