2. Một vài nhận xét:
2.2. Về mặt nội dung hay ý nghĩa của từ.
Tiếng Hán và tiếng Việt là những ngôn ngữ cùng loại hình, có quá khứ tiếp xúc lâu dài, sự vay mượn, chuyển dịch từ và nghĩa diễn ra tương đối dễ dàng đơn giản. Sự vay mượn này được diễn ra theo thế phân bố bổ sung. Đối với những tên gọi, khái niệm chưa có thì tiếng Việt mượn hoàn toàn của tiếng Hán, những tên gọi có rồi thì không mượn nữa. Song trong quá trình tiếp xúc giao lưu ngôn ngữ các từ đồng nghĩa Việt - Hán (đồng nghĩa từ vựng giữa từ Hán - Việt và từ Việt trong tiếng Việt) luôn có sự tranh chấp để chiếm vị trí độc tôn về nghĩa giữa từ Việt và từ Hán.
Trong số 53 đơn vị chỉ các BPCTN trong tiếng Hán có từ Hán - Việt tương đương chúng tôi đã thống kê có 25 trường hợp không biến đổi nghĩa, chiếm khoảng 47%. Những từ này phần lớn là các khái niệm, các thuật ngữ, các tên gọi chưa có trong tiếng Việt nên người Việt mượn cả nội dung nghĩa mà không có sự tác động làm biến đổi. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của sự vay mượn. Sự tác
động làm thay đổi chỉ xảy ra trong trường hợp không phù hợp hoặc có sự cạnh tranh với các từ sẵn có trong ngôn ngữ đi vay mượn, ví dụ:
Thực quản (Hán): ống dẫn thức ăn
(Việt): ống dẫn thức ăn từ miệng vào dạ dày.
Hầu (Hán): hầu, họng.
(Việt): hầu, họng (phần ống tiêu hoá nằm tiếp sau khoang miệng và trước thực quản).
Bên cạnh những từ Hán - Việt được mượn nguyên nghĩa còn có những trường hợp có sự thay đổi nghĩa (thu hẹp nghĩa hoặc mở rộng nghĩa).
Từ Hán -Việt thu hẹp nghĩa so với từ Hán gồm 13 từ chiếm khoảng 24,5%. Sự thu hẹp nghĩa của từ Hán-Việt có thể diễn ra ở phạm vi nghĩa biểu vật của từ, ngữ cảnh sử dụng, có thể chỉ mượn nghĩa gốc của từ Hán hoặc chỉ mượn nghĩa phái sinh. Việc thu hẹp nghĩa của từ Hán khi vào tiếng Việt là điều tất yếu trong quá trình vay mượn. Vì những từ này vốn rất xa lạ với người Việt, khi vào tiếng Việt chúng bị cắt xén bớt nghĩa, hiểu lệch nghĩa. Hơn nữa, tiếng Việt chỉ vay mượn và sử dụng những trường hợp cần thiết. Những nghĩa hoặc những ngữ cảnh sử dụng đã có từ tiếng Việt đảm nhiệm người Việt không cần vay mượn từ tiếng Hán nữa.
Ví dụ:
Noãn: (Hán) 1. Trứng.
2. Trứng đã thụ tinh
(Việt): bộ phận hình trứng trong bầu nhị hoa, về sau phát triển thành hạt.
Thủ (Hán) 1. đầu
2. cao nhất, thứ nhất. 3. đầu sỏ, người đứng đầu 4. trước tiên, trước nhất. 5. ra đầu thú.
6. từ chỉ đơn vị
(Việt): đầu của gia súc (thường là lợn) đã giết thịt.
Từ Hán-Việt mở rộng nghĩa so với từ Hán gồm 2 từ chiếm khoảng 3,8%. Sự mở rộng có thể ở phạm vi biểu vật, nghĩa biểu niệm, phạm vi sử dụng.v.v... Các nghĩa mới của từ Hán -Việt được phát triển theo qui luật của tiếng Việt để biểu thị những phạm vi khác. Nghĩa mới, do đó, luôn có biểu vật mới.
Ví dụ: Yết hầu (Hán): yết hầu
(Việt ): 1. Đoạn ống tiêu hoá ở động vật có xương sống nằm sau
khoang miệng, trước thực quản, có lỗ thông với đường hô hấp.
2. Nơi hiểm yếu có tác dụng quyết định sự sống còn.