B. NỘI DUNG
1.3.1. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân quá khó khăn
Dân tộc Hmông thường cư trú ở những vùng núi cao, nền kinh tế chủ yếu vẫn mang tính chất tự cung, tự cấp, phương thức canh tác chính là đốt rừng làm nương rẫy, khai phá ruộng bậc thang. Do vậy, trong các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc thì người Hmông là người được quan tâm theo cách riêng, được bao cấp nhiều nhất. Vào giữa những năm 1980, cuộc sống của đồng bào Hmông ở các tỉnh miền núi phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn do xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Sau đó, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, lâm sản ít đi, đặc biệt là vào năm 1991 Đảng và Nhà nước ta chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện - vốn là nguồn sống chủ yếu của đồng bào Hmông. Xóa bỏ cây thuốc phiện là chủ trương đúng, nhưng thời kỳ đầu xóa bỏ cây thuốc phiện việc lấy cây gì, con gì thay thế chưa có nên làm cho đời sống của đồng bào càng khó khăn hơn. Có thể nói, xóa bỏ cây thuốc phiện được ví như là một “cú sốc” về kinh tế đối với một bộ phận người Hmông.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã giúp đất nước ta thoát khỏi được khủng hoảng, từ đó ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nhưng cũng chính nền kinh tế thị trường đó đã làm cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc, giữa miền núi với đồng bằng, giữa vùng sâu, vùng xa với thành phố, thị xã; giữa người Hmông với các dân tộc khác.
Từ những điều phân tích trên đây để thấy có lý khi tác giả Nguyễn Thanh Xuân đặt vấn đề tại sao người Hmông lại theo đạo Tin lành giữa những
năm 1980 - khi đất nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường; tại sao người Hmông theo đạo Tin lành lại tăng lên mang tính “đột biến” vào đầu những năm 1990 - khi Nhà nước ta có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện - nguồn kinh tế quan trọng của người Hmông ở Việt Nam. Xét về phương diện đời sống kinh tế liên quan đến tôn giáo, các nhà kinh điển đã nói
“nghèo đói là cơ hội của Chúa”.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Hmông như trợ cấp cho đồng bào, đầu tư vốn phát triển các dự án, các nghành sản xuất, vận động định canh định cư để ổn định cuộc sống cho đồng bào. Nhưng một phần do vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án, một phần yếu kém do chủ quan trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư, đồng thời do trình độ sản xuất ở đây còn thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp đã tạo ra những khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đời sống của đồng bào Hmông vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc được xếp vào loại nghèo nhất cả nước, trong đó Lai Châu và Điện Biên là hai tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn quốc. Sau hơn ba mươi năm đất nước thống nhất, đến năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên là 36,75%. Còn Lai Châu, đến năm 2006, hộ nghèo chiếm 50,9%; ở một số xã tỷ lệ này là trên 90%. Huyện Sìn Hồ và Mường Tè của tỉnh này đến nay vẫn là hai huyện nghèo nhất nước [79]. Theo đó, ở hai tỉnh này trong thời gian qua, tình hình đạo Tin lành trở nên phức tạp hơn nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực.
Đời sống vật chất khó khăn, kéo theo đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào lại quá nghèo nàn. Người dân không có phương tiện để thưởng thức văn hoá, văn nghệ, giải trí; nhiều sinh hoạt văn hoá dân tộc truyền thống tốt đẹp bị mai một; phát thanh, truyền hình còn hạn chế cả về nội dung và diện phủ sóng. Ở nhiều địa phương, đời sống tinh thần của đồng bào hầu như
không có gì đáng kể ngoài các cuộc tang lễ, cưới xin, cúng tế với hủ tục nặng nề, tốn kém.
Những khó khăn về đời sống vật chất cộng với những thiếu hụt về đời sống tinh thần đã làm cho cuộc sống của đồng bào trở nên bế tắc, khủng hoảng niềm tin, họ hy vọng vào những lực lượng siêu nhiên, thần bí, tin vào sự cứu vớt của những nhân vật ảo tưởng. Trong hoàn cảnh như vậy đài Manila đã thuyết phục được một số người Hmông theo đạo Tin lành. Mặt khác, khi truyền đạo các lực lượng truyền đạo đã lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế của đồng bào để thực hiện mục đích truyền đạo Tin lành thông qua việc trợ cấp tiền, đô la, dịch vụ sinh hoạt,…vì thế có không ít đồng bào tin theo, vì hỗ trợ vật chất lúc này dù ít nhưng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Như vậy, trình độ thấp kém về kinh tế và những khó khăn trong đời sống là một trong những nguyên nhân cơ bản của việc một bộ phận người Hmông theo đạo Tin lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Thực tế này đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ đó là không ngừng tăng cường các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong vùng.