Với ta, đẩy mạnh công tác tư tưởng nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục đường lối, nhiệm vụ kháng chiến; nâng cao lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ. Đấu tranh khắc phục những biểu hiện lệch lạc, bi quan, nóng vội, thiếu tin tưởng vào thắng lợi, ngại lâu dài gian khổ hy sinh… làm cho mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân ta luôn nhận rõ khó khăn, thuận lợi, kiên định ý chí quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Như vậy, thực hiện kháng chiến toàn diện, mỗi mặt trận đều có vai trò quan trọng, song điều cần thiết là phải kết hợp chặt chẽ các mặt trận đấu tranh với nhau để tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, hoàn chỉnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong kháng chiến, quân sự là việc chủ chốt", song nếu chỉ có đánh địch trên chiến trường thôi thì chưa đủ mà còn phải biết kết hợp với các mặt đấu tranh khác nữa.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn dân kháng chiến và toàn diện kháng chiến có mối quan hệ hết sức chặt chẽ, không thể tách rời. Có thực hiện toàn dân kháng chiến mới có được lực lượng đông đảo để làm kháng chiến toàn diện; toàn dân kháng chiến là điều kiện để kháng chiến toàn diện. Mặt khác, có kháng chiến toàn diện mới phát huy cao độ sức mạnh to lớn của lực lượng toàn dân tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
1.2.3. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân khángchiến chiến
Nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đi sâu nghiên cứu bản chất của kẻ thù và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm mới về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang của công nông gồm nhiều thứ quân, nhiều loại hình lực lượng. Đồng thời, Người khẳng định quy luật về xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Việt Nam là từ lực lượng chính trị của quần chúng đông đảo, chủ yếu là công nông mà xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn đó, để đảm bảo thực hiện toàn dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hồ Chí Minh khẳng định: lực lượng vũ trang nhân dân được xây dựng, tổ chức thành ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ); bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang ba thứ quân phải được xây dựng vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Do tính chất cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, chiến tranh nhân dân, nên kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng quân đội nhân dân với xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng (dân quân du kích và tự vệ) là hình thức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của toàn dân đánh giặc. Theo Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang ba thứ quân mang bản chất giai cấp công nhân, với nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu tổ chức mang tính quần chúng rộng rãi, tính nhân dân sâu sắc.
Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong xây dựng lực lượng phải biết kết hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của từng bộ phận với nhau và vai trò nòng cốt cho toàn dân kháng chiến.
Bộ đội chủ lực (quân chủ lực) giữ vị trí chiến lược chủ yếu trong đấu tranh vũ trang, là lực lượng cơ động đánh địch trên chiến trường cả nước, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Chức năng và nhiệm vụ cơ bản của quân chủ lực là thực hiện những đòn đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực, lực lượng chiến lược chủ yếu của quân địch bằng tác chiến tập trung, tác chiến hiệp đồng các binh chủng, giải phóng và bảo vệ các vùng lãnh thổ quan trọng; phối hợp, hiệp đồng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng, thực hiện những đòn đánh quyết định trên hướng chiến lược chủ yếu, chiến trường chủ yếu, làm chuyển biến so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh có lợi cho ta và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ hình thành, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân nhằm chủ động, tiến công, bao vây, chia cắt, phân tán lực lượng địch, đẩy địch vào thế bị động, suy yếu; đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, khởi nghĩa của quần chúng.
Trong quá trình kháng chiến, bộ đội chủ lực được xây dựng, phát triển từ nhỏ đến lớn theo đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng. Từ những đơn vị nhỏ mang nhiều tính chất du kích, từng bước phát triển lên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của kháng chiến. Từ những
đơn vị đại đội, tiểu đoàn, phát triển lên thành những trung đoàn, đại đoàn cơ động tác chiến trên chiến trường cả nước. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của ba thứ quân được trang bị, huấn luyện tốt, có sức chiến đấu cao. Theo Hồ Chí Minh bộ đội chủ lực còn có nhiệm vụ "… Dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên"[24, 507].
Bộ đội địa phương là lực lượng nòng cốt của đấu tranh vũ trang và chiến tranh nhân dân ở địa phương; là lực lượng tác chiến tại chỗ tiêu diệt , tiêu hao quân địch, bảo vệ địa phương. Cùng với bộ đội chủ lực và dân quân du kích, tự vệ hình thành phát triển thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương và thế trận chiến tranh nhân dân trên cả nước, nhằm chủ động tiến công bao vây, chia cắt, phân tán lực lượng địch; phối hợp với dân quân du kích, tự vệ, phát triển chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương, tiến công địch trên địa bàn địa phương; hiệp đồng với bộ đội chủ lực trong các trận đánh, các chiến dịch, giúp sức cho đấu tranh chính trị, khởi nghĩa của quần chúng; là lực lượng "hậu bị trực tiếp" để bổ sung, phát triển bộ đội chủ lực. Trong quá trình kháng chiến, bộ đội địa phương được hình thành phát triển từ những đội du kích tập trung, các đội vũ trang tuyên truyền ở các địa phương, được huấn luyện phù hợp với nhiệm vụ của mình, trang bị vũ khí chủ yếu là lấy của địch.
Dân quân du kich, tự vệ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "Là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã"[44, 132]. Phát triển lực lượng dân quân du kích trong cuộc kháng chiến là phát triển lực lượng nền tảng cho toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc, với tinh thần "mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài". Dân quân, du kích và tự vệ là lực lượng rộng khắp để đánh địch tại chỗ bảo vệ xóm làng, đường phố, góp phần tiêu hao, tiêu diệt quân địch, giam chân, phân tán, chia cắt, bao vây quân địch, làm cho chúng mệt mỏi, đui mù, đói khát và suy yếu. Lực lượng dân quân, du kích, tự vệ với cách đánh du kích tài giỏi "lúc ẩn lúc hiện", với tính chất cơ động cao nhất (vì không có lực lượng cơ động nào nhanh bằng lực lượng tại chỗ), làm cho kẻ thù không thể phát huy được ưu thế về vũ khí kỹ thuật hiện đại, làm cho chúng phải bị động đối phó với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến không
phân rõ đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương, một cuộc chiến tranh xen kẽ triệt để giữa ta và địch. Đây là kiểu chiến tranh mà thực dân Pháp và sau này là Mỹ đều xem là "xa lạ" với chiến tranh quy ước, đẩy chúng bị sa vào "thiên la địa võng" của chiến tranh nhân dân Việt Nam, càng đánh càng thua đau, tổn thất. Bởi vậy chính cựu tổng thống Mỹ Kennơđi phải khẳng định: "Sự giúp đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Dương dù đến đâu cũng không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đâu cả, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che dấu và giúp đỡ" [22,12].
Dân quân du kích, tự vệ cũng là một lực lượng chiến lược rất quan trọng, góp phần xây dựng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, phát triển chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Nó còn là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở cơ sở; là lực lượng xung kích trong lao động sản xuất và bảo vệ an ninh xóm làng, đường phố.
Tổ chức dân quân tự vệ rất phong phú, đa dạng theo nguyên lý đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phù hợp điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở và gắn bó máu thịt với dân cư, làng bản, đường phố. Dân quân, du kích được tổ chức ở vùng nông thôn; tự vệ được tổ chức ở thành phố, thị xã. Trong kháng chiến, dân quân, tự vệ được tổ chức với quy mô nhỏ (tiểu đội, trung đội, đại đội) là phổ biến. Có tổ chức công khai, tổ chức bí mật, hợp pháp và không hợp pháp; có khi tập trung thoát ly sản xuất hoặc không thoát ly sản xuất… Vũ khí trang bị chủ yếu là thô sơ tự tạo và vũ khí lấy được của giặc. Trong kháng chiến, việc xây dựng và phát triển lực lượng dân quân du kích, tự vệ là biểu hiện tập trung của xây dựng, phát triển bạo lực cách mạng của quần chúng, xây dựng lực lượng làm chủ ở cơ sở, đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, kết hợp và giúp sức quần chúng đấu tranh chống giặc trên mọi lĩnh vực, góp phần đưa cuộc chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân phát triển đến trình độ cao và phong phú, sâu rộng, đa dạng. Nguyên tắc của tác chiến du kích đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát là: "Ta biết rõ giặc, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về lặng không tiếng. Tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm. Phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ" và theo Người, "đánh như vậy thì du kích thực sự là kho thuốc súng trong lòng địch". Người khẳng đinh: "Du kích tổ chức khéo, thì toàn dân gái, trai, già, trẻ, sĩ,
nông, công, thương ai cũng có thể tham gia. Người thì lo đánh giặc, người thì lo tiếp tế, tình báo, liên lạc, tuyên truyền. Mọi người đều có dịp phụng sự Tổ quốc" [66, 129].
Thực tiễn cuộc kháng chiến toàn dân chống Pháp xâm lược của nhân dân ta cho thấy: trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, cũng như lịch sử các cuộc chiến tranh khác được gọi là chiến tranh nhân dân trên thế giới, chưa bao giờ yếu tố toàn dân tiến hành chiến tranh đạt đến trình độ cao như vậy. Đánh giá về quy mô, tinh chất, sức mạnh của chiến tranh nhân dân của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Có lẽ hiếm có ở đâu, chiến tranh nhân dân trong thực tế lại đúng với tên gọi của nó như vậy, thực sự sâu rộng trong nhân dân và thực sự vô địch như nhân dân"[13, 32].
Một vấn đề rất quan trọng trong tư tưởng toàn dân kháng chiến của Hồ Chí Minh là xây dựng cho được mối quan hệ giữa ba thứ quân. Đó là mối quan hệ "anh em ruột thịt", "con một cha, nhà một nóc", đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, tận tình giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương tôn trọng, phát huy thắng lợi của nhau, tạo điều kiện cho nhau đánh giặc cứu nước, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Mối quan hệ này đã được Hồ Chí Minh khẳng định: "Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí…Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến"[24, 507].
Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, cần bảo đảm sự cân đối giữa ba thứ quân. Đó là sự cân đối biện chứng, phù hợp với sự phát triển của đấu tranh vũ trang, phù hợp với địa vị chiến lược quan trọng của từng thứ quân, cùng với sự phát triển của lực lượng toàn dân đánh giặc, của kháng chiến toàn dân trong từng thời kỳ, trên từng chiến trường cũng như trong cả nước. Thông thường sự cân đối đó được thực hiện theo biểu tượng hình nón mà vành nón là dân quân du kích, tự vệ; thân nón là bộ đội địa phương; chóp nón là bộ đội chủ lực. Song tuỳ từng thời kỳ, do yêu cầu kháng chiến, sự cân đối đó linh hoạt thay đổi. Khi cần đẩy mạnh chiến tranh du kích thì giảm lực lượng cơ động, phân tán bộ đội chủ lực; Ngược lại, khi cần đẩy mạnh tiêu diệt lực lượng chiến lược của địch thì phải tăng lực lượng cơ động, tăng bộ đội chủ lực. Do
đó, dân quân du kích được chọn đôn lên thành bộ đội địa phương, quân địa phương được chọn đôn thành chủ lực, đáp ứng yêu cầu kháng chiến.
Việc xây dựng, phát triển ba thứ quân còn gắn liền với sự phân chia chiến trường theo ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị). Trong quá trình kháng chiến, giữa ta và địch hình thành ba vùng: vùng tự do, vùng tranh chấp (vùng du kích), vùng địch tạm kiểm soát. Và thực tế cuộc kháng chiến của ta cho thấy vùng rừng núi thường là nơi hoạt động của chủ lực, vùng đồng bằng nông thôn là chiến trường của cả ba thứ quân, vùng đô thị là trận địa chiến đấu của lực lượng tự vệ, du kích, biệt động, tuyên truyền vũ trang…
Theo Hồ Chí Minh và Đảng ta thì xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân phải gắn với quá trình đấu tranh chống lại những quan điểm, khuynh hướng tư tưởng sai trái như: tư tưởng du kích, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, không tích cực xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực. Mặt khác cũng phải đấu tranh chống quan điểm cực đoan, nóng vội trong xây dựng bộ đội chủ lực, coi nhẹ dân quân du kích và bộ đội địa phương.
Như vậy, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) là hình mẫu tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng sáng tạo của Đảng ta và Hồ Chí Minh; hình mẫu tổ chức quân sự mang tính dân chủ rộng lớn, tính nhân dân sâu sắc, phù hợp với quy luật chung của chiến tranh, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, nhằm thực hiện đúng vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trên cơ sở xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trở thành đường lối, nghệ thuật động viên, tổ chức lực lượng tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đây là nhân tố quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Chương 2