5. Cấu trúc của luận văn
2.2. Tình yêu thiên nhiên
Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thơ. Là đối tượng phản ánh, là nơi kí thác tâm sự hoặc làm nền cho những trạng thái cảm xúc. Ở mỗi nhà thơ thiên nhiên mang một dấu ấn phong cách độc đáo riêng. Người ta nhắc đến thiên nhiên sống động, say đắm như dậy xuân tình trong thơ Xuân Diệu ; thiên nhiên lạnh, rợn ngợp mang nỗi niềm u uẩn trong thơ Hàn Mặc Tử ; thiên nhiên làng quê với con sông, bến nước, con đò, hàng cau mang chân tình người chân quê trong thơ Nguyễn Bính ; thiên nhiên vũ trụ bao la thăm thẳm trong thơ Huy Cận. Ở Lưu Trọng Lư, thiên nhiên mang nét riêng – đẹp tinh tế và đầy sáng tạo, nồng ấm tình đời, tình người. Trong khi miêu tả thiên nhiên, dường như ông đã tinh tế hút lấy cái thần, cái hồn của thiên nhiên để bộc lộ cảm xúc nơi trái tim mình đồng thời gửi gắm tâm hồn vào thiên nhiên làm cho cảnh vật sống động, chất chứa nhiều tiếng nói từ bên trong.
Vốn là người yêu cái đẹp, nhạy cảm với cái đẹp, luôn đi tìm và chắt chiu cái đẹp từ cái đẹp thanh cao đến cái đẹp bình dị đời thường, thiên nhiên trong
thơ Lưu Trọng Lư có lẽ thế mà được miêu tả ở phương diện thi vị và nên thơ. Ta bắt gặp hình ảnh quê hương trong vẻ đẹp của nắng mới :
Mỗi lần nắng mới hắt bên song Xao xác gà trưa gáy não nùng
(Nắng mới) Vẻ đẹp quyến rũ của chú nai vàng ngơ ngác trong rừng thu :
Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng thu)
Và một vẻ đẹp êm đềm của mảnh vườn xưa sum suê cây trái.Tiếng chim hót vui như lòng người trong cảnh :
Ôi ! cành bưởi, cành đào Cơn bão trước, cơn bão sau Hai mươi năm. Vườn mẹ Bầy chim tuổi trẻ
Con bồ chao, con sáo sậu, con vàng anh Inh ỏi hót khắp cành!
Có thể nói,hồn thơ Lưu Trọng Lư nhạy cảm đến mức dễ bắt lấy vẻ đẹp, của thiên nhiên, ở mọi lúc mọi nơi. Tác giả đã có những phát hiện tinh tế và thi vị hóa khi miêu tả thiên nhiên. Ông chú ý đến những tia nắng bên song, vẻ đẹp của chú nai vàng trong rừng thu, và vườn mẹ, sự tượng trưng cho vườn đất nước. Nên bức tranh thiên nhiên ở đây còn đẹp đến ngỡ ngàng.
Giữa vườn xưa
Diều quạ mới bay qua, Súng vai em còn nhún nhảy Tóc em còn bùn vấy … Vườn xưa Gió mưa Từng trang sử sáng ngời (Vườn mẹ)
Hạ Long với cảnh trời mây non nước khoáng đạt hiện lên trong những khoảnh khắc thời gian và không gian khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm ; đó là những nét đẹp vừa rực rỡ vừa thanh thoát, vừa thực lại vừa ảo. Cảnh đẹp có được do cái nhìn tình tứ đắm say của thi nhân.
Em vừa khoác nhiễu làm sương Đã vân tím nhạt chuyển sang lụa đào Buồm bay hay cánh hải âu
Nắng vàng thu hay nắng đầu xuân tươi …
Biển trời : hai gái sinh đôi
Thuyền trôi hay chính núi trôi bập bềnh Cảnh sao thật, nét sao tranh
Nét oai dáng hổ, nét tranh vẽ Kiều
(Thu Hạ Long)
Thiên nhiên trong thơ Lưu Trọng Lư phong phú giàu màu sắc. Thơ ông ngập những trời, mây gió, trăng hoa, chim cá, phượng, dừa, quýt, sim, … Đương nhiên, tình yêu thiên nhiên và khát vọng chất chứa tất cả là khuynh hướng tất yếu của một tâm hồn nồng hậu, giàu cảm xúc và ân tình gắn bó với cuộc đời.Bên cạnh đó, ta cũng bắt gặp thiên nhiên phong phú ấy với những hình ảnh cụ thể, trở đi trở lại như: mùa thu, sông biển, trăng, cỏ cây, hoa lá, gió mây, …
Viết về mùa thu không riêng gì Lưu Trọng Lư, nhìn chung những bài thơ hay về mùa thu của các nhà thơ Thơ mới đều gợi về những nỗi buồn, sự ám ảnh cô đơn : đó là Tình quê của Hàn Mặc Tử, Thu rừng, Nhớ hờ của Huy Cận, Xuân Diệu gồm có Đây mùa thu tới, Ý thu, Thu, Chiều, Thơ duyên, … Bài Đây mùa thu tới là bắt một cái nhìn viễn cảnh, nên bức tranh thiên nhiên mang một nỗi buồn đìu hiu tang tóc :
Rặng liễu điều hìu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
…
Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
(Đây mùa thu tới)
Nguyễn Khuyến nhà thơ làng cảnh của Việt Nam cũng đã có cả một chùm thơ về mùa thu mang âm hưởng buồn nhưng tâm hồn nhà thơ thì lại “điềm đạm đến dửng dưng ” : “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt Ngõ trúc quanh co khách vắng teo Tựa gối ôm cần lâu chẳng được Cá đâu đớp động dưới chân bèo
(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
Cùng chung tâm trạng ấy, trước mùa thu. Lưu Trọng Lư khi sầu biêng biếc, khi buồn u uất, khi thì lạnh lẽo cô đơn. Mùa thu sương mờ tỏa khắp trên cành cây, ngọn cỏ, quang cảnh tạo vật nhuốm vẻ u trầm, tĩnh mịch, lá cây hẹn nhau xào xạc, tung bay báo tin thu tới trước những cô phòng của gia nhân đã mờ mắt đợi người trong mộng. Ông không khỏi thấy động lòng mà viết lên Tiếng thu.
Tiếng thu là nỗi buồn, nỗi cô đơn thầm kín của người đẫm mộng và nặng lòng dấu yêu. Tiếng thu là tiếng thì thầm kín đáo đi vào thế giới bên trong và lắng sâu trong tâm trạng. Các nhà Thơ mới đều tinh tế và sớm cảm nhận những âm thanh thì thầm : “Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”. Lưu Trọng Lư cũng nói tới “Những điệu huyền bay lạc khắp thôn – Từng nhà đây đó hẹn nhau buồn ”. Như
có sự giao cảm trong không gian và thời gian trong không khí của mùa thu. Cảnh vật mùa thu bao giờ cũng mở ra với hiện tại và khép lại với quá khứ nên cảm xúc và hình ảnh thơ đi về linh hoạt với thời gian. Tiếng thu tiếp theo với những câu hỏi tu từ gợi cảm.
Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô ?
Bức tranh đẹp về mùa thu có màu sắc và nhiều âm thanh xao động. Màu vàng tượng trưng cho mùa thu đã đến trong thơ Nguyễn Khuyến ( “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo ” ) ; rồi nhà thơ Tản Đà, Thơ mới đã góp phần chiếm lĩnh vẻ đẹp của mùa thu. Xuân Diệu rất gợi cảm với hình ảnh “Đây mùa thu tới, mùa thu tới – Với áo mơ phai dệt lá vàng ” và sắc vàng đã quy tụ trong thơ Lưu Trọng Lư : bóng nai vàng trên rừng thu xào xạc lá vàng khô. Cái đẹp của mùa thu khơi gợi những cảm xúc thầm kín của những tâm hồn đa cảm.
Mùa thu dường như có mặt trong thơ Lưu Trọng Lư ở những thời điểm có ý nghĩa cho tình yêu đôi lứa, vầng trăng thu chứng kiến bao vui buồn của đôi trai gái (Tình điên). Ngọn gió thu về mang theo vui buồn cho tình yêu tuổi trẻ.
Mây trắng bay đầy trước ngõ tre Buồn xưa theo với gió thu về Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc Mộng nở trong lòng sắc đỏ hoe
(Mây trắng)
Và một mùa thu chia xa chất chứa cái man mác, xao xuyến của nỗi lòng đôi lứa ngưng đọng lại trong giây phút chia ly :
Những ngày mưa lạnh, gió lê thê Ta muốn trần gian ngớt tiếng đi Ta muốn ngựa xe đừng rộn nữa Âm thầm trong những buổi chia ly
(Chia ly)
Lưu Trọng Lư, bằng tình cảm say sưa và sự cảm nhận thẩm mỹ tinh tế, ông viết về mùa thu hiện lên không chỉ có ý nghĩa cho tình yêu đôi lứa và những nỗi buồn chia xa chất chứa,… mà còn viết về mùa thu mang nét tươi mới của cuộc sống trong niềm vui ánh sáng của Đảng của Cách mạng.
Ngủ rồi những tứ thơ buồn thu trước Tình yêu không cô quạnh nữa người ơi …
Ngán ngẫm trận mưa dài bến cũ Nắng thu về đẹp giữa bờ mi (Nắng thu về)
Bên cạnh mùa thu, ánh trăng trong thơ Lưu Trọng Lư cũng có một dấu ấn đặc biệt. Trong thơ ông hầu như chỗ nào cũng vời vợi ánh trăng. Nếu như trăng trong ca dao là chung chung bất biến :
Hỡi cô tát nước bên đường Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Thì đến Thơ mới, trăng thực sự có nhiều màu, nhiều vẻ. Các nhà Thơ mới không chỉ nói đến ánh trăng vàng tĩnh lặng mà :
Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ
(Xuân Diệu) Trăng kì dị, “gợi tình” trong thơ Hàn Mặc Tử :
Trăng nằm sõng soài trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi
Trăng điên cuồng trong thơ Chế Lan Viên :
Ngụp lặn trong đống vàng hỗn độn Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da
Không táo bạo như trăng của hai nhà thơ trên, trăng trong thơ Lưu Trọng Lư hiền lành hơn, mơ màng và huyền ảo hơn, và thường là ngậm ngùi, cũng buồn cùng nhà thơ. Thơ cũng có ánh trăng vàng tĩnh lặng của ca dao nhưng trăng của ông có hồn hơn, động hơn, nó là cảm xúc, cảm giác, là tâm trạng của con người. Chẳng hạn : trăng rụng dưới cầu, trăng giãi bên thêm ái ân, trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn, trăng hiu quạnh, trăng mơ màng, trăng não nùng, trăng huyền ảo, trăng lạnh, trăng sầu,… trăng trong thơ ông thật đẹp nhưng buồn, nó gợi những gì xa xăm, huyền ảo, mông lung. Người đã mang hồn mình gửi vào ánh trăng kia.
Đêm khuya trăng động trong cây lá Vò võ ta nghe mấy đoạn sầu
Cũng là trăng bao đời những dáng vẻ, phẩm chất của trăng không hoàn toàn giống với thơ xưa. Trăng không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của
thiên nhiên, là đối tượng thưởng ngọn của con người mà nhiều khi trăng như một nhân vật biết sầu, biết mơ màng, thổn thức. Có được điều đó là do tác giả gắn trăng với cái tôi của mình, phú cho trăng những phẩm chất và tình cảm như ở một con người. Chẳng hạn : trăng thu, trăng sầu, trăng vàng, trăng lạnh, trăng mờ, trăng mơ trên làn tóc, trăng nội mơ màng, trăng ngậm buồn,…
Trăng cũng vui đùa nghịch ngợm (gió đùa trăng, trăng động trong cây lá, trăng
rụng dưới cầu,…). Có khi (trăng treo cửa sổ, trăng nở đầy buồng, trăng buông lạnh lùng),… Đây là những câu thơ mang đặc trưng mà Lưu Trọng Lư nói về trăng trong thơ
của mình.
- Huyền ảo như giăng lọt khẽ mành
- Tình yêu như bóng giăng hiu quạnh - Trong bóng giăng vời vợi
- Quạnh qũe đêm soi bóng nguyệt tà
Đặc biệt hơn với ánh trăng mờ thổn thức trong bài Tiếng thu.
Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức
Thực đó là tiếng thổn thức vô hình trong không gian mờ trăng của đêm thu. Không ai đo được âm hưởng của tiếng thổn thức này, nó im lặng và lòng người cảm được nó. Ở đây, có sự cộng hưởng của ngoại cảnh và nội tâm. Một ngoại cảnh động : có trăng mờ thổn thức, có lá thu kêu xào xạc, có con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô, nhưng lòng người lại buồn và mang nặng nỗi cô đơn.
Thiên nhiên phong phú đáng yêu là vậy. Có những điều ta ít để ý hay vô tình lướt qua thì Lưu Trọng Lư lại dừng lại, quan sát và cảm nhận tinh tế. Chúng ta vẫn ngắm trăng đêm nhưng ít được ý hay như Lưu Trọng Lư. Vẻ đẹp của ánh trăng được hòa lẫn với đất nước, tổ quốc.
Tổ quốc đêm nay sáng lạ thường Hai miền sông núi dạt vào trăng Nhìn ra đầu pháo trăng chao lượn Ngoảnh lại trông trăng múa tận giường
(Trăng)
Ánh trăng luôn rọi vào thơ Lưu Trọng Lư khiến cho nó có cái vẻ đậm đà, ý nhị, tình tứ tươi trẻ. Ánh trăng không chỉ biểu hiện tâm hồn đa cảm của thi nhân mà rộng hơn thể hiện sự giao cảm và tin yêu của thi nhân đối với thiên nhiên đất nước.
Trong thơ Lưu Trọng Lư thiên nhiên rất phong phú. Ngoài hai hình tượng khai thác ở trên, ông còn có rất nhiều phát hiện tinh tế, độc đáo. Về một mùa đông bên nhau đã đi qua “Qua rồi mùa ân ái – Đàn sáo đã sang sông” (Mưa … mưa mãi), mùa xuân về lại cảm nhận “Rồi ngày lại ngày – Sắc màu phai – Lá cành rụng …” (Xuân về).Và cả cái nhiệt thành của mùa hạ với (Mộng chiều hè). Viết về thiên nhiên, Lưu Trọng Lư còn say mê nồng nàn với sông biển. Sinh ra lớn lên ở một làng quê làm nghề chài lưới, bên bờ sông Gianh. Có lẽ vì vậy mà gió biển đã thổi vào thơ Lưu Trọng Lư. Trong thơ ông biểu hiện rất phong phú với cảnh nước sông, biển, trời xanh, những cánh chim bay giữa tầng không, những đoàn thuyền đánh cá, tiếng sóng, rồi những cá nục, cá ngừ, con én, con nhạn trên bờ lướt sóng,…
Biển cũng mang nhiều sắc thái. Có khi dịu hiền âu yếm:
Biển như cô gái mười lăm Vừa tỉnh giấc mơ thần
Có khi biển cuồng phong trong nỗi căm hờn giận giữ :
Ngoài khơi con chuồn, con nục Mùa nước trong hay mùa nước đục ….
Con nhạn, con én bên bờ Cũng qua đầu tôi lướt sóng
(Sóng vỗ Cửa Tùng)
Thơ viết về biển của Lưu Trọng Lư bao giờ cũng dạt dào tiếng sóng. Cũng như biển sóng mang nhiều sắc thái. Có khi sóng dịu dàng duyên dáng.
Cát cồn sóng vỗ cành dương
Những em năm trước súng trường trên vai Có khi sóng gầm vang tố cáo tội ác của quân thù :
Những sóng thần đầu bạc phơ phơ Không kinh, không sợ bao giờ
…
Từ trăm nghìn sãi nước Hãy nhô lên
Gầm lên
Và Lưu Trọng Lư còn mượn tiếng sóng để diễn tả tâm tình :
Nằm trong sóng vỗ đôi bờ
Biển luôn xuất hiện trong thơ Lưu Trọng Lư làm cho thơ ông có một khung cảnh rộng lớn. Và Chế Lan Viên đã nhận xét rất tinh rằng : “Dù anh viết khá hay về biển, nghĩ đến anh tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của dòng sông ” [21;162]. Qủa là những bài thơ viết về dòng sông của Lưu Trọng Lư đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Đó có thể là dòng sông quê hương êm đềm ân nghĩa thủy chung trong kỷ niệm : Giang hồ,... Dòng sông giới tuyến đau nhói nỗi cắt chia : Sóng vỗ Cửa Tùng, Người con sông Gianh : Những dòng sông gắn với tâm trạng và nỗi niềm tâm sự : Tâm sự đôi bờ, Trăng sáng đôi bời,... và sông nước nơi nhà thơ đã từng đi qua : Mẻ chài sớm hôm ấy, Mẫu nhật ký Hàm Rồng, Dòng Đanuýp xanh,… những con sông ấy chảy qua tâm hồn nhà thơ mang cái tạng riêng : Không cồn cào nổi sóng mà bằng lặng hiền hòa, có nghiến răng căm hờn mà không gào thét, có niềm vui gặp gỡ mà không quằn quại trào nước mắt. Có thể nói ở hình tượng dòng sông, thơ Lưu Trọng Lư có những sáng tạo và có sức rung động thẳm sâu vào lòng người đọc. Cùng với sông, biển, ánh trăng thơ Lưu Trọng Lư còn rợp đầy sức xanh của cỏ cây, hoa lá. Ta bắt gặp trong thơ ông thế giới cây cỏ phong phú gần gũi đời thường : Cây mồng tơi, cây đào, cây xoan, sim, ngò cải, bầu bí, cây chuối, cam quýt, bưởi, dừa, phượng, liễu,…. Riêng về hoa có nhiều bài viết : Hoa đào, hoa mai, hoa sen, hoa xoan, hoàng lan, tử vi, hồng, huệ,…
Hoa lá cỏ cây đã trở thành bầu bạn, gắn với niềm vui nỗi buồn và như một phần đời của thi nhân (Mưa … mưa mãi, Xuân về). Nói cái xao động của lòng mình Lưu Trọng Lư cũng nói bằng cây lá.
Ta mơ trong đời hay trong mộng Vùng cúc bên ngoài, đọng dưới sương
Khi hoa lá gắn với tình yêu nó trở thành biểu tượng cho tình yêu đẹp và đầy ước vọng.
Chờ em dưới gốc sim già nhé Em hái đưa anh đóa mộng đầu
(Tình điên)
Viết về thiên nhiên ngoài nắng, cỏ, cây, hoa, lá trong thơ Lưu Trọng Lư còn có cả sương, gió, mây, … tất cả đều rất phong phú.