IV. Thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong “Giông tố”
4. Nhịp điệu kể chuyện
Trong văn học, nhịp điệu là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh,…nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật.
Trong tiểu thuyết Giông tố, tác giả đã tạo nên rất nhiều tình huống vô cùng kịch tính, chính nhờ những tình huống này mà xung đột mới được phơi mở, thúc đẩy con người lộ ra bản chất xấu xa. Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên không khí kịch tính cho tác phẩm chính là nghệ thuật tạo nhịp điệu trong tác phẩm.
Tốc độ kể chuyện từ từ và chậm rãi (100 trang/20 ngày), sau đó nhanh dần (50 trang/20 ngày), tiếp đến rất nhanh (43 trang/90 ngày) rồi chậm dần (108 trang/90 ngày)
và cực nhanh một cách bất ngờ ở những trang cuối (13 trang/9 tháng).
Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có thể thấy nhịp điệu kể chuyện trong “Giông tố” tuân theo kiểu nhịp điệu nhanh chậm luân phiên của các tiểu thuyết - tâm lý.
Trong mười chương đầu của tác phẩm, tác giả đã kể ra các sự kiện, biến cố một cách chậm rãi. Toàn bộ phần này đều xoay quanh vụ án cưỡng dâm của Nghị Hách và cách xử kiện có một không hai, đổi trắng thay đen của viên quan huyện Cúc Lâm với chiến thắng nghiêng về kẻ có tiền chứ không phải lẽ công bằng. Từ đó, sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong giai cấp. Các hoạt cảnh được sử dụng theo cách thức song song tương ứng làm cho căng thẳng nối tiếp căng thẳng. Qua lối kể chuyện chậm rãi và tỉ mỉ đến từng chi tiết, mâu thuẫn đối kháng quyết liệt giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, mâu thuẫn giữa các thiện và cái ác dần được phơi bày ra trước ánh sáng Trong năm chương tiếp theo (từ chương XI đến chương XV), tốc độ kể chuyện bắt đầu được đầy lên dần bằng sự kiện Mịch có thai và bị dân làng đồn đoán, thêu dệt, gia đình cô bị mọi người khinh bỉ, coi thường. Cùng lúc ấy, sự nghi kỵ của Long và sự lừa dối của Tú Anh đủ khiến Mịch trở nên thay đổi từ một cô gái quê chất phác, ngây thơ biến thành một con người chai lì trước những điều xấu xa xảy đến với cuộc sống của mình, cô “muốn sống cho đủ dày dạn, cho đủ khổ nhục”. Các hoạt cảnh độc thoại bắt đầu đào sâu nội tâm giằng xé của từng nhân vật.
Từ chương XVI đến chương XX, tốc độ kể chuyện được đẩy lên nhanh nhất. Trong đó phải nhắc đến một hoạt cảnh dài tới 16 trang nằm trọn trong chương XVI và XVII, đó là cảnh Long và Tú Anh ở trong tiệm hút. Các sự kiện diễn ra với những dấu hiệu thời gian mờ nhạt như “đêm hôm ấy”, “buổi chiều hôm ấy”...khiến cho tốc độ kể chuyện khá nhanh. Điều đó khiến cho ngay cả người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng vì thấy sự đời trôi nhanh như một giấc mộng.
Từ chương XXI đến chương XXX, tốc độ kể chuyện đã bắt đầu giảm xuống chỉ còn một nửa so với phần truyện kế trước. Khoảng thời gian sự kiện là ba tháng và đánh dấu bằng sự xuất hiện của một nhân vật mới là ông già Hải Vân cùng với lời báo trước cho Long rằng anh sẽ gặp lại bố mẹ của mình trong 3 tháng tới.
chủ yếu xoay quanh phạm vi gia đình nghị Hách. Lỗi kể từ từ, chậm rãi cho từng câu chuyện được xây dựng như một ngòi nổ chậm cho trái bom đang chực chờ nổ tung trong gia đình của nghị Hách. Thế rồi, trái bom ấy đã thực sự nổ tung đúng như lời dự báo của Hải Vân về tất cả những chuyện nhơ nhớp, trái với luân thường đạo lý của gia đình Nghị Hách, đó là chuyện thông dâm của con trai và vợ lẽ của bố, cuộc loạn luân của hai anh em, vợ cả Nghị Hách gian dâm với một thằng cung văn…(chương XXIX). Tuy nhiên, Vũ Trọng Phụng vẫn còn muốt lột trần cho đến tận cùng bộ mặt giả nhân giả nghĩa của tên Nghị Hách. Đó chính là cảnh phát chẩn và nhận huân chương của Nghị Hách diễn ra chỉ sau một ngày khi câu chuyện dâm loạn của gia đình kia bị phơi bày. Để diễn trọn vai, nghị Hách còn phải tưởng tượng ra cảnh vợ con loạn dâm để cố ứa ra giọt nước mắt đau khổ vì thương dân để lừa dối dân nghèo. Dù biết Long là con trai ruột của mình nhưng vẫn tuyên bố gả Tuyết cho Long để lấy được cái tiếng là “bình dân”.
Đoạn kết của tác phẩm, tác giả đã kể chuyện với nhịp điệu nhanh dần bên trong nhịp điệu luân phiên để tạo nên sự bất ngờ ở phút chót là sự kết liễu đời mình của nhân vật Long một cách bi thảm, rùng rợn và đầy ám ảnh sau cuộc ăn chơi thác loạn.
Dưới ngòi bút sắc bén của Vũ Trọng Phụng, tính phức hợp của nhịp điệu kể chuyện cho thấy những biểu hiện khác nhau của các vận động tự sự như lược thuật, tỉnh lược, ngừng nghỉ và hoạt cảnh trong các tiểu thuyết - phóng sự và tiểu thuyết tâm lý đều được ông tận dụng triệt để và phát huy vô cùng hiệu quả. Các hoạt cảnh khắc họa nên tâm lý của từng nhân vật, khiến cho người đọc đồng cảm đối với số phận của từng nhân vật hơn bao giờ hết. Các ngừng nghỉ cũng khá đa dạng như giới thiệu nhân vật, tình huống, miêu tả phong cảnh, bình luận ngoại đề…
Trong diễn biến cốt truyện Giông tố, độc giả sẽ được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi những biến cố, sự kiện dồn dập, chồng chất, thậm chí là náo loạn. Nếu nhìn từ góc độ lời văn nghệ thuật cũng sẽ thấy nó góp phần tạo nên sắc thái nhịp điệu tiểu thuyết. “Giông tố” là trường hợp trung gian giữa tiểu thuyết – phóng sự và tiểu thuyết – tâm lý xét ở khía cạnh nhịp điệu kể chuyện. Nhịp điệu kể chuyện phức hợp phản ánh tính chất pha trộn loại thể của tiểu thuyết.