Tạo sự liên kết về nội dung

Một phần của tài liệu Thơ haikư việt nam (Trang 26 - 30)

7. Bố cục của khóa luận

1.2.4. Tạo sự liên kết về nội dung

Nội dung được tạo thành nhờ sự kết hợp hài hòa giữa đề tài, chủ đề, tư tưởng. Thơ Haikư với một cấu trúc nghệ thuật đặc sắc. Với 17 âm tiết thơ Haikư có ba dòng với ba chức năng khác nhau:

Dòng thứ nhất: giới thiệu

Dòng thứ hai: tiếp tục ý trên và chuẩn bị dòng thứ ba

Dòng thứ ba: kết lại tứ thơ nhưng không bao giờ rõ ràng đủ ý mà mở ra những suy tư, xúc cảm cho người đọc.

Nhà phê bình văn học Barther người Pháp đã từng nhận xét: “Sự gắn bó thơ Haikư không phải về hình thức. Haikư không phải là một tư tưởng phong phú mà là một sự tình vắn tắt tìm ra hình thức vừa vặn cho mình”. Do cấu trúc chặt chẽ như trên cho nên đòi hỏi người làm thơ Haikư phải biết “kiệm từ” chọn từ và thật đắt cô đọng ẩn chứa nhiều ý nghĩa để đưa vào thơ. Các sự việc phán ánh trong thơ Haikư có khi tưởng như rời rạc, không liên kết với nhau, nhưng thực ra chúng có mối liên kết chặt chẽ từ bên trong.

Ban đầu khi tìm hiểu thơ Haikư ta thấy thật khó hiểu nhưng khi đi sâu khám phá mới thấy cái hay, cái đẹp của nó. Chúng ta đến với những bài thơ của Basho:

“Đất khách mười mùa sương về thăm quê ngoảnh lại

Eđo là cố hương” (Basho)

Con người ta ai cũng vậy, họ luôn nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ quên được quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng rồi lúc xa quê, thời gian sẽ là con thuyền đưa tình cảm ấy dần dần xa rời con tim mỗi người. Với nhà thơ Basho cũng vậy.

Quê Basho ở Mi-ê, ông lên Edo ở (năm 28 tuổi) được mười năm (38 tuổi) mới quay trở lại thăm quê. Nhưng rời chân ra đi, lại nhớ Edo, thấy Edo như quê cũ

của mình. Nhân vật trữ tình như quay ngược thời gian, trở lại tâm trạng của mười năm trước, khi từ Mi-ê lên sinh sống ở Edo. Rời một miền quê nông thôn lên thành phố là một sự chuyển dịch quá lớn lao cùa một đời người. Từ cái vắng lặng u tịch chuyển sang cái ồn ào náo nhiệt ; từ quan hệ đơn giản chuyển sang những mối quan hê phức tạp chốn thành thị ; từ cái quen thuộc gần gũi chuyển sang cái xa lạ ngỡ ngàng… Edo lúc ấy là “đất khách” đối với Basho. Nhắc đến đất khách người ta nghĩ ngay đến “ quê người “. Cụm từ ấy gợi lên bao cảm giác cô đơn lạc lõng. Đi giữa phố đông mà thấy mình thật là lẻ loi… Thơ Haikư hàm xúc gợi cảm là thế. Chỉ một từ ngữ “mùa sương” mà gợi không khí của mùa thu, cái lãng đãng của sương thu gợi bao nỗi buồn tha thiết ở lòng ngươì xa xứ . Thời gian mười năm không còn là thời gian vô cảm, mà trở thành thời gian tâm lí đày ắp tình thương, nỗi nhớ quê hương của mình. Mười mùa sương Basho xa quê cũ Mi-ê cũng là mười năm gắn bó với Edo. Lúc đầu Edo là “đất khách” sau mười năm gắn bó hôm nay tạm biệt Edo về thăm quê xưa người ra đi đã cảm nhận rất rõ “Edo là cố hương”. Từ “đất khách” hóa thành “cố hương” là cả một quá trình, nó diễn ra ầm thầm trong lòng người . Đó là sự biến đổi từ vật chất đến tinh thần, từ cái hữu hình thành cái vô hình, từ vô tri vô cảm thành tâm linh hữu tình. Trong bài thơ Basho viết về mẹ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng:

“ Lê tràn nóng hổi tan trên tay tóc mẹ làn sương thu”

Bài thơ được viết trong hoàn cảnh tâm lí đặc biệt. Năm Basho 40 tuổi ông du hành đến vùng Ka-sai, nơi gần quê hương. Ông ghé về thăm quê nhà thì mới biết rằng mẹ đã mất. Người anh đã đưa cho ông di vật của mẹ là mớ tóc bạc. Nỗi xúc động và xót xa được thể hiện ở giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống bàn tay đang nâng mớ tóc bạc. Hình ảnh mớ tóc bạc là hình ảnh cuộc đời vất vả một nắng hai sương của mẹ đang hòa quyện trong những giọt nước mắt của người con. Vì thế

xuất hiện “làn sương thu” đầy gợi cảm. “Làn sương thu” là quý ngữ của bài thơ. Giọt lệ như sương hay tóc mẹ như sương hay đời người như giọt sương ngắn ngủi vô thường. “Làn sương thu” cứ lơ lửng và bài thơ trở nên mờ ảo, đa nghĩa.

Chỉ bằng vài hình ảnh nhưng thơ Haikư gợi cho người đọc sự liên tưởng, tưởng tượng đầy thú vị về nội dung. Như bài thơ:

“Tiếng vượn hú não nề hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc

gió mùa thu tái tê” (Basho)

Tiếng vượn hú gợi lên nỗi bi ai hoang dại, gợi cho Basho liên tưởng đến tiếng khóc não lòng, bi ai của những đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng trong những năm đói kém, những đứa trẻ “wa-bi-ru” nghĩa là “tỉa bớt” như người ta tia bớt cây non. Tiếng vượn hú hay tiếng trẻ con khóc thật ? Tiếng trẻ khóc hòa trong tiếng vượn hú vọng về theo gió mùa thu hay chính là tiếng gió đang than khóc cho nỗi đau buồn của con người? Người đọc sẽ tự lý giải và trả lời câu hỏi ấy.

Có những bài thơ đơn thuần là viết về thiên nhiên mà nó thể hiện triết lý sâu xa. Hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân Nhật Bản là hoa anh đào:

“Từ bốn phương trời xa cánh anh đào lả tả gợn sóng hồ Bi-oa”

(Basho)

Bài thơ gợi tả cảnh xuân về, quanh hồ Bi-oa hoa anh đào nở, cánh hoa hồng nhạt, lả tả theo gió xuân rụng xuống làm mặt nước hồ xao động gợn sóng. Từ những hình ảnh thơ đẹp, giản dị tự nhiên gợi nên cảm thức nhẹ nhàng rất tiêu biểu của thơ Haikư, đồng thời thể hiện triết lý sâu sắc, đó là sự tương giao của các sự vật hiện tượng. Theo quan niệm của Thiền tông, thế giới không phải bao hàm những vật đơn lẻ, và các sự vật tác động, xâm nhập chuyển hóa lẫn nhau như cánh

hoa đào và mặt hồ kia vậy. Nhiều bài thơ miêu tả thiên nhiên làm ta liên tưởng đến cuộc đời con người như trong bài thơ của Basho:

“Nằm bệnh giữa cuộc đời lãng du mộng hồn còn phiêu bạt những cánh đồng hoang vu”

(Basho)

Quý ngữ trong bài thơ này là “cánh đồng hoang vu”, hình ảnh của mùa đông xơ xác, tiêu điều trống trải, giá lạnh. Đây là bài thơ từ thế của ông, được viết năm 1694 ở Ôsa-ka khi nhà thơ cảm thấy mình yếu lắm, như cánh chim giang hồ sắp bay khuất vào chân mây cuối trời. Cuộc đời Basho là cuộc đời một kẻ lãng du, lang thang phiêu bồng. Ngay cả khi sắp mất, ông vẫn muốn hồn ông sẽ tiếp tục cuộc phiêu du trên cánh đồng hoang.

Dù chỉ với ba dòng ngắn ngủi nhưng mỗi bài thơ Haikư đem đến cho chúng ta hiểu về một nội dung trọn vẹn. Nó rất cô đọng và hàm súc gợi cho người đọc sự liên tưởng phong phú qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị. Đây là lý do chúng ta cần phải khám phá điều bí ẩn chứa đựng trong 17 âm tiết này. Như William Blake trong văn chương Anh đã thấy: “cả vũ trụ trong một hạt cát, cả thiên đường trong một đoá hoa”.

CHƯƠNG 2

THƠ HAIKƯ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Thơ haikư việt nam (Trang 26 - 30)