5. Bố cục đề tài
3.3.2. Kiến nghị hoàn thiện chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong bối cảnh
cảnh xã hội hiện nay
Như người viết đã trình bày ở các phần trên, tình hình người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay có xu hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm tội có sử dụng hung khí nguy hiểm với tính chất bạo lực, côn đồ hung hãn.
Trước thực trạng người chưa thành niên phạm tội gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu pháp luật cho rằng cần thiết phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tăng mức hình phạt áp dụng cho nhóm đối tượng này. Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em tại điểm a khoản 3 Điều 40 có nêu: “Quy định một hạn tuổi tối thiểu mà những trẻ em ở dưới hạn tuổi đó được coi như là không có khả năng vi phạm luật hình sự”, quy định này nhằm khuyến nghị các quốc gia xây dựng độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sao cho phù hợp với tình hình thực tại xã hội của quốc gia mình. Như vậy, tuỳ thuộc vào sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người, trình độ phát triển về nhận thức xã hội, điều kiện kinh tế - xã hội và phương hướng đường lối chính sách hình sự mà mỗi quốc gia sẽ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự phù hợp với điều kiện của chính quốc gia đó.
So với độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của các nước khác trong khu vực hay trên thế giới mà người viết đã nêu ở mục 1.5 thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của nước ta là tương đối cao, chỉ những người “đủ 14 tuổi” mới có khả năng chịu trách nhiệm hình sự.
Năm 1985, sau quá trình nghiên cứu khảo sát cụ thể về trình độ nhận thức cũng như sự phát triển tâm – sinh lý của người chưa thành niên đồng thời tham khảo thêm chính sách hình sự của các quốc gia cùng thuộc khối xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên bang Xô viết…Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời với chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 58 “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý và người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu
trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Trải qua bốn lần sửa đổi bổ sung lần lượt vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997 chế định này vẫn được giữ nguyên. Đến năm 1999, Bộ luật Hình sự mới ra đời tiếp tục giữ nguyên quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi, được quy định cụ thể tại Điều 12. Và lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng giữ nguyên quy định như vậy. Trải qua khoảng thời gian gần 28 năm, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không hề có sự thay đổi.
Để ra một quy định pháp luật thì điều quan trọng nhà làm luật phải chú ý đến đó là “thực tiễn xã hội”. Vì đơn giản là các quy định của pháp luật suy cho cùng là để đảm bảo cho trật tự xã hội diễn ra một cách bình thường và hướng đến sự phát triển tích cực. Pháp luật Hình sự cũng vậy, sự ra đời của pháp luật Hình sự được xem là một bước pháp chế quan trọng trong việc ổn định trật tự xã hội.
Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật và tiến trình hội nhập, khả năng nhận thức của con người cũng ngày càng được nâng cao. Trẻ em ngày nay đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về thể chất lẫn nhận thức so với trẻ em cách nay 28 năm.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước ta, đặc biệt về phương diện kinh tế đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ chế tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự điều tiết của Nhà nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu mang ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế - chính trị - văn hoá, xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, đời sống con người ngày càng được nâng cao. Nhất là giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu nên trẻ em được quan tâm và chăm sóc nhiều hơn, chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn. Khả năng tiếp cận được nhiều nguồn kiến thức đặc biệt là “kiến thức mở Internet” của trẻ em ngày nay cũng cao hơn so với trước đó.
Nhưng bên cạnh đó sự thay đổi nhanh chóng về mặt xã hội đã làm cho môi trường sống trở nên phức tạp hơn, với sự du nhập ồ ạt của nhiều nguồn văn hoá khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau dẫn đến sự gia tăng của nhiều vấn đề về tệ nạn xã hội, đặc biệt là vấn đề người chưa thành niên phạm tội ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Chính phủ, trung bình hằng năm có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm 15-18% tội phạm, trong khi đó trước năm 1986, tổng số tội phạm là người chưa thành niên chỉ chiếm khoảng 4,1%.
Chẳng hạn trong 5 năm (2007 – 2012), các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng chưa thành niên phạm pháp. Và chỉ riêng trong năm 2012, trong số 122.277 bị can bị khởi tố có 9.904 bị can dưới 18 tuổi, chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2011. Dù không truy tố hết số đối tượng đó vì căn cứ
vào chủ thể nhưng tất cả các vụ phạm pháp hình sự đều có các dấu hiệu tội phạm. Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí hoặc hung khí. Đặc biệt, người chưa thành niên thực hiện phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người.
Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong đó tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.44
Một số nước đã quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam như: ở Anh là 10 tuổi, Pháp là 13 tuổi, Mỹ là 7 tuổi,… thế nhưng không phải vì những nước này có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn Việt Nam mà chúng ta mới xem xét vấn đề này, thực tế đã chứng minh hiện nay đã có sự gia tăng đột biến về số lượng cũng như về mức độ nghiêm trọng của những tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên. Vì vậy, thực sự đã đến lúc các nhà làm luật phải vào cuộc.
Với những đánh giá, tỷ lệ tội phạm từ độ tuổi 16 – 18 rất cao, cùng với những mức độ phạm tội nguy hiểm, có tổ chức,… đôi khi còn cao hơn người thành niên phạm tội. Chính sách Hình sự của Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống. Luật đã quy định rõ: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu
nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
Tuy nhiên đối với những hành vi phạm tội với nhiều tình tiết man rợ mà cả xã hội lên tiếng, cùng với tội phạm vị thành niên ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều hơn về cả vụ việc lẫn tính chất mức độ của hành vi mang phạm tội thì liệu chỉ đặt ra những hình phạt mang nặng tính giáo dục thì có hợp lý và đủ sức răn đe không?
44
Số liệu năm 2010, xem thêm “ Chuyên đề pháp luật: Tình hình tội phạm vị thành niên”, nguồn:
http://www.luatsurieng.net/thong-tin-phap-luat/chi-tiet/tinh-hinh-pham-toi-vi-thanh-nien, (truy cập ngày 19/4/2013).
Từ những phân tích và đánh giá trên cùng với tình trạng người chưa thành niên phạm tội thậm chí là có những vụ án do người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, người viết nhận thấy vấn đề hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là thực sự cần thiết. Nhưng vấn đề đặt ra là nên hạ như thế nào cho phù hợp?
Theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ thì Việt Nam cần xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý, “về mặt pháp lý, Công ước về quyền trẻ em cho dù xác định
trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, nhưng cũng ghi rõ trừ trường hợp pháp luật áp
dụng đối với các em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh chỉ ra, thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16 như một số nước Nam Mỹ. Pháp luật hình sự nhiều nước buộc công dân của họ phải chịu trách nhiệm từ 12 tuổi và 14 tuổi phảichịu trách nhiệm hình sựđầy đủ.45
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ràng rằng, nếu chúng ta quyết định hạ tuổi thành niên xuống còn 16 tuổi sẽ kéo theo nhiều vấn đề khó khăn khác cần giải quyết. Đơn cử, theo quy định về người đã thành niên theo Bộ luật Dân sự 2005 tại Điều 18 thì “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa
thành niên”. Do đó, nếu Bộ luật Hình sự sửa đổi theo hướng giảm tuổi thành niên sẽ gây sự mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật về độ tuổi của người thành niên. Để hạn chế tình trạng chồng chéo quy định của pháp luật, vấn đề hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cần được xem xét ở góc độ khác nhằm có phương án giải quyết thích hợp hơn.
Dựa vào những vụ án mà người viết đã nêu ở mục 3.1.1.1 về người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi phạm tội, có thể thấy tình hình người chưa thành niên phạm tội có độ tuổi ngày càng trẻ hoá nhưng mức độ nghiêm trọng thì lại ngày càng gia tăng. Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành thì chỉ những người đủ 14 tuổi mới có khả năng chịu trách nhiệm hình sự, nhưng các vụ án mà người viết nêu từ vụ án thứ nhất đến vụ án thứ năm đều do những đối tượng tầm 12 – 13 tuổi thực hiện mà hành vi của họ lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, tài sản của nhân dân hay thậm chí là gây hại đến tính mạng, sức khoẻ của người khác mang tính chất dã man, tàn bạo. Trên thực tế, còn không ít những vụ án với tính chất và mức độ tương tự như những vụ án điển hình mà người viết nêu ở trên. Vì vậy, cần thiết phải có sự thay đổi về tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự nhằm tạo sự công bằng cho xã hội, buộc những người đã thực hiện hành vi nguy
45
Minh Anh, Đề xuất hạ tuổi thành niên xuống 16, nguồn: http://www.tinmoi.vn/de-xuat-ha-tuoi-thanh-nien- xuong-16-011097236.html, (truy cập 09/4/2013).
hiểm cho xã hội phải phần nào chịu sự hậu quả bất lợi nhất định do hành vi do mình gây ra.
Từ những phân tích trên, người viết cho rằng nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự “từ đủ 14 tuổi” thành “từ đủ 12 tuổi”. Bởi sự thay đổi này có ý nghĩa mở rộng phạm vi xử lý của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu những người chưa thành niên ở độ tuổi từ đủ 12 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy sự thay đổi về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 theo đề xuất như trên sẽ là “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về
mọi tội phạm; người từ đủ 12 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm
hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.