Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Jowett và cộng sự (2004) dùng số liệu điều tra tại ba địa phương tại Việt Nam để xem xét xác suất một người đi khám chữa bệnh. Các đặc điểm về nhân khẩu học (tuổi, giới tính, học vấn, khu vực sinh sống), vùng miền sinh sống, thu nhập, tình trạng bệnh tật, loại hình bảo hiểm tham gia và nghề nghiệp đều là biến giải thích của mô hình. Nghiên cứu sử dụng biến công cụ (số tổ chức mà một người làm việc) để giải quyết vấn đề nội sinh của thu nhập và điều chỉnh phương sai để khắc phục khuyết tật của mô hình. Wang và cộng sự (2009) sử dụng phương pháp khác biệt trong khác biệt kết hợp với mô hình logit để xem xét xác suất đi khám của người dân nông thôn Trung Quốc. Các biến trong mô hình tương tự như nhiên cứu của Jowett và cộng sự (2004) và có bổ sung thêm tình trạng hôn nhân, quy mô hộ và khoảng
cách từ hộ tới các cơ sở khám chữa bệnh. Nghiên cứu này rất chú trọng đến tình trạng sức khỏe của người được khảo sát. Ngoài chỉ số đánh giá sức khỏe mà nghiên cứu đưa ra, nghiên cứu còn có câu hỏi về tự đánh giá sức khỏe của người dân. Các quan sát cũng được phân chia ra người bị bệnh kinh niên và bệnh trong vòng một tháng. Xu và cộng sự (2006) cũng có cùng biến giải thích với Jowett và cộng sự (2004) và bổ sung thêm biến nhị phân để phân biệt những người có bệnh kinh niên. Dữ liệu dùng trong nghiên cứu là điều tra về chi tiêu y tế tại Kenya năm 2003. Mô hình probit được sử dụng để ước lượng cho hàm xác suất đi khám. Hồi quy Heckman được sử dụng để ước lượng mô hình chi phí khám chữa bệnh. Mô hình số lần đi khám được xem xét trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2014) với dữ liệu bảng (panel data). Nghiên cứu chỉ tập trung vào số lần khám chữa bệnh ngoại trú. Nghiên cứu sử dụng hồi quy Poisson để ước lượng mô hình và đưa ra dự báo cho cầu về khám chữa bệnh trong tương lai khi mục tiêu tăng mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội được thực hiện. Mô hình bao gồm các biến nhân khẩu học của cá nhân, nghề nghiệp, thu nhập, bằng cấp, bảo hiểm, trạng thái sức khỏe, vùng sinh sống, khu vực sinh sống.
Tóm lại, xác suất đi khám chữa bệnh, số lần đi khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan. Các báo cáo của WB (2002), The Health and Environment Linkages Initiative (2005) và WB (2009) cũng chỉ ra tình trạng khám chữa bệnh bị tác động bởi nhiều nhân tố. Phụ lục 2 tổng hợp lại các nghiên cứu trước là cơ sở chính cho việc chọn biến sau này của nghiên cứu. Hình 2.7 mô hình hóa các nhân tố ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người dân.
Hình 2.7. Các nhân tố tác động đến tình trạng khám chữa bệnh
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp theo các nghiên cứu trước và tham khảo Tổng cục Thông kê Việt Nam và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (2006).
Xác suất đi khám chữa bệnh, số lần khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh
Tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, một số đặc điểm về hộ (quy mô, tuổi chủ hộ, học vấn chủ hộ, giới tính chủ hộ…)
Thu nhập từ các nguồn
Bảo hiểm y tế: rủi ro đạo đức và lựa chọn ngược
Nhận thức về chăm sóc sức khỏe và môi trường
Sức khỏe của cá nhân
Môi trường sống và làm việc Lối sống Cở sở hạ tầng y tế
CHƯƠNG 3: MÔ HÌNH ƯỚC LƯỢNG