1.7.1. Trên thế giới
Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX người ta mới bắt đầu nghiên cứu nhiều tới UTTG. Năm 1983 J. Beck là người đầu tiên báo cáo một trường hợp UTTG. Năm 1909 Hedinger nêu ra sự sắp xếp giải phẫu bệnh lý, mặc dù ở thời kỳ này sự hiểu biết về UTTG còn nhiều hạn chế. Từ những năm 1940 trở đi mới có nhiều tác giả nghiên cứu về ung thư tuyến giáp. Marchant G là người có công lớn trong việc phân loại mô bệnh học UTTG. Đầu những năm 60, chẩn đoán bệnh tuyến giáp bằng chọc hút kim nhỏ đã được quan tâm nghiên cứu. Với các tác giả: Abramov, Myren C (1962): Nilsson L.R (1964); Crile G (1966); Grarib H, Goellner (1993) [39],[70].
Sau hội nghị quốc tế chống ung thư tại Genever (1968) phương pháp tế bào học được coi là phương pháp quan trọng nhất trong chẩn đoán các khối u tuyến giáp. Sau đó có rất nhiều tác giả nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán trong lĩnh vực này như: Nikitina N.M (1970); Zaza M (1974); Krisks K và Cs (1976)… Những năm trở lại đây nhiều tác giả vẫn tiếp tục nghiên cứu về tiêu chuẩn chẩn đoán TBH cho những típ mới hoặc những biến thể mới của khối u tuyến giáp: J.K.C Chan (1995); John Macdonald và cs (1995 - 2000), Zhu H, Hu DX (2004), Power C.N (2004). Về mô bệnh học có rất nhiều nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh tại các vùng khác nhau trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh ở hai giới, tỷ lệ của các típ mô bệnh học,…Nghiên cứu của Macdonald J.S và cs cho biết UTBMTG thể nhú, nang chiếm 81 - 87%, thể tủy chiếm khoảng 6 - 8%, các loại không biệt hóa và kém biệt hóa 5% [71].
Theo J.K.C Chan UTBMTG thể nhú > 60%, UTBMTG thể nang < 20%, còn lại là các ung thư khác. Các nghiên cứu của các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự.
Ngày nay có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về UTTG như: các phương pháp thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, các phương pháp sinh hóa, chất
chỉ điểm u, các oncogen và đặc biệt là chẩn đoán bệnh tuyến giáp qua CHKN và MBH được rất nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu.