Đối với tín ngưỡng, văn hoá truyền thống

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với đời sống đồng bào dân tộc Hmông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay (Trang 55 - 58)

B. NỘI DUNG

2.2.1.Đối với tín ngưỡng, văn hoá truyền thống

Với yếu tố nhất thần cao, cộng thêm với tính chất mạnh mẽ đến mức cực đoan về đức tin nên một trong những nét đặc thù cơ bản nhất của đạo Tin lành đó là trong quá trình phát triển ít có sự hội nhập văn hóa. Không những thế, đạo Tin lành còn “phủ nhận sạch trơn” văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Do đó đi đến đâu đạo Tin lành cũng thường gây ra sự xung đột về văn hóa giữa văn hóa lối sống Tin lành với văn hóa tín ngưỡng tại chỗ mà Tin lành xâm nhập và phát triển.

Thờ cúng tổ tiên và các vị thần là một nét đặc sắc về văn hóa, đạo đức và tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Hmông, nhưng đến khi theo đạo Tin lành thì bị xóa bỏ hoặc xem thường. Một bộ phận người Hmông hoang mang lo sợ, trông chờ, hy vọng đã nghe lời đài FEBC và một số “người truyền đạo” rằng, phải theo Vàng Trứ và muốn được công nhận chính thức là người theo Vàng Trứ, trước hết các gia đình Hmông phải thực hiện nghi lễ đuổi tổ tiên, đuổi thần nhà, thần cửa ra khỏi ngôi nhà của mình. Lễ nghi này được những người tích cực tự coi là “người truyền đạo” thực hiện. Công việc được tiến hành rất đơn giản, “người truyền đạo” cầm một bát nước lã tiến tới vị trí thờ tổ tiên, thần nhà, thần cửa nói đôi lời về Vàng Trứ và những điều “xấu” do “ma nhà”, “ma cửa” và tổ tiên gây ra cho con cháu rồi “đuổi” các vị thần đi bằng cách vẩy vài giọt nước lên vách nhà (nơi thờ các vị đó). Họ nói với đồng bào rằng:

“đó là nước thánh của Vàng Trứ, mỗi giọt nước nặng tới vài tấn”. Nhiều nơi, dưới sự giúp đỡ của “người truyền đạo”, chỉ trong một đêm đã có tới vài chục gia đình Hmông làm xong lễ “đuổi” thần nhà, thần cửa và tổ tiên để rồi từ đó họ từ bỏ tất cả mọi tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Dưới mái nhà của những gia đình theo Vàng Trứ không còn nơi thờ thần giường hay thần buồng, thần thuốc và “cột ma nhà”. Khi có người chết, người ta không còn làm lễ Qhuab ke - cúng “chỉ đường” đưa hồn người chết về với tổ tiên và nghiêm cấm mọi người không được khóc, không được thổi khèn hay đánh trống ma; nghi lễ linh thiêng giết trâu bò “làm hiếu” cho bố mẹ để thể hiện tấm lòng của các con cũng không còn nữa. Thậm chí, ở một số nơi khi mới theo Tin lành, người ta còn đơn giản cho rằng người chết không được chôn sâu để dễ bay lên theo Vàng Trứ hưởng hạnh phúc trên “lớp trời sáng sủa” - nơi không phải là thế giới tổ tiên của người Hmông.

Các hoạt động Saman giáo cũng bị loại bỏ, chỉ để tôn thờ một vị thần ma lớn nhất, đó là Vàng Trứ - Giêsu. Niềm tin vào Vàng Trứ của một bộ phận người Hmông đã biến các thầy pháp Saman trở nên “vô dụng”. Chẳng còn ai tin vào sức mạnh của thần linh ma quỷ; chẳng ai cần đến thầy pháp Saman mỗi khi họ gặp tai ương, bệnh tật và vị trí vốn được kính trọng của các Txir nênhz trong cộng đồng những người theo Vàng Trứ đã không còn. Có thể nói, những người tạo dựng nên hiện tượng tôn giáo này đang cố làm cho người Hmông tin rằng Vàng Trứ, Giêsu mới chính là ông tổ, là vua của người Hmông, là đấng cứu thế có thể đem lại cuộc sống sung sướng cho đồng bào.

Tôn giáo là một thành tố của văn hóa. Vì vậy, việc người Hmông bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Tin lành đã dẫn đến việc làm mất đi một phần văn hóa của họ. Cũng như nhiều dân tộc khác ở nước ta, dân tộc Hmông đã có một nền văn hoá lâu đời. Truyền thống văn hóa của người Hmông rất đa dạng và cũng rất độc đáo, biểu hiện qua các lễ hội, những câu chuyện cổ, dân

ca, âm nhạc, múa,… nhưng khi đạo Tin lành xuất hiện, những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hmông đã và đang bị phá vỡ. Hàng bao đời nay người Hmông sinh sống và cư trú theo dòng họ, huyết tộc. Họ sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Một khi đã là người của dòng họ thì phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cho dù sống ở đâu thì luật tục dòng họ cũng chi phối tới đó. Nhưng trước tác động của đạo Tin lành, tính cộng đồng, đoàn kết đó đang có nguy cơ mai một. Ở một số nơi khi người dân mới theo đạo Tin lành đã tạo ra tình trạng chia rẽ anh em trong họ hàng, giữa những người theo và những người không theo đạo Tin lành, con không nghe lời bố, em không còn nghe lời anh, vợ không nghe lời chồng. Thậm chí, anh em không muốn nhìn mặt nhau, từ bỏ nhau, ngay cả khi bố mẹ chết không đến chịu tang, không đến làm ma chỉ vì mình đã là người của Vàng Trứ. Ở một số nơi, người ta cấm cả trai gái hai bên không được tỏ tình với nhau, không được lấy nhau. Một số làng đã nảy sinh xung đột giữa hai nhóm chỉ vì những nguyên cớ đơn giản, dẫn đến đánh nhau, đổ máu,…

Theo đạo Tin lành, các lễ hội truyền thống của người Hmông cũng bị mai một dần, các sinh hoạt văn hóa như ca hát, thổi sáo, thổi khèn, ném còn,…không được người dân hưởng ứng như trước. Phải thừa nhận rằng, những người Hmông theo Tin lành đã ít chú ý đến các làn điệu dân ca, đến các nhạc cụ truyền thống của người Hmông, điển hình là khèn, kèn lá, kèn môi,...cùng những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn của người Hmông. Người Hmông theo đạo Tin lành cho rằng chiếc khèn của người Hmông, một loại nhạc cụ rất độc đáo được hình thành liên quan đến việc cúng tế người quá cố và sử dụng liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng nên hầu như họ không sử dụng. Những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn phản ánh lịch sử, tập quán của người Hmông nhưng vì nó liên quan đến tín ngưỡng nên cũng ít được những người Hmông theo đạo Tin lành nhắc tới.

Với sự du nhập của đạo Tin lành, vai trò của già làng, trưởng bản bị giảm sút, thậm chí là mất đi, nhường chỗ cho “một tầng lớp mới” - những người tích cực truyền đạo, mà tuổi đời hầu hết là thanh niên, trung niên và tầng lớp thanh niên chịu ảnh hưởng của Vàng Trứ đã mất đi ý thức tiếp nhận thuần phong mỹ tục truyền thống mà cha ông muốn truyền lại. Lớp người cao tuổi, già làng, trưởng bản không thể bảo ban, lưu truyền lại những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc cho thế hệ sau, dẫn đến hậu quả là nền văn hoá truyền thống của dân tộc Hmông có nguy cơ bị băng hoại, dòng chảy văn hoá dân tộc có thể bị đứt đoạn, đổi hướng.

Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của đạo Tin lành đối với tín ngưỡng, văn hoá của dân tộc Hmông thực sự là vấn đề cần quan tâm giải quyết, bởi vì đối với một dân tộc thì văn hoá còn, dân tộc còn. Đứt đoạn văn hoá, vứt bỏ văn hoá, dân tộc đó có thể còn nhưng là một dân tộc khác lạ; một dân tộc bị đồng hoá, mất sức sống, và không còn là chính mình nữa.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với đời sống đồng bào dân tộc Hmông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay (Trang 55 - 58)