Vào tháng 1/2016, NHTW Nhật Bản (BOJ) đã quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu tiên trong nỗ lực chống giảm phát trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và kinh tế toàn cầu bất ổn.
Theo chính sách mới, lãi suất hàng năm được ấn định ở mức - 0,1% đối với một số tài khoản do các thể chế tài chính nắm giữ ở BOJ nhằm khuyến khích đưa lượng tiền này trở lại nền kinh tế thông qua chi tiêu hoặc tái đầu tư. Trong thời gian đầu, khoảng 10.000 tỷ yên (88 tỷ USD) bị áp dụng lãi suất trên, chiếm khoảng 4% tổng số tiền trong các tài khoản ngân hàng và BOJ có kế hoạch giữ con số này ở mức từ 10.000-30.000 tỷ yên. Trong khi đó, BOJ sẽ tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỷ yên tiền gửi trong năm 2015 thông qua việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngoài ra, mức lãi suất 0% được áp dụng với 40.000 tỷ yên tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cung cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BOJ thúc đẩy cho vay đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai. Hàng tháng, BOJ sẽ tăng lượng tiền được hưởng lãi suất 0% nhằm tránh các tác động ngược thái quá lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.
BOJ đã thông báo chính sách trên từ ngày 29/1 vừa qua như một biện pháp nhằm thúc đẩy cho vay và hỗ trợ hoạt động kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho rằng chính sách mới sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng và đầu tư, đem lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều là tiền gửi và tiết kiệm, sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cho biết cần có thời gian mới thấy được hiệu quả.
Sau một vài tháng áp dụng, đã có một số vấn đề được đặt ra:
- Việc áp dụng chính sách lãi suất âm đã ngay lập tức tác động đến thị trường tài chính tiền tệ của Nhật Bản và thị trường trái phiếu là một trong những kênh chịu tác động mạnh nhất khi ảnh hưởng đến động lực nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng tại quốc gia này.
Lợi tức trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm, ở mức 0,22% vào ngày trước thời điểm công bố đã ngay lập tức giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử 0,06% và hiện đang ở mức âm. Lợi tức của các trái phiếu ngắn hạn dưới 8 năm cũng đã rơi xuống mức âm. Rõ ràng tác động đối với thị trường là rất đáng kể.
Khoảng 70% trái phiếu Chính phủ Nhật đang lưu hành hiện có mức lợi suất bằng hoặc dưới 0%, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư phải trả lãi để được cho Tokyo vay nợ. Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc BoJ cho rằng, đẩy đường cong lợi suất xuống để giảm chi phí đi vay và khuyến khích hoạt động cho vay là mục đích của chính sách mới.
Tuy nhiên, những động thái này đang gây tổn hại cho thị trường trái phiếu Nhật. Trong một cuộc khảo sát do BoJ tiến hành, 69% số nhà giao dịch trái phiếu được hỏi cho biết chức năng của thị trường trái phiếu đã suy giảm trong những tháng gần đây. Chính phủ Nhật Bản là người đi vay nợ và không có lý do gì mà người cho vay phải trả thêm tiền cho người đi vay (vốn đang kẹt trong đống nợ nần) nếu không tìm ra người khác chấp nhận mức lãi suất âm hơn nữa. Thực tế hiện nay, các nhà giao dịch trái phiếu tại Nhật Bản sẽ mua một lượng lớn các trái phiếu lãi suất âm từ chính phủ và sau đó đó bán chúng cho BoJ với lãi suất còn âm hơn nữa, để nhận được mức chênh lệch.
Vậy thực sự mà nói, chính BoJ mới là người in tiền để tài trợ cho thâm hụt của chính phủ chứ không còn là người cho vay trên thị trường. Hay nói cách khác, chính BoJ đang trả lãi cho chính phủ Nhật Bản thông qua cơ chế lãi suất âm và làm méo mó thị trường trái phiếu Nhật Bản.
Lượng trái phiếu do các ngân hàng Nhật nắm giữ đã giảm khoảng 43% kể từ thời điểm năm 2013 khi BoJ thực hiện chính sách nới lỏng định lượng thông qua việc mua lại các trái phiếu. Sau khi chính sách lãi suất âm áp dụng, lượng trái phiếu còn giảm mạnh hơn.
Cụ thể, số lượng trái phiếu chính phủ Nhật do các ngân hàng nắm giữ đã giảm 5,5% trong tháng 4 vừa qua so với 1 tháng trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2013. Tính đến thời điểm hết tháng 4/2016, quy mô thị trường trái phiếu Nhật hiện ở mức 94,7 nghìn tỷ yên (tương đương 887 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Với việc nhu cầu đi vay và tiêu dùng của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn đang ở mức yếu, lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế trong thực tế lại quay trở về tài khoản của NHTW. Điều này đồng nghĩa với việc trong thực tế lượng tín dụng cung ứng ra nền kinh tế hầu như không tăng thêm và hiện vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
- Với những kênh khác:
Ngay sau khi BoJ công bố mức lãi suất tiêu cực, khoảng 1/3 số tiền này đã ồ ạt được rút ra. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang có một hệ thống thanh toán vô cùng phức tạp dẫn đến hệ lụy người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại sử dụng tiền giấy. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng e ngại lãi suất âm sẽ không hiệu quả mà còn gây “tác dụng phụ” cho nền kinh tế.
Thứ nhất, người tiêu dùng trong trường hợp có lãi suất âm, sẽ rút tiền và giữ tiền ở nhà, như thế, không thể kích cầu cho nền kinh tế.
Thứ hai, khi người dân cất tiền ở nhà, ngân hàng sẽ thiếu tiền để cho vay. Do đó, họ sẽ phải “chủ động” tăng lãi suất huy động. Nên cho dù ngân hàng Trung ương đưa lãi suất về âm, các ngân hàng thương mại sẽ không làm vậy vì sợ mất khách hàng.
Thứ ba, cắt giảm lãi suất khó có thể thúc đẩy tiêu dùng khi niềm tin của người dân về tương lai chưa rõ ràng. Và cuối cùng, việc thực hiện chính sách này có thể tiếp tục đẩy mạnh xu hướng cất trữ tiền mặt tại nhà.