Công ty Tuyển than Cửa Ông , tiền thân là nhà sàng Cửa Ông do Pháp xây dựng từ năm 1924. Trong những năm 1930-1935, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Cửa Ông đã thường xuyên tổ chức đấu tranh đòi giảm giờ làm, tăng lương, chống đánh đập thợ và đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ tháng 11/1936. Tháng 8-1945 công nhân Bến Cửa Ông cùng với công nhân mỏ, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng than. Năm 1955 vùng Mỏ được giải phóng, ngày 20/8/1960 Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã được thành lập. Lúc đó xí nghiệp có 1.629 CBCN, Đảng bộ có 7 chi bộ với 155 đảng viên. Lực lượng công nhân chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hoá thấp.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, dù vừa sản xuất vừa chiến đấu nhưng xí nghiệp vẫn luôn hoàn thành kế hoạch được giao. Hàng triệu tấn than đã từ bến cảng Cửa Ông toả đi khắp mọi miền đất nước, cho những nhà máy điện hoạt động ngày đêm, cho những chuyến tàu chuyển quân vào Nam và hàng chục triệu tấn than được xuất khẩu ra nước ngoài. Đại đội nữ tự vệ Nhà sàng Cửa Ông được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1966 - Đơn vị Anh hùng đầu tiên của vùng Mỏ. Xí nghiệp được hai lần được ghi tên vào Cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ (1966, 1968). Người công nhân Lê Văn Hiển được phong Anh hùng lao động năm 1958 và hàng trăm Huân Huy chương các loại cho tập thể, cá nhân của xí nghiệp.
Ngày12/8/1974 Xí nghiệp Bến Cửa Ông được đổi tên thành Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông. Đất nước thống nhất, xí nghiệp đã được đầu tư xây dựng
chuyền bốc rót HITACHI của Nhật, đầu máy TY 7E của Liên Xô, toa xe 30 tấn của RUMANI. Trong điều kiện sản xuất còn thiếu thốn trăm bề, song xí nghiệp đã nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976- 1980) và lần thứ 3 (1981-1985).
Từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước. Đứng trước muôn vàn khó khăn, CBCN xí nghiệp đã năng động, sáng tạo vượt qua thử thách. Đầu tư thêm thiết bị hiện đại như xây dựng nhà máy sàng tuyển than, mở tuyến đường sắt từ Cao Sơn về Cửa Ông. Năm 1989 đầu tư một dây chuyền tuyển than công nghệ của Úc tại Tuyển than 2. Năm 1991 tiến hành cải tạo công nghệ của Ba Lan bằng công nghệ hiện đại của Úc. Đồng thời không ngừng cải tiến, nâng công suất các nhà máy sàng, đưa năng suất thiết bị tăng từ 1,5 lên đến 2 lần so với trước, sản xuất ra nhiều chủng loại sản phẩm mới, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Năm 2012 xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Tuyển than Cửa Ông.
Tháng 7/2006 công ty được đổi tên thành Công ty Tuyển than Cửa Ông-TKV. Qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ một nhà máy sàng than, những cầu trục cũ, những đầu máy xe hoả cùng những toa xe 4 tấn, ngày nay công ty đã có hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại với hàng nghìn thiết bị, cùng các tài sản khác có tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Hiện công ty đã có 2 Thạc sỹ, trình độ Đại học - Cao đẳng 1.048 người, 238 Trung cấp và 3.750 công nhân kỹ thuật ở 39 ngành nghề, đủ trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Bên cạnh đó Công ty Tuyển than Cửa Ông có lợi thế về cảng biển với chiều dài 500m, độ sâu mớn nước trên 9m, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 7 vạn tấn, hoặc cùng lúc hai tàu có trọng tải lớn vào nhận than. Hệ thống máy đánh đốc, máy rót than tại cảng do Nhật Bản và CHLB Đức sản xuất thuộc loại hiện đại nhất TKV. Sản phẩm than truyền thống của công ty bao gồm nhiều chủng loại than cục và than cám có chất lượng và giá trị cao như: Than cám 1 AK từ 6-8%; cám 2 AK từ 8- 10%; cám 3 AK từ 10- 13%; cục 3 AK từ 3- 5%; cục 4 AK từ 3-6%,; cục 5 AK
từ 5-7%... Công ty là đầu mối chính của TKV về sàng tuyển, chế biến than, cung cấp than thương phẩm cho các ngành sản xuất công nghiệp, dân dụng trong nước như ngành điện, sản xuất xi măng, phân bón, sản xuất giấy .... Than xuất khẩu của công ty đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật bản, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Bỉ, Pháp, Thái Lan … Năm 1998, sản phẩm than của công ty đã được tổ chức trao tặng biểu trưng của Châu Âu cho sự hợp tác tốt và hình ảnh chất lượng do Tổ chức J* Banimagen Art chứng nhận.
Bên cạnh đó, công ty luôn chú trong đến việc đầu tư sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khoẻ của người lao động cũng như chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần. Hoạt động văn hoá thể thao của công ty được duy trì và phát triển sâu rộng, là một trong những đơn vị dẫn đầu Tập đoàn TKV, tỉnh Quảng Ninh trong phong trào văn hoá thể thao. Năm 2007 và 2009 công ty được báo điện tử VietnamNet kết hợp với công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt nam (Vietnam Report) xếp hạng là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Song song với việc đẩy mạnh sản xuất để phát triển bền vững, Công ty luôn quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý bùn nước, làm sạch nước thải, tăng tỷ lệ thu hồi than và bảo vệ môi trường Vịnh Bái tử long. Đồng thời xây dựng mô hình "Doanh nghiệp công viên", đạt tiêu chuẩn xanh- sạch- hiện đại. Năm 2008, công ty được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Tổ chức QUACERT cấp Chứng chỉ công nhận Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004 và là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn TKV được cấp chứng chỉ trên.