(Lớp 10A – nhóm I)
Phạm Thị Thùy Giang Nguyễn Thái Tuấn
Vũ Thị Thanh Huyền Vũ Việt Dũng
Lê Minh Nghĩa Nguyễn Thị Khánh Linh
Nguyễn Thị Hương Ly
Hàng trăm năm qua, gốm Bát Tràng đã là một “thương hiệu” nổi tiếng từ Bắc vào Nam và tiếng tăm còn vượt cả ra ngoài biên giới. Gốm Bát Tràng hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, gốm Bát Tràng đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ… Nhưng cũng từng ấy thời gian, gốm Bồ Bát lại là một cái tên gần như bị lãng quên khiến ít người biết rằng đó là tổ nghề của gốm Bát Tràng.
Những tưởng cái tên làng gốm Bồ Bát xưa sẽ mãi chỉ thuộc về kí ức của những người trong thôn thì thật may mắn khi vào năm 2006 anh Phạm Văn Vang (ngụ tại thôn Bạch Liên-xã Yên Thành- huyền Yên Mô- tỉnh Ninh Bình) sau nhiều năm “khăn gói” lên Bát Tràng học lại nghề tổ đã về quê xây dựng lại thương hiệu gốm Bồ
Bát xưa và mở ra một xưởng gốm mới với diện tích 300m2 đồng thời tình nguyện truyền đạt nghề đến với những người dân nơi đây.
Làng gốm Bồ Bát xưa, nay là thôn Bạch Liên thuộc xã Yên Thành huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Theo sử sách ghi lại làng gốm Bồ Bát đã nổi danh cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sáp trắng độc đáo và nhiều chủng loại. Thời Lý Trần những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung mang tên “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (loại gạch chuyên dùng để xây thành) Bên cạnh đó còn có không ít những di vật gốm tinh xảo như đầu rồng, linh thú,… đã được tìm thấy khi khai quật khảo cổ tại khu vực đền vua Đinh, vua Lê.
Để có thể làm ra một sản phẩm gốm nghệ thuật thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên đó là khâu làm đất hay còn gọi là thấu đất. Những khối đất được lấy tại chính vùng đất trong thôn được đem về xưởng để ngâm vào bể chứa. Trong bể chứa chia làm 4 ngăn bể với những chức năng riêng để xử lí đất sét như: bể đánh để ngâm đất sét trong vòng 3-4 tháng cho đất chín rồi đánh thành dịch lỏng đổ sang bể lắng. Khi các chất tạp nổi lên trên bề mặt dịch lỏng sẽ được tách ra khỏi tạp chất và đưa sang bể phơi trong khoảng 3-4 ngày. Và cuối cùng dịch lỏng được đưa sang bể ủ. Đất ủ càng lâu sẽ có thể làm ra sản phẩm càng tốt.
Sau khi đã xử lí tốt đất sét sẽ chuyển sang công đoạn tạo hình sản phẩm (chuốt gốm). Có 3 phương pháp tạo hình chính là: Tạo hình trên bàn xoay; tạo hình bằng khuôn và nặn đắp bằng tay. Cũng có những sản phẩm được tạo bởi sự kết hợp của cả 3 phương pháp trên. Với phương pháp tạo hình đắp nặn bằng tay thì yêu cầu kỹ thuật rất cao được thể hiện rõ qua hình ảnh các con kê; đỉnh gốm, bao nung, lon, vại, các loại linh thú, tượng… Phương pháp thứ 2 là phương pháp tạo hình trên bàn xoay. Đây là phương pháp đã có từ rất xưa. Đất luyện kỹ vừa, có độ dẻo được nặn thành dây dài to bằng cổ tay, người thợ chuốt ngắt từng đoạn, khoanh trũng giữa bàn xoay, chân phải đạp bàn, hai tay chuốt. Mọi sản phẩm to, nhỏ, dày, mỏng đều do hai bàn tay điều khiển, không có khuôn mẫu nhất định, kích thước từng cỡ do mực mắt, có sai lệch nhưng không đáng kể. Tạo hình bằng bàn xoay, thường dùng để sản xuất những sản phẩm gốm có kích thước lớn như: Chum, lọ, bình, âu…Và phương pháp thứ 3 là tạo hình bằng khuôn: Phương pháp này thường dùng để sản xuất các loại sản phẩm có khối lượng lớn như: Bát, đĩa, chén…
Sau khi trải qua khâu tạo hình, các sản phẩm được đem phơi khô và rồi được đưa vào khâu trang trí. Với những sản phẩm không cần họa tiết trên thân thì không trải qua khâu này. Người thợ dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hoà với dáng gốm, các trang trí hoạ tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm. Thợ gốm Bồ Bát cũng đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu… Với những sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao ở hình dảng thì sau khi chuốt và phơi nắng xong, khi nào đất se cứng thì tiến hành sửa, gọt, cạo nhẵn… theo đúng ý muốn. Các chi tiết khác như: quai, tai hoặc trang trí các hình động vật nổi, hoa lá… Tất cả đều được thực hiện ở giai đoạn này. Khắc vạch là phương pháp trang trí hoa văn chủ yếu. Người thợ gốm vẽ hoặc khắc vạch trực tiếp lên xương gốm sau đó đem nung. Một số sản phẩm gốm khác có hoa văn khắc chìm vào xương gốm được thực hiện bằng phương pháp in khuôn. Điển hình là các sản phẩm gốm men ngọc và gốm men hoa nâu. Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem
tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung. Người thợ gốm Bồ Bát thường chọn phương pháp tráng men trực tiếp lên trên sản phẩm mộc hoàn chỉnh. Sản phẩm mộc trước khi đem tráng men phải được làm sạch bụi bằng chổi lông. Những sản phẩm mà xương gốm có màu trước khi tráng men phải có một lớp men lót để che bớt màu của xương gốm, đồng thời cũng phải tính toán tính năng của mỗi loại men định tráng lên từng loại xương gốm, nồng độ men, thời tiết và mức độ khó của xương gốm…
Kĩ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men”, và khó hơn cả là hình thức “quay men” và “đúc men”. Quay men là hình thức tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc, còn đúc men thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm. Đây là những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng, vừa là kĩ thuật vừa là nghệ thuật, được bảo tồn qua nhiều thế hệ, thậm chí đã từng là bí quyết trong nghề nghiệp ở đây. Sau đó người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm lần cuối trước khi đưa vào lò nung. Trước hết phải xem kĩ từng sản phẩm một xem có chỗ nào khuyết men thì phải bôi
quệt men vào các vị trí ấy. Sau đó họ tiến hành “cắt dò”. Tức cạo bỏ những chỗ dư thừa men, công việc này gọi là “sửa hàng men”.
Cuối cùng
là đưa những tác phẩm nghệ thuật đó vào
lò
nung. Đây
là công đoạn quan trọng
quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Có nhiều loại lò được sử dụng. Nhưng phổ biến là lò cóc và lò bầu, gần đây là lò hộp. Nhiên liệu đun là củi, than cám hoặc gas. Tuỳ theo mỗi loại lò và mỗi dạng gốm cụ thể mà thời gian nung và nhiệt độ nung cũng khác nhau. Gốm đất nung ở nhiệt độ từ 600 – 900 độ C, gốm sành nâu từ 1100 – 1200 độ C, gốm sành xốp từ 1200 – 1250 độ C, gốm sành trắng từ 1250-1280 độ C và đồ sứ từ 1280 – 1350 độ C.
Sản phẩm gốm Bồ Bát hiện nay được rất nhiều người ưa chuộng. Các sản phẩm trên thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của xưởng gốm tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên gốm. Đến đây được chứng kiến các nghệ nhân trẻ tuổi miệt mài vẽ các họa tiết lên sản phẩm, hay nhào nặn đất… dường như tôi đã thấy cái khí thế của một làng nghề đang dần quay trở lại, dù còn nhiều khó khăn trước mắt. Vậy là tâm huyết của chàng thanh niên trẻ tuổi Phạm Văn Vang và người dân làng Bạch Liên đã
làm sống lại và đỏ lửa lò gốm cổ đã nguội tắt từ cách đây hàng trăm năm, sống lại thương hiệu gốm Bồ Bát.
Hiện nay thương hiệu gốm Bồ Bát được dần khẳng định mình trên thị trường trong nước. Và tôi tin rằng không bao lâu nữa những sản phẩm nơi đây sẽ vươn ra đấu trường gốm quốc tế. Nơi đây không chỉ là một địa chỉ lưu giữ những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao. Giữa bộn bề cuộc sống tấp nập nhưng nơi đây vẫn là một điểm đến một chốn đi về bình yên của con người. Nếu có dịp bạn hãy thử đến thăm làng gốm nơi đây để có thể trải nghiệm không khí làng nghề thủ công truyền thống.
Sản phẩm 6