Nam Cao thường xuyên khắc họa có phần hà khắc, trần trụi về người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Có lẽ vì ông muốn mượn cái nhìn sắc lạnh để ca ngợi người phụ nữ ở một vẻ đẹp khác. Oanh là một nhân vật nữ trong Sống mòn gây ấn
tượng cho người đọc khi hiện lên với những điều khó chấp nhận nhất ở một người phụ nữ. Trong hơn 200 trang truyện, bản tính con người Oanh phơi bày ra theo từng chi tiết, mức độ ngày càng gay gắt.
“Oanh không đẹp, y gầy đét, vẻ mặt cũng như dáng người, cứng nhắc và khô. Y đi trông thẳng đuồn đuỗn như một cây cau. Tóc thì quăn xoăn xít… Mắt cũng tầm thường”, đó là nhận xét của Thứ về Oanh, có phần hằn học. Thứ và San ghét Oanh vì bản tính con người Oanh khiến họ ghét, bởi cả hai cùng đứng trên quan điểm cho rằng đạo đức, phẩm cách và học thức của họ cao hơn Oanh. Con người trong xã hội thường có quyền cho phép mình khinh bỉ những thứ thấp kém, không cùng đẳng cấp với họ, bằng bất cứ lý lẽ gì.
Chuyện Oanh dè sẻn từng bữa ăn cho San và Thứ đến độ kiệt cùng là chuyện phải xảy ra trong cuộc sống túng thiếu, không có cớ gì bắt Oanh phải đối đãi tốt với những người làm công, nhận lương từ mình nếu điều đó chẳng xuất phát từ thực tâm con người y. Oanh hai lần nhắc Thứ về chuyện sẽ trả ngôi trường lại cho Thứ, gieo cho Thứ biết bao nhiêu hy vọng có ngôi trường mà mình làm Hiệu trưởng thực sự, cải tạo nó, phát triển nó. Cô làm vậy với những mục đích rất rõ ràng. Hành động của Oanh làm Thứ, San và độc giả ác cảm và khó chịu. Tuy nhiên, điều này chỉ thuộc về những nguyên tắc tốt - xấu thông thường.
Trong chuyện tình cảm, Oanh cũng rất lý trí. Khi hay tin Đích bệnh nặng, Oanh đã đau đớn khôn cùng, cô đã quyết định sẽ đi đón Thứ, nhưng cuối cùng vẫn không đi. Nhưng tình yêu lý tính vẫn là tình yêu, Oanh đã hết mực lo lắng và chăm sóc Đích những ngày Đích thoi thóp ở nhà. Sự lý trí khiến Oanh không dám bỏ trường theo Đích vì sợ tiếng với gia đình, người đời, và sợ bỏ bê việc trường. Oanh tính đến chuyện Đích chết thì sẽ rất phiền hà cho cô, vì cô chẳng có danh phận gì để giữ Đích ở lại, lại còn phải tốn không biết bao nhiêu tiền của cho cái không đem lại cho cô danh phận. “Người ta yêu nhau đến có thể chết vì nhau, nhưng vẫn không dám tận nghĩa cùng nhau chỉ vì chưa cưới hỏi”. Khi tình yêu tiến đến hôn nhân, sẽ không là chuyện của tình yêu nữa. Vậy nên những đắn đo của Oanh là rất đỗi thường tình. Cho nên, các đánh giá gán vào cho nhân vật sẽ chỉ là những ý kiến chủ quan của những con người ở bên ngoài. Hành động của Oanh đúng hay sai, thuận mắt hay không thuận mắt đều phụ thuộc vào quan điểm của từng người đọc.