Tranh biếm hoạ tình cảnh người nông dân Pháp trước cách mạng

Một phần của tài liệu SKKN nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường THPT qua việc sử dụng tranh biếm họa, phần lịch sử thế giới lớp 10 chương trình chuẩn (Trang 27 - 29)

Nội dung tranh : Đây là bức tranh biếm họa nói lên tình cảnh người nôngdân Pháp trước Cách mạng tư sản Pháp.

Bức tranh miêu tả một người nông dân già nua, ốm yếu nhưng lại phải cõng trên lưng mình hai người đàn ông to béo, khỏe mạnh. Đó chính là hình tượng cho hai đẳng cấp quý tộc và tăng lữ trong xã hội Pháp trước cách mạng.

Người ngồi đằng trước mặc chiếc áo choàng, cổ đeo cây thánh giá, nét mặt có vẻ sung sướng thỏa mãn, tượng trương cho tăng lữ (đẳng cấp thứ nhất). Người ngồi đằng sau đeo thanh kiếm dài ở cạnh sườn có nhiều đồ trang sức và mũ lông chim rất cao quý, tượng trưng cho tầng lớp quý tộc (đẳng cấp thứ hai). Cả hai đều béo mũm mĩm, má toàn mỡ, ăn mặc thì màu mè, diêm dúa và quý phái. Trong túi quần và túi áo của tăng lữ, quý tộc thò ra những loại văn bản vay nợ, cho thuê ruộng, những quy định về nghĩa vụ phong kiến của nông dân mà có lẽ đến hàng nghìn đời họ cũng không trả hết được.

Vì phải cõng hai tầng lớp của xã hội nên lưng của người nông dân còng xuống, tay chống bởi chiếc cán cuốc đã mòn vẹt. Đây chính là biểu hiện cho công cụ sản xuất thô sơ và lạc hậu của người nông dân cũng như nền nông nghiêp của Pháp trước cách mạng. Dưới chân người nông dân là những con vật thường xuyên phá hại mùa màng như chuột, chim câu và thỏ… Sản phẩm của người nông dân làm ra đã ít ỏi, họ vừa phải nộp cho quý tộc, tăng lữ, vừa bị bọn thú vật phá hoại.

Nội dung khai thác: Bức tranh còn phản ánh chế độ đẳng cấp bất bình đẳng

ở Pháp, khi mà 2 đẳng cấp trên là Quý tộc và Tăng lữ có rất nhiều quyền lợi và bóc lột Đẳng cấp thứ 3 (chủ yếu là nông dân) bằng rất nhiều thứ thuế khác nhau.

Trước cách mạng, đời sống của người nông dân Pháp vô cùng cực khổ. Với số hoa lợi thu được hàng năm người nông dân phải nộp tô thuế hết sức nặng nề. Nông dân thường phải nộp 50% thu hoạch cho nhà nước, 25% thu hoạch nộp cho chủ đất, 10% nộp cho nhà thờ. Ngoài ra người nông dân còn phải nộp các khoản thuế phụ thu khác như thuế cầu, thuế đường, thuế lò nướng bánh mì, thuế say xát… Một nghịch lý là khi cầu đã gãy, đường đã hỏng, cối xay không dùng được nữa nhưng người dân vẫn phải nộp thuế

Phương pháp sử dụng

Bức tranh được khai thác ở mục I phần 1 “Tình hình kinh tế, xã hội” trong bài 31 sách giáo khoa lớp 10 THPT.

Sau khi trình bày tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Pháp, GIÁO VIÊNcó thể cho học sinh quan sát bức tranh để thấy được tình cảnh của người nông dân trước cách mạng Pháp. Bức tranh này giúp học sinh hiểu về kinh tế, chính trị và mâu thuẫn xã hội ở Pháp trước cách mạng, qua đó giúp học sinh rút ra nguyên nhân bùng nổ cách mạng.

Giáo viên cho học sinh quan sát tranh và yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi gợi mở của mình đưa ra:

Bức tranh trên có mấy người? Qua trang phục của họ các em đoán họ là những ai? Tại sao lại có sự khác nhau giữa các khuôn mặt 3 người vậy? Tại sao người kia lại phải cõng hai người còn lại? Cán cuốc mòn kia ám chỉ điều gì? Vì sao dưới chân người nông dân lại có thỏ và chuột?

Một phần của tài liệu SKKN nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường THPT qua việc sử dụng tranh biếm họa, phần lịch sử thế giới lớp 10 chương trình chuẩn (Trang 27 - 29)