trên thế giới và ở Việt Nam
Trên thế giới, chất ức chế ăn mòn đã được nghiên cứu và sản xuất với qui mô công nghiệp từ những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều loại chất ức chế đã được phát hiện và ứng dụng có hiệu quả. Các vấn đề liên quan tới chất ức chế như: Hiệu quả bảo vệ, cơ chế tác dụng,... đã được quan tâm nghiên cứu. Tuy vậy, việc nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các hiđrazon làm chất ức chế ăn mòn kim loại còn ít được nghiên cứu. Một vài công trình [38,40,43,44,101] đã khảo sát khả năng ức chế ăn mòn kim loại của một số hiđrazon. Số lượng các hiđrazon khảo sát còn ít, kết quả nghiên cứu thu được chưa nhiều. Tổng hợp và nghiên cứu khả năng ức chế ăn mòn kim loại của các hiđrazon cần được tiếp tục vì đây là loại hợp chất có khả năng ức chế ăn mòn kim loại cao.
Ở Việt Nam, chất ức chế ăn mòn đã được nghiên cứu từ những năm 80 nhưng số lượng chất ức chế được đưa vào sử dụng còn hạn chế. Một số chất ức chế đơn giản như urotropin, thioure, các muối nitrit, crommat, benzoat,.. vẫn đang được sử dụng mặc dù hiệu quả ức chế không cao mà còn gây độc hại.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, một số lĩnh vực chính mà nước ta đã và sẽ phải sử dụng chất ức chế ăn mòn là: Công nghiệp khai thác và lọc dầu, công nghiệp pha chế các sản phẩm dầu mỏ, công nghiệp hoá chất, vật liệu xây dựng, các sản phẩm tẩy rửa khác và trong công tác bảo quản thiết bị quân sự,...