(Lớp 10E – nhóm 6)
Lã Thị Hoa Nguyễn Minh Tiến
Vũ Thị Kim Oanh Hoàng Văn Dương
Phạm Thanh Hải Tạ Văn Đạt
Cách đây hàng ngàn năm trước, nhân dân ta đã biết làm và sử dụng đồ gốm, sứ. Bằng bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, các nghệ nhân đã cho ra đời những sản phẩm gốm sắc trắng.
Hàng trăm năm qua, gốm Bát Tràng hiện diện trong đời sống của mỗi gia đình, đi vào ca dao tục ngữ và là một thương hiệu vững chắc trong nước, đồng thời được mang xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhưng cũng bằng ấy thời gian, gốm Bồ Bát trở thành một cái tên gần như bị lãng quên, khiến cho không mấy người biết được rằng đó chính là cốt lõi để tạo ra gốm Bát Tràng ngày nay.
Làng Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát ( thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do bàn tay những người thợ tài hoa của làng sáng tạo ra. Điều này được xác nhận qua dấu tích lịch sử của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Thời Lý – Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” – loại gạch chuyên dung để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng… Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ để phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.
Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình ra Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và dần lãng quên đi cái nghề hưng thịnh một thời.
Anh Phạm Văn Vang, giám đốc Công ty TNHH Bảo Tồn và Phát triển gốm Bồ Bát, người đầu tiên xây dựng và hồi sinh nghề gốm cổ. Xưởng gốm Bồ Bát với quy mô hơn 500m2, là xưởng đầu tiên và duy nhất của làng Bạch Liên cho đến nay được dựng lên sau hàng nghìn năm chìm vào quên lãng. Sản phẩm chính của công ty là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, các sản phẩm mang hoa văn, họa tiết khác biệt, liên quan tới các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của mảnh đất cố đô như khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động… Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của xưởng gốm hiện đang tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên gốm.
Dù ngày nay, đã có các thiết bị máy móc tiên tiến nhưng để làm ra đồ gốm, người thợ phải trực tiếp làm các khâu trung gian như chọn, xử lí, pha chế đất, tạo dáng, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm đẹp, người thợ phải thật cẩn thận trong mọi công đoạn từ chọn đất cho đến ra sản phẩm. Tuy ngày nay đã có các khuôn mẫu, máy móc hiện đại nhưng vẫn không thể lơ là công đoạn này. Kinh nghiệm của người làm gốm xưa nay vẫn vậy: nhất xương, nhì da, thứ ba tạc lò. Cái cốt lõi là phải tạo được khung của sản phẩm rồi mới đến các công đoạn sau đó. Để tạo nên thành phẩm thì phải trải qua các quá trình: chọn đất, xử lí và pha chế đất, tạo dáng, chế tạo men, tráng men. Vì có máy móc tiên tiến và hiện đại nên một số quá trình đã bị lược bỏ nhưng không vì vậy mà làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Sau khi hoàn thành các công đoạn thì cho vào lò đốt. Có các loại lò như lò ếch, lò đàn, lò bầu, lò rồng, lò con thoi… nhưng sử dụng phổ biến nhất vẫn là lò tuy nen. Sau khi cho vào lò, người nghệ nhân xếp xen kẽ nhau tùy thuộc vào hình dáng, kích thước sao cho vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa đạt được hiệu nhiệt cao. Quy trình này được gọi là trồng lò. Sau khi trồng lò, mới đốt lò. Người nghệ nhân phải canh đủ 36 tiếng mới cho ra lò một mẻ gốm mới và đem về vẽ họa tiết.
Sản phẩm gốm Bồ Bát rất đẹp và mịn, những hoa văn họa tiết theo di tích lịch sử của Ninh Bình. Dưới đáy mỗi loại sản phẩm đều in logo bông sen và chữ “Bạch Liên”, có nghĩa là bông sen trắng. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các sản phẩm đẹp mắt, chất lượng ngày càng nâng cao, gốm Bồ Bát trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trở thành thương hiệu xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Với những ưu thế của gốm Bồ Bát, chúng tôi hi vọng sản phẩm sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Sản phẩm 5