CHÙA CỔ LINH

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong văn thuyết minh với chủ đề giới thiệu về địa phương Yên Mô (Trang 37 - 46)

(Lớp 10E – nhóm 2)

Vũ Phương Nhung Đỗ Thị Phương Thảo

Lã Thị Ngọc Anh An Viết Đạt

Đinh Thị Hà Giang Tạ Kim Dũng

Nguyễn Thị Thanh

Chùa có tên là ''Cổ Linh tự'' (chùa Cổ Linh). Theo truyền lại, chùa được khởi dựng cách đây khoảng 400 năm. Dưới sự quan sát của các nhà địa lý đã phát hiện ra khu đất có hình chữ ''Vương'' ( ), phong thủy hữu tình, linh khí hội tụ nên đã chọn để dựng chùa.

Thế kỉ 17, nhà Trịnh thấy chùa có địa thế đẹp nên đã lấy quyền nhà chúa để chuyển chùa về cuối làng (vị trí của chùa Phượng Ban ngày nay) và đặt lăng mộ của gia tộc nhà Trịnh vào đất chùa. Từ đó dân cư trong làng bất an, đầu đinh suy giảm, chăn nuôi khó khăn, dịch bệnh hoành hành, lòng dân hoang mang lo sợ. Cho đến khi nhà Trịnh thất thủ dưới triều Tây Sơn, dân làng đã chuyển chùa tọa lạc tại vị trí cũ. Thăng trầm lịch sử, chùa trùng tu nhiều lần, nhưng hiện nay về cơ bản chùa vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Cũng từ đó, chùa có tên ''Cổ Linh Tự'' để khẳng định sự cổ kính và linh thiêng của ngôi chùa.

Chùa Cổ Linh nằm về phía Đông Bắc UBND xã Khánh Thịnh, cách thị trấn Yên Thịnh huyện Yên Mô 2km. Theo kết quả khảo cổ, vùng đất Yên Mô đã có con người sinh sống cách đây hàng vạn năm.

Cuối năm 1945, tổng Yên Liêu gồm 3 xã cũ: Yên Liêu Thượng, Yên Liêu Hạ, Bồ Vi. Năm 1956, xã Khánh Thịnh được tách ra làm 3 xã: Khánh Thịnh, Yên Thạch lấy tên là Khánh Dương, Đồng Phú lấy tên là Khánh Thượng. Di tích thuộc Khánh Thịnh. Năm 1994, tái lập huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô, di tích thuộc Yên Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho đến nay.

Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, du khách tới chiêm bái chùa Cổ Linh có thể đi theo 2 tuyến: đường bộ và đường thủy. Theo quốc lộ 1A (Ninh Bình-Thanh Hóa) khoảng 8 km tới ngã ba Bình Sơn, du khách rẽ trái vào đường 59 khoảng 8km sẽ tới thị trấn Yên Thịnh. Từ ngã tư thị trấn rẽ trái vào đường liên xã Khánh Thịnh - Khánh Dương 1km rồi tiếp tục rẽ phải vào đường liên thôn 1km là tới di tích. Ngoài ra, khách có thể đi thuyền từ bến Non Nước dọc theo sông Vân 6km đến ngã ba Cầu Yên, rẽ trái vào sông Vạc khoảng 9km.

Về cơ bản, chùa Cổ Linh là công trình kiến trúc thờ Phật, một trong những tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của người Việt. Thông qua các pho

tượng, họ muốn gửi gắm những ước vọng lên các đấng thần linh tối thượng để xin phúc lành cho gia đình, cộng đồng xã hội và quốc gia. Theo nội dung văn bia, chùa Cổ Linh có từ xa xưa, đến giữa thời hậu Lê thì rước sang thờ chung ở chùa Phượng Ban. Sau đó được bắt đầu xây dựng lại vào năm Tự Đức thứ 35 (1882) với sự giúp đỡ của thiền sư Thanh Thiệu là người ấp này trụ trì tại chùa Bích Động (Hoa Lư) có công mở mang xây dựng chùa Cổ Linh. Cụ Hoằng Quỳnh Thuật pháp húy Thanh Côn là người có công xây dựng riêng chùa Cổ Linh. Sau đó, cụ Lê Công hiệu Từ Diễn thiền sư là người của bản thôn đã xuất gia tu đạo cúng tiến xây dựng 3 gian Tam Bảo, 5 gian Tiền Đường. Trải qua 100 năm tồn tại, nhiều nhà sư đã thay nhau trụ trì tại chùa. Các nhà sư đều tâm huyết trùng tu, xây dựng chùa ngày càng đẹp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, chùa Cổ Linh đã đóng góp nhiều công sức vào thắng lợi chung của dân tộc. Ngày 1/5/1950, ông Trịnh Văn Xước và ông Dương Quang Hào đã cắm cờ Việt Minh trên ngọn cây muỗm trước cửa chùa để phát động kháng chiến chống Pháp trên toàn xã. Nhiều thế hệ nhà sư đã trở thành chiến sĩ. Sư bác Thích Thanh Kiều đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, ở giai đoạn khốc liệt nhất với hình ảnh ''cả nước ra quân, toàn dân ra trận''. Sư tiểu Thích Thanh Thanh đã tình nguyện cởi áo cà sa, xin ra trận để chiến đấu và đã anh dũng hi sinh tại chiến trường. Tiếp sau đó, những ngày giao quân lên đường chiến đấu diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn xóm, làng xã. Hàng trăm người con của quê hương đã lên đường ra mặt trận. Để động viên tinh thần cho các chiến sĩ, chùa Cổ Linh đã đóng góp lương thực, thực phẩm, đồng thời là nơi nuôi quân trước ngày nhập ngũ. Chùa cũng tham gia tích cực vào phong trào chăm sóc thương bệnh binh. Ngày 10/4/1970, thiếu tướng Tô Kí, chính ủy bộ tư lệnh quân khu 3 có thư cảm ơn, trong thư đồng chí viết: "trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta, chùa Cổ Linh đã giúp đỡ tích cực cho thương bệnh binh góp phần cùng quân khu hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng anh em thương bệnh binh. Bộ tư lệnh quân khu nhiệt liệt cảm ơn và hoan nghênh"

Vinh dự cho chùa Cổ Linh, thượng tọa Thích Thanh Lũy được hội đồng chính phủ tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì "đã có thành tích trong cuộc khang chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc", ủy ban TWMTTQ tặng Huy chương cùng nhiều bằng khen vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. Sư bác Thích Thanh Côi sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được về hưu an lạc tuổi già với quân hàm Thượng tá. Sư thầy Dương Thị Thuấn được chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ

Việt Nam anh hùng ''đã có con độc nhất hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc''. Có thể thấy, hiếm có ngôi chùa nào mà số lượng các nhà sư gác nghiệp tu hành để tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc nhiều như chùa Cổ Linh. Đó là những tấm gương của những con người đức cao, đạo trọng, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc với tinh thần yêu nước nồng nàn "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chùa Cổ Linh về cơ bản là công tình kiền trúc thờ phật. Ngoài ra trong khuôn viên của chùa còn có nhiều hạng mục công tình liên quan như: tháp - nơi đặt xá lỵ của các nhà sư, nhà Tổ-nơi thờ cúng các vị sư đã từng trụ trì ở đây và các vị tổ Tây, nhà thờ Địa Tạng, nhà khách. Tất cả các công trình này có kiến trúc khác nhau nhưng trong tổng thể lại kết hợp với nhau rất hài hòa để tạo cho chùa có một cảnh quan đẹp nhưng vẫn trang trọng và uy nghiêm. Theo truyền lại, trước đây, phía trước nhà thờ Tổ có đền Tam Thánh rất linh thiêng. Tả-hữu đền có bia hạ mã, nếu ai đi qua không xuống ngựa, xe thì sẽ gặp điều không may mắn. Dân làng thấy ngài hiển linh, xác định đây là con đường giao thông chính của làng, nên nhân dân đã rước Ngài ra khuôn viên chùa Phượng Ban ngày nay để phụng sự.

Ngày nay, chùa Cổ Linh tọa lạc trên khu đất khá rộng, thoáng đãng. Chùa nằm liền kề với khu vực dân cư trong thôn. Tổng diện tích sử dụng là 8028 mét vuông, trong đó có 1740 mét vuông để xây dựng. Chùa quay về hướng tây - một trong hai hướng cơ bản của di tích người Việt, với quan niệm hướng tây hợp với âm dương đối đãi nên Phật tọa yên vị. Cũng xuất phát từ thuật phong thủy trong xây dựng, phía trước

cửa chùa có hồ nước, diện tích khoảng 30 mét vuông. Giữa hồ đắp rồng vàng, đầu rồng đặt pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 2,4m. Tượng được tạc trong tý thế đứng, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, các lớp áo buông thõng mềm mại, tay trái cầm bình nước Cam Lồ, tay phải chỉ thiên. Trong không gian chùa có nhiều cây cổ thụ tạo thế đẹp như: cây đại, cây muỗm ... hàng trăm năm tuổi.

Vườn chùa dựng năm cây tháp, công trình được xây theo hình vuông, cao khoảng 5m, tháp 3 tầng. Đế tháp vững chắc rồi nhỏ dần lên nóc với mái mui luyện. Trong tháp đặt xá lỵ của các vị Tổ chùa.

Từ vườn qua một khoảng sân nhỏ có chiều dài 15m, chiều rộng 3m là tới kiến trúc nội tự. Bố cục gồm 2 tòa: Tiền Đường và Tam Bảo.

Tiền Đường có tất cả 5 gian, mái lợp ngói nam. Trung tâm nóc mái đắp hình cuốn thư đề ba chữ hán "Cổ Linh Tự", hai bên nóc trang trí đường triện. Hệ thống mái được liên kết bởi bộ vì ván mê với đường nét chạm trổ hoa lá tinh xảo. Mười tám cột gỗ chịu lực được đặt trên các chân đá tảng cổ bồng. Từ trái sang, trên các bàn thờ, ngoài bài trí đồ thờ, các ban đều đặt tượng. Ban thứ nhất đặt tượng Đức Ông, tượng được đặt trong khám thờ sơn son thếp vàng, trang trí đề tài: rồng cuộn, lá thiêng... Ban thờ thứ hai đặt tượng Hộ Pháp Trừng Ác. Tượng cao to, tay cầm vũ khí với dáng tướng võ mạnh mẽ, mắt sáng quắc. Tượng làm nhiệm vụ răn con người bỏ ác. Ban thờ thứ ba đặt bộ Di Đà Tam Tôn. Tượng Phật A Di Đà ở giữa, hai vị Bồ Tát tạc trong tư thế gần giống nhau đứng hai bên. Hai vị Bồ Tát này luôn tạo thành cặp đôi đi theo Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh về cõi Tây phương cực lạc. Ban thứ tư đặt tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, tay cầm viên ngọc, khuyên mọi người làm điều thiện. Ban thờ thứ năm đặt tượng Thánh Tăng (Thánh hiền), tạo không gian thâm nghiêm, đại diện cho hàng tăng chúng đức cao đạo trọng để truyền kinh pháp của đức phật tới chúng sinh.

Kéo dài thêm về phía sau là ba gian tòa Tam Bảo. Các cột gỗ được trang trí: lá hóa long, phượng, hổ, ... Các pho tượng đều được thếp vàng. Gian thứ nhất để bài trí đồ thờ, hai gian còn lại bày bức đại tự và tháp đặt trên đài sen. Trên ban thờ đặt tượng Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh - một toàn Cửu Long đẹp, đạt ở trình độ kĩ thuật cao. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay, hiếm thấy di tích nào có tòa Cửu Long đẹp như ở chùa Cổ Linh. Phía trước của tòa Cửu Long là hai pho tượng trong tư thế Thiên tử thiết triều, đội mũ bình thiên. Tượng Phạm Thiên - Đế Thích, tượng Dược Sư Lưu Li Quang Phật, tượng Quan Âm Nam Hải, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát,...

Phía sau chùa còn có nhà Tổ, mọi phía được đặt các tượng Tổ. Mỗi pho tượng một vẻ với phong cách phác họa khác nhau nhưng nghệ nhân đã mang lại cho tín đồ phật tử những hình ảnh tương đối hoàn thiện về các vị Tổ chùa. Bên nhà thờ Tổ là nhà thờ Địa Tạng, kiến trúc năm gian, mái lợp ngói nam. Địa Tạng được Phật Thích Ca giao cho nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh. Ngài nguyện chưa thành Phật khi chưa cứu độ hết chúng sinh ở miền âm phủ. Tượng được tạc trong trang phục áo cà sa, đội mũ tỳ lư. Nhìn chung, ngoài hệ thống đồ thờ phong phú và tượng thờ đa dạng, chùa Cổ Linh còn là sự kết hợp giữa nhiều bộ phận kiến trúc, nhưng chùa vẫn lưu giữ được phong cách truyền thống từ cách bài trí đồ thờ đến đặc trưng kiến trúc, mô tuýp trang trí, vật liệu xây dựng khiên chùa như hòa hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng. Tất cả là những gợi mở đầy thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan chùa. Căn cứ vào kiến trúc, đồ thờ và những sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến chùa Cổ Linh, di tích được xếp vào loại hình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử.

Hàng ngày, chùa thường xuyên mở cửa để đón các tín đồ, phật tử và du khách về chùa hành hương, chiêm bái. Những dịp lễ sóc vọng (mùng một, rằm) dân làng thường biện lễ lên chùa cúng Phật như: trầu cau, rượu, oản, chuối, xôi,...

Hàng năm, chùa có những ngày lệ sau: - Lễ Thượng Nguyên

- Lễ Trung Nguyên - Ngày Phật đản (8/4 ÂL) - Ngày giỗ Tổ chùa (23/8 ÂL)

Vào những ngày lệ, chùa làm cơm chay mời dân làng. Tối đến tổ chức sinh hoạt văn nghệ, các loại hình văn nghệ được biểu diễn chủ yếu là múa, hát thể loại dân gian, chèo, dân ca,...

Chùa là một công trình kiến trúc thời Nguyễn, mang phong cách kiến trúc dân tộc truyền thống. Chùa còn bảo quản được nhiều mảng khối chạm khắc đẹp, góp phần vào việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc ở tỉnh Ninh Bình. Đồng thời góp tiếng nói vào việc bảo tồn, trùng tu các kiến trúc truyền thống, để công việc này thực sự có cơ sở khoa học.

Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý: hệ thống tượng, đồ thờ, văn bia,... Đó là những nguồn sử liệu quan trọng giúp ta nghiên cứu về chùa Cổ Linh, về diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt với bước đi của lịch sử xã hội, đặc biệt là lịch sử văn hóa của người Việt

Di tích là nơi tiếp diễn các sinh hoạt văn hóa cộng đồng về tín ngưỡng, tôn giáo, luôn gắn bó với đời sống cộng đồng. Nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người trong xã hội cổ truyền cũng như hiện đại

Chùa cung cấp được những tư liệu và nhận thức cần thiết cho những nhà nghiên cứu và những người yêu thích nghệ thuật tạo hình dân tộc cổ truyền trên phương diện: niên đại, mĩ thuật và ý nghĩa.

Cửa phật là nơi hướng con người đến lẽ huyền vị, đến cái chân, thiện, mĩ. Qua đó sẽ tạo một cơ sở nhìn nhận khách quan về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt trong văn hóa Việt Nam. Góp phần cho công tác giáo dục truyền thống, chống mê tín dị đoan.

Ban quản lí Di tích và Danh thắng tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ khoa học đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt trình UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định xếp hạng di tích chùa Cổ Linh, thôn Yên Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong văn thuyết minh với chủ đề giới thiệu về địa phương Yên Mô (Trang 37 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(46 trang)
w